2018 - Năm đại họa của Huawei và ZTE

Thế giớiThứ Sáu, 28/12/2018 16:59:00 +07:00

2018 được coi là năm hạn với cả Huawei và ZTE khi 2 tập đoàn công nghệ sừng sỏ của Trung Quốc bị tẩy chay, hất cẳng ra khỏi hàng loạt thị trường cả truyền thống và tiềm năng.

Mới đây nhất, truyền thông Mỹ tiết lộ Tổng thống Trump đang xem xét ban hành sắc lệnh khẩn cấp cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông do Huawei, ZTE sản xuất. Đây là tin tức "chốt sổ" không mấy vui trong một năm dính đầy bê bối của 2 gã viễn thông khổng lồ của Trung Quốc. 

Đầu năm 2018, nỗ lực bành trướng sự hiện diện vào thị trường Mỹ với "siêu phẩm" Mate 10 Pro của Huawei bị dội một gáo nước lạnh sau khi nhà mạng hàng đầu Mỹ AT&T bất ngờ hủy kế hoạch bán mẫu điện thoại này cho khách hàng Mỹ vốn được thỏa thuận trước đó vào phút chót.

180803155221ztehuawei1100x619-1621296

2018 được xem là một năm không mấy suôn sẻ với Huawei và ZTE. (Ảnh: CNN Money)

AT&T không nói rõ ràng về lý do cho quyết định bất ngờ này nhưng nguồn tin khẳng định động thái của nhà mạng Mỹ xuất phát từ mối quan ngại về ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc tới ngành công nghiệp viễn thông Mỹ được các thành viên của Ủy ban tình báo lưỡng viện Quốc hội Mỹ đề cập trong lá thư gửi tới Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ vào cuối tháng 12. 

Chưa kịp vực dậy sau cú sốc, Huawei lại bị Mỹ và hàng loạt các nước đồng minh gồm Canada, Hàn Quốc và Australia liệt vào danh sách các mối đe dọa an ninh quốc gia. 

Đầu tháng 3, chuỗi siêu thị điện máy uBest Buy của Mỹ cho biết sẽ ngừng bán điện thoại của Huawei không lâu sau lời kêu gọi công dân ngừng sử dụng các thiết bị điện tử của tập đoàn Trung Quốc từ các cơ quan an ninh Mỹ. 

Australia trong khi đó liên tiếp gây áp lực với nước láng giềng Solomon để hất cẳng tập đoàn cung cấp thiết bị không dây Huawei trong dự án xây dựng cáp Internet dưới biển và một trung tâm an ninh mạng trên đảo quốc châu Đại dương này trong nỗ lực bảo vệ an ninh mạng của Canberra. Hàn Quốc cùng với đó liên tục bày tỏ hoài nghi, nhấn mạnh Huawei là một mối lo ngại không thể coi thường. 

Trong khi Huawei tìm mọi cách để trấn an các thị trường, đồng hương của họ là ZTE cũng rơi vào cảnh điêu đứng trước cáo buộc sử dụng một phần tiền của công ty dành cho các khoản thanh toán để hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài.

Cáo buộc này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty nước này cung cấp linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm, động thái trừng phạt công ty viễn thông lớn thứ 3 thế giới vì vi phạm một số điều khoản khi bán các linh kiện nhập từ Mỹ cho Iran. Rất may cho ZTE là tới tháng 6 Washington đã gỡ bỏ lệnh cấm này, đổi lại công ty này phải nộp phạt 1 tỷ USD. 

Chưa kịp vui nhờ tín hiệu lạc quan sau hàng loạt những diễn biến u ám, tháng 8/2018 ZTE nhận cú giáng điếng người sau khi Tổng thống Trump ký ban hành lệnh cấm sử dụng các sản phẩm công nghệ của công ty này cùng Huawei trong các cơ quan chính phủ và các nhà thầu quốc phòng của Mỹ. 

Huawei thậm chí còn thê thảm hơn khi chỉ vài tuần trước đó, các thiết bị của hãng này bị cơ quan an ninh hàng đầu của Anh gắn mác tạo ra rủi ro mới trong hệ thống viễn thông Anh. 

Cũng trong tháng 8, Australia làm lung lay tham vọng đi đầu trong công nghệ 5G toàn cầu của Huawei khi cấm gã viễn thông khổng lồ của Trung Quốc cung cấp thiết bị 5G cho nước này với lý do sự tham gia của các hãng cung cấp thiết bị viễn thông bị chính phủ giật dây sẽ khiến các nhà mạng nước này không thể "bảo vệ hoàn toàn mạng 5G trước các nguy cơ truy cập hoặc can thiệp bất hợp pháp".

Tháng 11/2018, New Zealand nối gót Australia cấm Huawei tham gia triển khai mạng lưới 5G tại nước này với lý do công nghệ. 

Tuy nhiên, vận đen đỉnh điểm của Huawei trong năm 2018 chỉ thực sự tới sau vụ Canada bắt giữ giám đốc tài chính Meng Wanzhou. Kể từ khi Canada bắt giữ bà Mạch vào hôm 1/12, cái tên Huawei phủ đầy các mặt báo quốc tế vào những tuần cuối cùng của năm 2018.  

2-2206531

  Giám đốc tài chính (CFO) Huawei, Meng Wanzhou. (Ảnh: Reuters)

Làn sóng tẩy chay Huawei vốn đã âm ỉ trước đó, nay bắt đầu lan rộng ra toàn thế giới sau vụ bà Meng bị bắt giữ. 

Hơn 1 tuần sau vụ bắt giữ, Nhật Bản tuyên bố loại các thiết vị viễn thông của Huawei và cả của ZTE khỏi các hợp đồng mua sắm công từ tháng 4/2019 với lý do lo ngại về nguy cơ rò rỉ thông tin tình báo và tấn công mạng từ các thiết bị này. 

Vài ngày trước đó, BT Group, tập đoàn viễn thông lớn nhất nước Anh thông báo ngừng mua thiết bị từ Huawei cho mạng di động thế hệ kế tiếp, đồng thời tháo bỏ thiết bị truyền tin cốt lõi của Huawei ra khỏi hệ thống truyền tin qua mạng Internet.

Vào những ngày cuối cùng của năm 2018, các nguồn tin tiết lộ Tổng thống Trump đang xem xét ban hành sắc lệnh khẩn cấp cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông do 2 gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. 

Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là bước đi mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump để loại bỏ Huawei và ZTE khỏi thị trường Mỹ. Washington từng cáo buộc 2 công ty này bị chính phủ Trung Quốc giật dây và các thiết bị của họ được sử dụng để do thám người Mỹ. Theo Reuters, sắc lệnh được xem xét trong hơn 8 tháng qua có thể sẽ được ban hành sớm nhất vào tháng 1/2019.  

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn