2 trong 12 dự án ‘tai tiếng’ ngành Công Thương có lãi

Kinh tếThứ Năm, 24/10/2019 08:01:00 +07:00

2 trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng của ngành Công Thương có lãi trở lại là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung.

Thông tin được nêu trong báo cáo về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương do bộ trưởng Bộ Công thương thừa ủy quyền Chính phủ gửi tới Quốc hội.

Theo đó, hai trong số 12 dự án đã có lãi trở lại là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung, lần lượt 7,3 tỷ đồng và 271 tỷ đồng. Dù hoạt động kinh doanh khởi sắc tuy nhiên, thị trường khó khăn từ đầu năm khiến các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của 2 dự án này giảm so với cùng kỳ 2018.

tisco

 Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco) được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.

Bộ Công Thương cũng cho biết, với 3 dự án trước đây dừng sản xuất kinh doanh, đến nay 1 dự án đã vận hành trở lại, 2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất.

Trong đó, Nhà máy Đạm Ninh Bình sau khi vận hành trở lại vào đầu 2017 thì đến năm 2018 chỉ chạy máy 117 ngày, tạm dừng 7 lần do sự cố, trong đó lần kéo dài nhất 3,5 tháng.

Nhà máy Đạm Hà Bắc trong quá trình vận hành, hệ thống thiết bị đã xảy ra nhiều sự cố, tuy không lớn, chi phí sửa chữa không nhiều nhưng phải ngừng toàn bộ hệ thống, tốn thời gian vận hành và chi phí chạy thử khoảng 10 tỷ đồng một lần.

Riêng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai lỗ gần 209 tỷ, tăng lỗ 94 tỷ đồng.

Đối với nhóm nhà máy xây dựng dở dang, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã trình Bộ Công Thương phương án để tiếp tục xử lý dự án và tổ chức triển khai bán đấu giá dự án lần thứ hai theo quy định đối với Nhà máy giấy Phương Nam.

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên hiện nay chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với MCC và các nhà thầu phụ.

Nhóm dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), dự án xơ sợi Đình Vũ (PVtex) sau khi vận hành trở lại vẫn không thoát cảnh thua lỗ. Đơn vị này ghi nhận lỗ hơn 340 tỷ đồng tính đến hết tháng 8/2019, tăng lỗ trên 138 tỷ so với cùng kỳ 2018.

Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất lỗ luỹ kế hơn 3.841 tỷ đồng, tăng lỗ 1,4%. Tổng nợ phải trả của dự án này hơn 6.918 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi lỗ luỹ kế 983,7 tỷ đồng, tăng lỗ 14,8%, tổng nợ 1.304 tỷ đồng.

Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước lỗ luỹ kế 1.396 tỷ đồng, tổng nợ 1.842 tỷ đồng.

Bộ Công Thương khẳng định việc xử lý các dự án đã bảo đảm tuân thủ nguyên tắc của cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.

Tính đến 30/6, tổng nợ của 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương đến hết tháng 6/2019 là hơn 20.060 tỷ đồng.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn