2010: Gửi tiết kiệm, đầu tư vàng, BĐS hay chứng khoán?

Kinh tếThứ Hai, 15/02/2010 08:56:00 +07:00

Nhiều băn khoăn của các nhà đầu tư, năm 2010, gửi tiết kiệm, đầu tư vàng, BĐS hay chứng khoán sẽ sinh lời nhất?

Năm 2009, có thời điểm nhà đầu tư bỏ vốn vào chứng khoán có thể sinh lời tới 50%/vốn, giá bất động sản tăng khoảng 30%, giá vàng đạt kỷ lục cao nhất trong lịch sử và mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức 10,49%/năm. Vậy năm 2010, bỏ tiền đầu tư vào đâu sinh lời nhất?

Kinh tế Việt Nam 2010 dự báo nhiều thuận lợi (ảnh minh họa).
 

Với mức tăng trưởng GDP đạt mức 5,2% trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hồi phục nhanh nhất và ấn tượng nhất khu vực. Trong đó, có thời điểm nhà đầu tư bỏ vốn vào chứng khoán có thể sinh lời tới 50%/vốn, giá bất động sản tăng khoảng 30%, giá vàng đạt kỷ lục cao nhất trong lịch sử và mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức 10,49%/năm.

 
Trong năm 2010, chỉ tiêu tăng trưởng GDP  được Quốc hội "chốt" ở mức khoảng 6,5%, trong khi chỉ số tăng giá tiêu dùng không quá 7%. Tuy nhiên, theo dự báo của Goldman Sachs, mức tăng GDP năm 2010 của Việt Nam có thể đạt mức 8,2%. Theo đó, các kênh đầu tư trên thị trường Việt Nam hứa hẹn một mùa bội thu mới và người ta muốn bỏ tiền đầu tư vào kênh nào quả không dễ lựa chọn. 
 
Gửi tiết kiệm - Kém hấp dẫn nhưng an toàn nhất
 
Sau 10 tháng liên tiếp duy trì lãi suất cơ bản ở mức 7%/năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bất ngờ điều chỉnh tăng lên mức 8%/năm kể từ ngày 1/12/2009. Điều này có nghĩa, các ngân hàng thương mại được phép huy động tiền gửi VND lên mức trần 12%/năm và trên thực tế, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi và "đỉnh" lãi suất những ngày cuối tháng 12/2009 ở mức 10,49%/năm.
 
Bước sang năm 2010, Ngân hàng Nhà nước công bố "Điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động linh hoạt và thận trọng" phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì đà phục hồi kinh tế theo nguyên tắc thị trường. Như vậy, chính sách tiền tệ sẽ được điều chỉnh theo yêu cầu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
 
Chính sách này cho phép các ngân hàng thương mại hoạt động dễ dàng hơn theo tín hiệu kinh tế vĩ mô và cung cầu thị trường tiền tệ trên cả hai lĩnh vực huy động vốn và cho vay.
 
Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, xét về nguyên tắc, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức chấp nhận được, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế hợp lý sẽ củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
 
"Tất nhiên, thị trường tài chính và vấn đề huy động vốn còn phụ thuộc vào các kênh đầu tư khác như mở rộng sản xuất, kinh doanh, thị trường bất động sản, chứng khoán... trong khi tổng khối lượng tiết kiệm nội địa là hữu hạn.
 
Vì vậy, khó có thể tránh khỏi sự cạnh tranh về huy động vốn giữa các khu vực của thị trường. Tuy nhiên, cung cầu về vốn trên thị trường còn phụ thuộc vào mức độ phục hồi kinh tế và về nguyên tắc nó sẽ cân bằng ở một mức lãi suất nhất định phù hợp với mức độ rủi ro. Vì vậy, vấn đề không phải là lãi suất nào hấp dẫn hơn mà là lãi suất nào thì rủi ro ấy, tùy thuộc vào sự lựa chọn của nhà đầu tư". TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
 
Theo quan điểm của ông Hoàng Trung Dũng, Quyền Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Hàng Hải: "Việc đầu tư vào đâu là hiệu quả nhất phục thuộc vào rất nhiều yếu tố và do nhận định của từng doanh nghiệp, cá nhân.
 
Từ trước đến nay, kênh huy động tiền gửi tại các ngân hàng chưa bao giờ là một kênh đem lại nhiều lợi nhuận nhất nhưng lại là kênh an toàn và đảm bảo sinh lời cho người dân ở mức độ rất hợp lý.
 
Bởi hơn ai hết, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, nơi đó lãi suất phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Việc gửi tiền trong các ngân hàng không phải là lựa chọn tối ưu tại tất cả các thời điểm nhưng lại là kênh bỏ vốn hết sức an toàn. Và kênh đầu tư này vẫn sinh lợi bởi nó thực dương".
 
Chứng khoán - Hàng loạt cơ chế hỗ trợ
 
Dưới tác động của hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu và những biến động về kinh tế vĩ mô trong nước, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa trải qua một năm đầy biến động. Tuy nhiên, năm 2009 cũng là năm những kỷ lục về khối lượng và giá trị giao dịch trên TTCK liên tục được thiết lập.
 
Trong 2 tháng đầu năm, TTCK tiếp tục xu hướng đi xuống do ảnh hưởng của khủng khoảng nên khối lượng và giá trị giao dịch ở mức thấp, khoảng 8 triệu chướng khoán/phiên (không tính giao dịch trái phiếu) và giá trị giao dịch chỉ ở mức rất thấp, bình quân 171 tỷã đồng/phiên.
 
Thế nhưng, kể từ mốc ngày 24/2/2009, khi chỉ số Vn-Index thiết lập mức đáy 235 điểm, TTCK bắt đầu tăng trưởng trở lại, khối lượng và giá trị giao dịch liên tục đạt mức cao.
 
Trong đó, tháng 9 và tháng 10 có lượng giao dịch mạnh nhất, đặc biệt trong tháng 10 khối lượng giao dịch bình quân tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) lên đến 81, 1 triệu chứng khoán/phiên (tương ứng với giá trị giao dịch đạt 3.975 tỷ đồng/phiên.
 
Đây cũng là thời điểm các cổ phiếu liên tục tăng trần khiến Vn-Index vươn lên mốc trên 600 điểm, tăng hơn 250%, giúp giới đầu tư thu lãi đáng kể. Tính trung bình một nhà đầu tư, nếu bỏ vốn vào cổ phiếu với một danh mục an toàn cùng quan điểm đầu tư trung hạn (giữ cổ phiếu từ 3 - 6 tháng) thì mức sinh lời tối thiểu cũng đã đạt khoảng 50%/vốn.
 
Nhằm từng bước đẩy mạnh phát triển TTCK, để phát huy vai trò kênh huy động vốn cho nền kinh tế, TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết: Trong năm 2010, mục tiêu chính của UBCKNN là củng cố, duy trì sự ổn định cho TTCK Việt Nam và chuẩn bị các điều kiện cho sự phục hồi, tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.
 
Theo đó, UBCKNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, chính sách cho thị trường: tiếp tụck sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán, Nghị định 14, Nghị định 36... và hoàn chỉnh các đề án chiến lược phát triển thị trường 2010 - 2020, đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp; tái cấu trúc và lành mạnh hoá các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên cơ sởã phân loại các công ty...
 
Theo đánh giá của giới chuyên gia, những kế hoạch mà UBCKNN đặt ra sẽ giúp TTCK phát triển vững bền hơn thời gian qua. Chứng khoán cũng sẽ là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn người dân bỏ tiền vào.
 
Tuy nhiên, do thành phần chính tham gia vào TTCK phần nhiều là nhà đầu tư nhỏ lẻ, ưa "lướt sóng" thu lời nhanh, nên nhà đầu tư phải rất thận trọng bởi khi có sự điều chỉnh thì nó sẽ xuống rất nhanh. Và thực tế, từ mức "đỉnh" trên 600 điểm vào giữa tháng 10, Vn-Index đã "lao dốc" mạnh trong 2 tháng cuối năm và giữ quanh mức 500 điểm.
 
Vàng - Tiếp nối xu hướng tăng nhưng bình ổn hơn
 
Năm 2009 ghi nhận những biến động dữ dội đối với thị trường vàng. "Xông đất" thị trường đầu năm, giá vàng trong nước giao dịch ở mức 1,8 triệu đồng/chỉ, còn giá vàng thế giới đạt 874 USD/ounce.
 
Tuy nhiên, đến ngày 11/11, khi giá vàng thế giới giao dịch ở mức trên 1.100 USD/ounce, giá vàng ở ta đã phá vỡ kỷ lục mọi thời đại khi đạt mức 2,93 triệu đồng/chỉ. Trong những ngày cuối năm 2009, giá vàng biến động quanh ngưỡng 2,7 triệu đồng/chỉ, giao dịch trên thị trường khá trầm lắng.
 
Ngoài ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới, sự mất cân đối giữa nguồn cung và cầu vàng thị trường trong nước là yếu tố chính đẩy giá kim loại quý này tăng đột biến và biến động khó lường.
 
Một số chính sách điều tiết của Ngân hàng Nhà nước nhằm bình ổn giá vàng trước diễn biến phức tạp của thị trường đã tác động mạnh đến thị trường vàng trong nước, giá vàng hạ nhiệt nhanh chịu tác động của yếu tố này.
 
Giá vàng trong năm 2010 được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng tuy nhiên có khả năng sẽ bình ổn hơn và không có nhiều đợt tăng đột biến như trong năm qua. Những yếu tố tác động tới giá vàng trong nước sẽ vẫn phải kể đến: giá vàng quốc tế, cung cầu vàng trên thị trường, tỷ giá USD/VND...
 
Theo đánh giá của ông Tôn Thế Vĩnh Quyền, Giám đốc Kinh doanh của Sacombank-SBJ, so với các kênh đầu tư trên thị trường, bỏ tiền vào vàng  là kênh đầu tư an toàn, là "chiếc hầm trú ẩn an toàn của giá trị". Do đó rất nhiều người dân mua vàng cất trữ cho mục đích đầu tư dài hạn.
 
Tuy nhiên trong thời gian qua, có khá nhiều nhà đầu tư phải chịu lỗ nặng từ kênh đầu tư vàng trong nước do giá vàng biến động mạnh, có lúc giá vàng tăng giảm vài triệu đồng/lượng chỉ trong 1 ngày do chịu tác động chủ yếu từ yếu tố tâm lý của nhà đầu tư.
 
"Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư trong nước sẽ rút kinh nghiệm đối với việc tăng quá nóng của giá vàng trong tháng 11/2009 và do vậy sẽ thận trọng hơn trong việc tham gia kênh đầu tư này. Vàng sẽ ít có những đợt biến động mạnh như thời gian qua, tuy nhiên vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt và chiếm tỷ trọng nhất định trong danh mục của nhà đầu tư", ông Tôn Thế Vĩnh Quyền nhấn mạnh.
 
Bất động sản - Kênh rót vốn dài hạn
 
Thị trường bất động sản (BĐS) trong những tháng cuối năm 2009 đã có những biến động lớn. Đầu tiên phải kể đến là cơn "sốt" giá lên đến đỉnh điểm rơi vào đầu quý IV/2009 đã trở thành cơ hội cho các chủ đầu tư tận dụng để chào các dự án, nâng cao giá trị gia tăng, thậm chí có cả những dự án vẫn còn nằm trên giấy cũng được chào bán!
 
Cũng trong thời điểm này, hiện tượng hàng nghìn người dân xếp hàng bốc thăm quyền góp vốn mua căn hộ tại Tập đoàn Nam Cường với mức giá không hề thấp so với thị trường cũng đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
 
Và trong khi vấn đề này vẫn còn lình xình thì với "phát súng" của Bộ Xây dựng về việc không cho phép sử dụng chung cư làm văn phòng ngay lập tức đã làm thị trường căn hộ giảm nhiệt.
 
Theo ước tính, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2009, số lượng căn hộ mới được tung ra thị trường hơn 12.000. Đối với phân khúc đất nền, xu hướng giảm giá cũng đang ngày càng mạnh mẽ và lan rộng.
 
Tuy nhiên, thị trường vẫn có những điểm sáng nhờ vào tiềm năng và quy mô của dự án. Mặc dù có những thời điểm thị trường "đóng băng", nhà đầu tư gặp khó khăn về tính thanh khoản, nhưng xem xét về diễn biến quá trình từ trước đến nay thì thị trường này vẫn ổn định.
 
Đầu tư kênh BĐS là đầu tư trung và dài hạn, đòi hỏi vốn lớn, do đó, người dân phải cân nhắc rất nhiều yếu tố như: tính thanh khoản của sản phẩm trên thị trường, tình trạng pháp lý, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch; hạ tầng, giao thông kết nối... Và nếu các chính sách về thuế sớm được tháo gỡ trong thời gian tới, thị trường BĐS dự báo sẽ tăng trưởng trở lại.
 
Ông Vũ Quốc Thái, Tổng Giám đốc VietRees cho biết: Các phân khúc BĐS nhà ở cao cấp hiện đang gặp nhiều khó khăn do cung lớn hơn cầu và đối tượng khách hàng chính là các nhà đầu tư cá nhân đang gặp khó khăn vì không tìm được đầu ra cho khoản đầu tư khá lớn của mình trước kia. Giá thuê từ đó cũng giảm xuống nhưng chủ nhân các căn hộ cao cấp vẫn rất khó khăn tìm khách thuê. Tình hình này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm 2010.
 
Với kinh nghiệm lâu năm, ông Matthew Kozira, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Vina Capital "bật mí": "Mỗi kênh đầu tư đều có những rủi ro nhất định. Riêng đối với ngành BĐS, chỉ những nhà đầu tư nào thông minh, biết dựa vào nguyên lý cơ bản của ngành địa ốc mới có cơ hội mua được sản phẩm độc đáo.
 
Độc đáo ở đây có nghĩa là vị trí đẹp, cơ sở hạ tầng tốt, giá cả hợp lý, những đối tượng mua được sản phẩm này hứa hẹn sự thành công và giảm được rủi ro. Còn những người đầu tư theo tâm lý đám đông thì đương nhiên là dễ gặp rủi ro".

Theo Dân trí
Bình luận
vtcnews.vn