2020: Năm của các mạng xã hội 'made in Vietnam'

Khám pháThứ Ba, 16/02/2021 19:22:00 +07:00
(VTC News) -

2020 được các chuyên gia đánh giá là một năm bùng nổ của mạng xã hội Việt Nam, đây sẽ nền tảng giúp lĩnh vực công nghệ số năm 2021 nhiều đột phá hơn nữa.

Các mạng xã hội Việt Nam đang từng bước bắt kịp với những gã khổng lồ như Facebook, YouTube về số người sử dụng. Đó cũng là lúc Việt Nam tiến dần đến việc làm chủ hệ sinh thái số của riêng mình. 

Những bước tiến dài

Theo số liệu của Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến cuối năm 2018, chỉ có 2 nền tảng Việt là Zalo và Mocha có quy mô đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Ở thời điểm đó, mạng xã hội lớn nhất là Facebook có 60 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Cùng thời gian, Zalo có 40 triệu người dùng còn Mocha có khoảng 4,5 triệu người sử dụng. 

Đến thời điểm hiện tại, ngoài những doanh nghiệp kể trên, các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam giờ đây xuất hiện thêm hai cái tên mới là Gapo, Lotus.

Thống kê mới nhất cho thấy, tính đến tháng 11/2020, Zalo là mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng. Xếp sau nền tảng này lần lượt là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu thành viên) và Lotus (2,5 triệu thành viên). 

2020: Năm của các mạng xã hội 'made in Vietnam' - 1

Mạng xã hội Lotus của Việt Nam.

Những con số trên đây không phải tổng lượng tài khoản mà là tổng số người dùng hoạt động hàng tháng (Monthly Active Users - MAU). Đây là chỉ số cho thấy mức độ tương tác với một sản phẩm trên môi trường mạng của người dùng. 

Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm, Việt Nam giờ đây có 4 nền tảng mạng xã hội với trên 1 triệu thành viên. Đây là quy mô tối thiểu để một mạng xã hội trong nước đủ tiềm lực cạnh tranh với các nền tảng ngoại. 

Ngoài số lượng mạng xã hội có tiềm lực mạnh đã tăng lên gấp đôi, tốc độ phát triển của các nền tảng này cũng rất đáng chú ý. 

Chỉ sau có 2 năm, Zalo tăng thêm 20 triệu thành viên, gấp 1,5 lần năm 2018. Với Mocha, quy mô của nền tảng này đã tăng tới 2,7 lần. Những nền tảng còn lại như Gapo, Lotus cũng đã ít nhiều cho thấy tiếng nói của mình chỉ sau hơn 1 năm hoạt động. 

Sự phát triển nhanh và mạnh của các mạng xã hội trong nước chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy hệ sinh thái số và xa hơn là cả nền kinh tế số Việt Nam.  

Mạng xã hội Việt

Tất cả các dịch vụ mạng đều không miễn phí. Với trường hợp của Facebook, Google, người dùng đang trả phí bằng chính dữ liệu cá nhân của mình. Do đó, sẽ là rất nguy hiểm nếu dữ liệu cá nhân của người dùng bị sử dụng vào mục đích không lành mạnh. 

Đó là lúc mà cả thế giới phải đối mặt với những hiểm họa lớn về vấn đề an ninh. Vụ bê bối Cambridge Antalyca của Facebook liên quan tới cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 là minh chứng rõ nét nhất.

Trên thực tế, chính phủ nhiều quốc gia đang cảm thấy lo lắng về sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Đó cũng là lý do mà Trung Quốc, Triều Tiên gần như ngăn cấm hoàn toàn sự hiện diện của các nền tảng nước ngoài.

Ngoài chuyện cấm đoán, còn một cách giải quyết khác là tự mình phát triển và thúc đẩy sự cạnh tranh của các nền tảng nội. Tuy nhiên, rất ít quốc gia trên thế giới có thể làm được điều này. 

Thực tế cho thấy, trong số các nước Facebook được phép hoạt động, chỉ có Nga là quốc gia mà mạng xã hội này không chiếm được thị phần đa số.

Số liệu của Statista cho thấy, tính đến tháng 1/2020, Vkontakte hiện có 38 triệu người dùng Nga, chiếm khoảng 54% lượng người sử dụng mạng xã hội thường xuyên tại quốc gia này. Đáng chú ý khi Vkontakte là nền tảng mạng xã hội do chính người Nga phát triển.

Đây cũng là ví dụ hiếm hoi cho thấy một quốc gia có thể phát triển mạng xã hội của riêng mình để cạnh tranh sòng phẳng với các nền tảng xuyên biên giới. 

2020: Năm của các mạng xã hội 'made in Vietnam' - 2

Mạng xã hội Việt Nam hướng đến phục vụ người dùng bản địa.

Với trường hợp của Việt Nam, Facebook hiện vẫn là nền tảng mạng xã hội dẫn đầu với 61 triệu người sử dụng (số liệu tháng 1/2020 của We are Social). Tuy vậy, với 60 triệu người sử dụng thường xuyên, Zalo đã gần như đuổi kịp Facebook về số lượng người dùng.

Có thể thấy, giống với trường hợp của Nga, Việt Nam đã chọn cho mình hướng đi riêng. Đó là phát triển các mạng xã hội trong nước để song hành và hạn chế sức ảnh hưởng của các nền tảng xuyên biên giới. 

Không phụ thuộc Facebook, Goolge

Facebook, Twitter hay Instagram chủ yếu thu hút người dùng để từ đó kiếm tiền quảng cáo. Các nền tảng này không có những sản phẩm, dịch vụ khác trong hệ sinh thái của riêng mình. Đây chính là điểm khác biệt của những nền tảng xuyên biên giới với các mạng xã hội Việt Nam. 

Theo ông Hoàng Viết Tiến, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, bản chất của các mạng xã hội mới như Lotus, Gapo là cung cấp nền tảng để công ty mẹ triển khai thêm các dịch vụ mới dựa trên tập database khách hàng mà họ đã có sẵn.  

Những nền tảng này ra đời sau, nhắm tới thị trường ngách và có đối tượng hướng đến là người dùng bản địa. Thông qua đây, G-Group và VCCorp (đơn vị phát triển Gapo, Lotus) có thể thu thập được insight khách hàng và tăng cường thêm trải nghiệm người dùng.

“Nhờ dữ liệu khách hàng, một doanh nghiệp F&B có thể phân tập đối tượng quảng cáo theo độ tuổi, nhóm đối tượng,... Chi phí nghiên cứu thị trường, quảng cáo vì thế sẽ giảm đi trông thấy”, ông Tiến nói.

Các doanh nghiệp Việt từng phụ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng ngoại, phải mua dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài để quảng cáo. Sự xuất hiện của các nền tảng nội sẽ giúp giải bài toán lệ thuộc này. 

Theo ông Tiến, sự nổi lên của các mạng xã hội trong nước sẽ giúp Việt Nam làm chủ về mặt công nghệ, từ đó phát triển bền vững hơn. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm trong tay dữ liệu, hành vi người dùng để nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Đây chính là hướng đi bền vững để phát triển hệ sinh thái số Việt Nam. 

Trọng Đạt
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp