20 ngày nghẹt thở cứu chữa bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn

Tin tứcThứ Bảy, 12/09/2020 09:43:26 +07:00

Đêm thứ hai ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đột ngột trở nặng chỉ trong vài giờ vì nọc rắn phóng thích dữ dội gây nhiễm trùng, nhiễm độc.

Nhớ lại thời điểm bệnh nhân nguy kịch gần một tháng trước, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi điều trị anh Phan Văn Tâm, 38 tuổi, ngụ Tây Ninh - người đàn ông bị rắn hổ mang cắn, vẫn chưa hết hồi hộp.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới chia sẻ, chiều 19/8, bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh. Lúc này, anh Tâm đã lơ mơ, gọi hỏi không hồi đáp, phải dùng máy thở. Các kết quả xét nghiệm và lâm sàng cho thấy bệnh nhân nhiễm độc rất nặng, liệt hoàn toàn các cơ, suy hô hấp, nguy cơ tử vong thường trực.

Ngay lập tức, bệnh nhân được truyền thêm huyết thanh kháng độc tố rắn hổ mang, kháng sinh liều cao, thuốc vận mạch và nhiều biện pháp hỗ trợ khác... Sáng hôm sau, bệnh nhân tỉnh lại, tiếp xúc tốt, tự thở, được cai máy thở.

20 ngày nghẹt thở cứu chữa bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn - 1

Anh Tâm từng được tiên lượng không qua khỏi. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Đến chiều tối, bệnh nhân mệt mỏi, lừ đừ, các dấu hiệu đầu tiên của viêm cơ tim xuất hiện. Bác sĩ chuyên khoa II Kiều Ngọc Dũng, Phó khoa Điều trị rối loạn nhịp chẩn đoán độc tố đã tấn công gây suy đa tạng. Đặc biệt cơ tim bị tổn thương nặng nề, trái tim đập yếu ớt, rối loạn nhịp tim cấp, nhanh chậm xen kẽ khiến bệnh nhân ngưng tim từng lúc, cận đột tử.

Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ nội viện, huy động bác sĩ giỏi ở tất cả các khoa liên quan phối hợp cứu bệnh nhân.

"Chỉ có đặt máy tạo nhịp tim tạm thời khẩn cấp mới giải quyết được tình thế cấp bách hiện tại, giữ được nhịp tim ổn định trước, mọi chuyện khác tính sau", bác sĩ Dũng kể.

Tuy nhiên, anh Tâm quá yếu, quãng đường từ khoa bệnh Nhiệt đới đến phòng mổ trở nên cam go. Phương án phẫu thuật phải thay đổi. Lấy bệnh nhân làm trung tâm, nhân viên y tế nhanh chóng di chuyển các trang thiết bị cần thiết đến tận giường bệnh, tiến hành đặt máy tạo nhịp tại giường, điều hiếm khi xảy ra. May mắn, trái tim đáp ứng máy, nhịp tim được kiểm soát, bệnh nhân tạm thời an toàn.

Lúc này, chỗ rắn cắn đã hoại tử nghiêm trọng, lan khắp đùi phải lên bẹn, bộ phận sinh dục, tầng sinh môn và một khoảng bụng lớn. Khoảng 5% da trên cơ thể bệnh nhân bầm đen. Các bác sĩ quyết định chuyển ngay bệnh nhân lên khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), không chờ các dấu hiệu biến chứng như thông thường nữa.

Chiếc máy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể) cuối cùng trong bệnh viện cũng được dự trù sẵn, đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra với bệnh nhân. Vừa chuyển lên ICU hai tiếng, biến chứng dồn dập, chức năng các tạng suy yếu, cơ hội sống của anh Tâm tụt xuống đáy.

Bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy, khoa ICU, người trực tiếp hồi sức tích cực cho anh Tâm giải thích: "Chất độc từ vết cắn phóng thích mạnh mẽ vào các mô gây nhiễm độc, nhiễm trùng dữ dội. Huyết thanh kháng độc truyền liên tục nhưng chưa đủ khống chế lượng độc lớn di chuyển khắp cơ thể. Nguy hiểm hơn là thành phần bạch cầu trong máu bệnh nhân lại giảm sâu".

Các bác sĩ đặt lại máy thở, cho kháng sinh liều cao, thay huyết tương và lọc máu sớm, liên tục thải bớt độc tố, điều trị nội khoa... Ba ngày hồi sức tích cực, bác sĩ Duy và điều dưỡng thức trắng đêm.

"Những đêm đó, tôi tưởng mình đã mất bệnh nhân rồi", bác sĩ Duy tâm sự.

20 ngày nghẹt thở cứu chữa bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn - 2

Bác sĩ khám cho bệnh nhân trước khi xác định đủ điều kiện xuất viện. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Đến ngày thứ tư, nỗ lực của bác sĩ đã chiến thắng. Các dấu hiệu sống le lói, bệnh nhân bắt đầu tỉnh táo dần. 20 lọ huyết thanh đã cơ bản khống chế được nọc độc. Bác sĩ khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình cắt lọc từng chút hoại tử, chắt chiu từng phần da thịt chưa bị tổn thương cho bệnh nhân. Đồng thời, ê kip áp dụng phương pháp hút áp lực âm vết thương, ngăn nhiễm trùng và hoại tử lan rộng thêm.

Từ đó, bệnh nhân tiến triển tốt dần. Anh cai máy thở, các tạng hồi phục chức năng, vết thương lên mô hạt đều, được ghép da che phủ toàn diện. Anh bình phục tốt, các di chứng được loại bỏ hoàn toàn, có thể trở về sinh hoạt bình thường như khi bị rắn cắn.

Theo bác sĩ Hùng, hành trình hồi phục của anh Tâm "thực sự ngoạn mục". Anh là một trong hai trường hợp hiếm hoi vượt qua cái chết do bị rắn hổ mang cắn điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thông thường với lượng nọc độc tương tự, bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn sẽ tử vong chỉ sau vài phút đến vài giờ.

Trong suốt 16 năm khoa Bệnh Nhiệt đới hoạt động, chỉ có 8 ca bị rắn hổ mang cắn về tới bệnh viện. 6 trường hợp đã tử vong dù thở máy, tỉnh táo nhưng hoại tử toàn bộ cơ tim và suy đa tạng không hồi phục.

Bác sĩ Hùng cũng cho rằng, công tác sơ cấp cứu ban đầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh rất kịp thời và đúng đắn. Thêm vào đó, nhiều khoa bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp nhịp nhàng, nỗ lực đến cùng mới cứu được bệnh nhân.

20 ngày nghẹt thở cứu chữa bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn - 3

"Tôi tưởng mình đã chết 100% rồi. Được cứu, được cho tiền chữa bệnh, tôi biết ơn bác sĩ và các nhà hảo tâm suốt đời", anh Tâm cho biết hôm 11/9. (Ảnh: Thư Anh)

Hôm 19/8 anh Tâm đi bắt rắn phụ vợ đóng học cho con. Anh bắt được con rắn hổ mang chúa nặng gần 5 kg, dài 3m nhưng bị nó cắn vào đùi. Gia đình khó khăn, nhiều nhà hảo tâm quyên góp gần 800 triệu đồng giúp anh chữa bệnh. Trong đó hơn 500 triệu đồng đóng viện phí, gia đình anh tặng 80 triệu cho một phụ nữ cùng khoa không có tiền lọc thận. Hơn 100 triệu đồng còn lại gia đình dự định chi trả chi phí ghép da, bồi bổ sức khỏe cho anh Tâm khi về nhà.

(Nguồn: VnExpress)
Bình luận
vtcnews.vn