2014: Năm khủng hoảng kinh tế Nga

Kinh tếThứ Hai, 16/02/2015 05:50:00 +07:00

Năm 2014 được cho là một năm khủng hoảng của nền kinh tế Nga và có vẻ hệ quả của nó cần mất thêm nhiều thời gian để được khắc phục hoàn toàn

(VTC News) - Năm 2014 được cho là một năm khủng hoảng của nền kinh tế Nga và có vẻ hệ quả của nó cần mất thêm nhiều thời gian để được khắc phục hoàn toàn.

Bức tranh đối lập

Năm 2014 bắt đầu như mọi năm với nền kinh tế Nga. Nước này vẫn nằm trong top 8 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau khi kết thúc năm cũ 2013. Tổng thống Nga Putin khẳn định, 2013 là thời điểm "lao động và làm việc thực chất" của công dân Nga.
Tổng thống Nga Putin rất tự tin vào đầu năm 2014
Tổng thống Nga Putin rất tự tin vào đầu năm 2014 
Bên cạnh đó, nhiều chỉ số đều tăng trưởng dương: GDP tăng 1,5%, thặng dư thương mại đạt con số rất đáng kể, khoảng 150 tỷ USD. Ngành kinh tế then chốt của Liên bang Nga, khai thác dầu mỏ, đạt sản lượng 523,2 triệu tấn, tăng 1,2% so với năm 2012 và tỷ lệ lạm phát giảm từ 6,6% xuống còn 6,1%.
Nước Nga đứng trong Top 8 quốc gia giàu nhất thế giới năm 2013
Nước Nga đứng trong Top 8 quốc gia giàu nhất thế giới năm 2013 
Những kết quả lạc quan của nền kinh tế cho phép Chính phủ nước này có thể đầu tư mạnh tay cho Thế vận hội Mùa Đông - Olympic Sochi "khủng" nhất trong lịch sử vào đầu tháng 2/2014. Ước tính số tiền "đổ vào" kỳ Thế vận hội này khoảng 50 tỷ USD, gấp ba lần những gì Vương quốc Anh bỏ ra trước đó.
Olympic Sochi là kỳ Thế vận hội khủng nhất trong lịch sử
Olympic Sochi là kỳ Thế vận hội khủng nhất trong lịch sử 
Không những thế, thành công của nền kinh tế còn giúp Nga thành công hơn trên vũ đài quốc tế. Tổng thống Putin được bầu chọn là người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới tháng 11/2013 trên tạp chí Forbes.

Tuy nhiên, ngay sau khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế ba vòng với Nga, mọi chuyện đã trở nên tồi tệ với nước này. Nguyên nhân của sắc lệnh này là do Nga đã sáp nhập một phần lãnh thổ của Ukraine và được cho là hậu thuẫn cho chiến dịch của lực lượng ly khai ở miền Nam.

Tổng thống Mỹ, Barack Obama tuyên bố lệnh trừng phạt kinh tế sẽ "cắn một vết đau" vào nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới. Và thực tế thì điều này đã xảy ra. Hệ quả lớn nhất của lệnh trừng phạt này là việc giá dầu giảm sút nhanh chóng và đồng Rúp cũng nhanh chóng mất giá thê thảm.
Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố lệnh trừng phạt cắn một vết đau với Nga
Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố lệnh trừng phạt cắn một vết đau với Nga 
Năm 2014, giá dầu mất đi tới 50% giá trị, hiện là trên dưới 60 USD/ thùng còn đồng Rúp hiện tại được giao dịch với tỷ giá 66,04 Rúp đổi 1 USD.  Trong phiên giao dịch ngày 16/12, tỷ giá đồng Rúp từng sụt giảm ở mức được cho là mạnh nhất trong vòng 16 năm qua.
Dầu mất giá làm nền kinh tế Nga khủng hoảng nặng nề
Dầu mất giá làm nền kinh tế Nga khủng hoảng nặng nề 
Cũng trong tháng 12 (23/12), tổ chức tín dụng quốc tế Standard and Poor đã quyết định xem xét các khoản nợ của Nga để chấm nợ xấu. Khi nền kinh tế ổn định, Liên bang Nga hoàn toàn có thể hoàn trả các khoản nợ của mình đúng hạn, tuy nhiên, hiện nay, nguy cơ trở thành nợ xấu của chúng rất cao.

Hãng tin RIA Novosti dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tại một diễn đàn kinh tế ở Moskva cho hay: "Chúng tôi thiệt hại khoảng 40 tỷ USD mỗi năm do các biện pháp trừng phạt mang động cơ địa chính trị".

GDP của Nga trong năm 2014 chỉ tăng ở mức thấp, 0,6% và năm mới 2015 được cho là một năm khó khăn hơn nữa cho kinh tế nước này khi giá dầu dự báo khó có thể tăng quá nhanh.

Dự báo năm mới

Chính phủ Nga đã sử dụng rất nhiều biện pháp kinh tế vĩ mô nhằm giải quyết tình hình căng thẳng của kinh tế trong nước. Tổng thống Nga Putin cũng từng lên tiếng khẳng định tỷ giá đồng Rúp sụt giảm sẽ chỉ làm ảnh hưởng đến kinh tế nước này "ở một chừng mực" nào đó.
Những hành động của Tổng thống Putin nhằm cứu tỷ giá đồng Rúp
Những hành động của Tổng thống Putin nhằm cứu tỷ giá đồng Rúp 
Tuy nhiên, rõ ràng các biện pháp tác động kinh tế có vẻ chưa phải là cách giải quyết toàn diện cho vấn đề khủng hoảng tại xứ sở Bạch Dương. Yếu tố quan trọng nhất tác động là biến động giá dầu. Một khi giá dầu tăng trở lại và ở mức ổn định, mọi vấn đề của quốc gia phụ thuộc đến hơn 50% vào dầu khí này mới có thể được giải quyết.

Tháng 12/2014, các chuyên gia của công ty AFK "Sistema" dự báo với giá dầu ở mức 50 USD/thùng năm 2015, tỷ giá hối đoái trung bình của đồng ruble là 81 ruble/1 USD, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế giảm 8%, lạm phát cuối năm là 17%./.
Tổng thống Nga Putin sẽ tiếp tục phải đau đầu trong năm mới
Tổng thống Nga Putin sẽ tiếp tục phải đau đầu trong năm mới 
Với kịch bản giá dầu không tăng trở lại quá mạnh, ở mức chỉ 50 USD/ thùng, nền kinh tế Nga sẽ còn tiếp tục đối mặt với suy thoái trong năm 2015, mức lương thực tế của người dân còn giảm tới 10,3%. Bên cạnh đó, mức lạm phát của Nga cũng sẽ vượt mức 10% và điều này dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực.

Dự trữ ngoại hối của Nga hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, do Ngân hàng Trung ương nước này liên tục phải chi ngoại tệ để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp. Tuần trước, dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 15,7 tỷ USD, xuống dưới mức 400 tỷ USD, từ mức 510 tỷ USD vào đầu năm.

Một số chuyên gia nhận định, nếu giá dầu không tăng quá 50 USD/thùng, Chính phủ Nga sẽ không có đủ khả năng để duy trì tỷ giá đồng Rúp trong vòng hơn 2 năm, cho dù các công ty xuất khẩu có bán thêm ngoại tệ ra thị trường.

Năm 2015 tới với sự lo lắng của người dân Nga về nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, chỉ với một thông tin giá dầu đột ngột bật tăng trở lại, mọi vấn đề của Liên bang Nga sẽ được giải quyết. Và để hướng tới tương lai đó, có lẽ ông Putin cần phải làm việc tích cực và thay đổi chính sách phù hợp hơn.

Khánh Huy
Bình luận
vtcnews.vn