20 tuổi, Ibrahimovic vẫn là kẻ bỏ đi

Thể thaoThứ Hai, 22/08/2016 21:47:00 +07:00

Từ một cậu nhóc to xác, vụng về để rồi trở thành một ông vua của rất nhiều giải đấu lớn nhất trên toàn châu Âu. Đó là một câu chuyện dài mang tên Zlatan Ibrahimovic.

“Ê này thằng nhóc! Lên đây ngồi với bọn tao, rồi mày sẽ nhìn thấy”, đám đông cổ động viên Ajax quát lên, ném sự cáu giận về phía Zlatan Ibrahimovic.

Đó là khoảnh khắc Ibra rơi vào bẫy việt vị. Anh đứng dưới hậu vệ tới vài ba mét và chuyện ấy rất thường xuyên xảy ra. Khán giả ở sân Amsterdam Arena đã chán ngấy. Họ không thể hiểu nổi cái thứ mà Ajax đem về, một thằng nhóc cao lêu nghêu nhưng vô dụng: không biết đánh đầu, xử lý bóng chậm chạp, chạy chỗ cực tối và gần như không bận tâm đến đồng đội xung quanh mình.

To xác nhưng vô dụng

Sau này Ibra hồi tưởng về những ngày tăm tối ấy: “Tôi chưa bao giờ hình dung được bóng đá sẽ như thế. 5 vạn con người huýt sáo la ó tôi”. Mất hết niềm tin vào bóng đá, Ibra thu mình trong thế giới của riêng anh. Sau trận đấu anh thường giam mình trong căn hộ và không muốn bước chân ra ngoài.

Một thằng nhóc ngỗ ngược, quậy phá, thích đánh đấm và luôn xem mình là nhất, về điểm này Ibrahimovic rất giống Cristiano Ronaldo. Nhưng nếu như ở tuổi 20 Ronaldo đã biết tiết chế bản thân, giảm thiểu những pha bóng màu mè thừa thãi và chơi đồng đội hơn thì Ibra vẫn bị coi như đồ bỏ. David Endt, một quan chức của Ajax đã phải thú nhận rằng Ibra là người bất trị, gần như không quản lý nổi.

1

 Zlatan thời còn khoác áo Ajax.

Ấy vậy mà Juventus đã chi đến 16 triệu euro để mua Ibrahimovic vào mùa hè 2004. Xin nhấn mạnh, đó là Juventus - đội bóng kỷ luật nhất thế giới và luôn đòi hỏi các cầu thủ phải có tinh thần chuyên nghiệp. Việc đầu tiên mà Juve làm với chân sút Thụy Điển là đưa anh đến phòng tập gym. Ibra giảm được 10 kg và cuộc chinh phục bắt đầu.

Đề cao kỷ luật nhưng Juve luôn trân trọng các tài năng. Khi Edgar Davids kể về một thằng nhóc từng biến anh thành trò hề trên sân bóng đường phố ở Amsterdam, Juve đã đốc thúc đưa chàng trai ấy đến thử việc. Họ thất bại bởi chàng trai ấy chỉ thích những màn biểu diễn kiểu freestyle. Nhưng với Ibrahimovic, Juve lại thành công rực rỡ.

Tài năng của Ibra là không cần bàn cãi, vấn đề chỉ là anh cần tiết chế chất đường phố và kiểm soát cá tính Bắc Âu hoang dã của mình. Ở Malmo và Ajax, Zlatan thất bại nhưng ở Juventus anh đã thành công và từng bước trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế hệ của mình. Anh tự nhìn nhận: “Trước đây tài năng kiểm soát tôi, giờ thì tôi kiểm soát tài năng của mình”.

Một Ibra phi-Thụy Điển

Những cầu thủ thế hệ 8X như Ibra đã bắt đầu được đào tạo bài bản ở các học viện nhưng chàng trai mũi to này thì không. Hoàn cảnh gia đình éo le còn hơn cả Cristiano Ronaldo đã biến anh thành một đối tượng mà theo ngôn ngữ người Việt là “đầu đường xó chợ”. Cha anh là người Hồi giáo Bosnia, mẹ anh là người Croatia theo đạo Công giáo. Họ cùng nhập cư vào Thụy Điển để chạy trốn cuộc chiến tranh Balkan và cưới nhau theo một bản hợp đồng hôn nhân. Ông Sefik cần làm đám cưới để có quyền định cư và họ chia tay không lâu sau khi Zlatan ra đời.

Ký ức của Ibra là người cha nghiện rượu, là trận đòn bằng muôi của người mẹ, là cái tủ lạnh trống không, những lần chuyển nhà, âm nhạc Nam Tư buồn tẻ và những mẩu chuyện về cuộc chiến tranh Balkan. Zlatan chơi bóng đá song song cùng taekwondo và anh cũng không phải mẫu cầu thủ bóng đá đường phố thông thường. Anh chơi bóng đá cùng với bóng rổ trên các con phố ở Malmo.

Nếu bóng đá đường phố hình thành nên những pha xử lý kỳ dị như động tác “Roulette” (xoay người 360 độ xử lý bóng bằng gầm giày) của Zidane thì bóng rổ đường phố sản sinh ra một loạt động tác quái đản kiểu như trượt trên sân bằng đầu gối để thoát sự đeo bám hoặc xỏ bóng qua hai chân đối thủ - những mưu mẹo ấy được gọi chung là “Chicken Fajita Wrap” (đặt theo tên món thịt gà cuộn rắc nghệ), hoặc “the freak nasty”. Ibra đã thẩm thấu tất cả các kỹ năng ấy và bởi thế anh có những pha xử lý không thể bắt chước.

2

 Sau Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, đảo quốc sương mù sẽ là điểm chinh phạt tiếp theo của "King" Zlatan.

Mãi đến năm 17 tuổi - độ tuổi mà Pele vô địch thế giới - Ibra mới bắt đầu tập bóng đá chuyên nghiệp (và anh ăn mừng bằng cách đi... ăn trộm xe đạp, sau đó giấu biến lá thư nhắc nhở của cảnh sát trước khi cha mình đọc được). Tháng ngày ở Malmo cũng không hề dễ dàng, Zlatan bị đồng đội Niclas Kindvall phàn nàn “lúc cần chuyền thì không chịu chuyền, lúc cần sút thì chẳng sút”.

May cho Ibra (hay cho Malmo?) là anh chỉ ở lại đây 2 năm rồi chuyển đến Ajax sau khi một tuyển trạch viên nhìn thấy anh lốp bóng qua đầu một hậu vệ rồi đánh gót qua một hậu vệ khác trước khi ghi bàn.

Ibra từng được người Thụy Điển đem ra làm dẫn chứng để bàn luận về chính sách nhập cư. Anh không giống với mẫu đàn ông Thụy Điển điển hình - những người tuân theo bộ quy tắc ứng xử “Law of Jante” rất phổ biến ở các quốc gia Bắc Âu (gồm 10 điều, nhắc nhở công dân không đặt cá nhân lên trước tập thể - một trong các quy tắc là “đừng bao giờ nghĩ mình giỏi hơn người khác”, rất phi-Ibra).

Cầu thủ Thụy Điển điển hình giống như con ong thợ chăm chỉ, cần mẫn và không đề cao cái tôi của mình. Ibra đi ngược lại quy tắc ấy và bởi thế anh là cầu thủ đặc biệt nhất lịch sử Thụy Điển. Nói như Leif Pagrotsky, cựu bộ trưởng Văn hóa Thụy Điển thì: “Lý do Ibrahimovic trở nên vĩ đại là cậu ấy tự biến mình thành “bad boy”: cậu ấy đề cao bản thân, phớt lờ các quy tắc và không nghe ai cả”.

Khi Ibra 20 tuổi, rất ít người tin rằng anh sẽ trở thành một cầu thủ lớn. Bây giờ thì Ibra đã 34 tuổi và vẫn chơi bóng ở đẳng cấp hàng đầu thế giới.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn