20.000 tỷ đồng thu thêm nhờ tăng giá điện, EVN sử dụng thế nào?

Kinh tếThứ Tư, 20/03/2019 18:59:00 +07:00

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết EVN sẽ thu về thêm hơn 20.000 tỷ đồng khi giá điện tăng 8,36%.

Chiều 20/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), đã chủ trì cuộc họp báo về việc điều chỉnh giá điện năm 2019. Theo đó, giá điện được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3. Mức giá điện trung bình được điều chỉnh lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

0845_ong-dinh-quang-tri_quzm

 Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). (Ảnh: EVN)

Theo ông Đinh Quang Tri, EVN dự kiến sẽ thu về thêm hơn 20.000 tỷ đồng khi giá điện tăng 8,36%.

Tuy nhiên, ông Tri cho hay số tiền này sẽ được dùng để thanh toán các chi phí đầu vào tăng thêm hàng năm. Trong đó, chi phí cho than là hơn 7.000 tỷ đồng, chi phí chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu là gần 6.000 tỷ đồng. EVN cũng phải chi hơn 3.800 tỷ đồng trong số thu thêm nêu trên để thanh toán chênh lệch tỉ giá cho các nhà đầu tư không thuộc EVN.

"Chúng tôi sẽ bổ sung vào hợp đồng mua bán điện để thanh toán chi phí chênh lệch tỷ giá cho các đơn vị bán điện bên ngoài. Bộ Công Thương sẽ ra quyết định nêu rõ từng nhà máy được thanh toán tiền chênh lệch tỷ giá bao nhiêu”, ông Tri nói.

Bên cạnh đó, số tiền 20.000 tỷ đồng nêu trên cũng sẽ được trích ra để thanh toán bổ sung cho các nhà đầu tư về quyền khai thác nguồn tài nguyên nước, cùng một số chi phí phát sinh khác mà EVN đã tính toán.

“Tổng các chi phí tăng thêm mà EVN phải thanh toán khoảng 21.000 tỷ đồng. Chúng tôi như một đơn vị trung gian, thu tiền và thanh toán lại cho đối tác”, Phó Tổng giám đốc EVN nói.

Trước đó, trả lời VTC News, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết việc tăng giá bán lẻ điện lần này nhằm giúp lành mạnh hoá thị trường điện. “Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện được thực hiện theo quy định tại Quyết định 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, các phương án giá điện đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét theo quy định và cũng đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thường trực Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đánh giá tác động của việc tăng giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Về con số điều chỉnh tăng 8,36%, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, phương án giá điện năm 2019 được xây dựng theo các thông số đầu vào gồm cơ cấu nguồn điện huy động, các yếu tố đầu vào của giá điện… trong năm 2019 để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định.

Từ 20/3, giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tương ứng chia làm 6 bậc.

Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh.

Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng/kWh cho mức tiêu thụ 51-100 kWh.

Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng/kWh cho mức tiêu thụ 101-200 kWh.

Bậc 4 là 2.536 đồng/kWh cho 201-300 kWh.

Bậc 5 có giá 2.834 đồng/kWh cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng/kWh cho 401 kWh trở lên.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn