2 người chết vì virus cúm, Bộ Y tế ra công điện khẩn

Sức khỏeThứ Sáu, 07/02/2014 04:12:00 +07:00

(VTC News) - Từ đầu năm đến nay đã có 2 trường hợp tử vong do virus cúm gia cầm H5N1,  Bộ  Y tế ra công điện khẩn.

Ngày 5/2, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xác nhận: Việt Nam đã có ca tử vong thứ 2 vì chủng cúm gia cầm nguy hiểm H5N1. Đây là một bệnh nhân nữ, 60 tuổi, ở Đồng Tháp.  

 

Người phụ nữ khởi phát bệnh từ ngày 22/1 với triệu chứng sốt. Đến ngày 27/1, bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện khó thở, nhập viện và điều trị tại BV Đa khoa tỉnh An Giang. Tuy nhiên, tình trạng bệnh diễn tiến nhanh, bệnh nhân suy hô hấp và tử vong sau một ngày điều trị.

Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này cũng đã được Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm, khẳng định dương tính với cúm A/H5N1. Bệnh nhân đã giết mổ vịt bị chết không rõ nguyên nhân.

Trước đó, một bệnh nhân nam ở Bù Đăng, Bình Phước tử vong sau 8 ngày điều trị viêm phổi nặng do virus cúm A/H5N1.

Ngày 11/1 bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở và được gia đình đưa đến khám, điều trị tại BV đa khoa Bù Đăng với chẩn đoán viêm phổi do vi rút.

Sau 7 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân được chuyển đến BV đa khoa Bình Phước cũng với chẩn đoán trên, trong tình trạng rất nặng. Tổn thương phổi bệnh nhân tăng nhanh, bệnh nhân khó thở liên tục nên tiếp tục được chuyển lên BV bệnh nhiệt đới TP.HCM hôm 18/1  và tử vong.

Không chỉ với chủng cúm này, các chủng cúm khác cũng đang có diễn biến phức tạp. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) tại Trung Quốc tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và tăng cao so với năm 2013.

Riêng trong hơn một tháng đầu năm 2014, đã ghi nhận 151 trường hợp mắc mới, trong đó có 16 trường hợp tử vong, nhiều hơn so với số tích lũy của cả năm 2013.

Tích lũy từ tháng 3/2013 đến nay, Trung Quốc ghi nhận 298 trường hợp mắc, trong đó có 63 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết trên mắc là 21%; phần lớn các trường hợp mắc có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã xác nhận 02 trường hợp mắc cúm A(H10N8) tại Giang Tây, cả hai đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Chính quyền Đài Loan cũng đã thông báo ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H6N1) đầu tiên ở người.

Để đối phó với các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người, Chính quyền Trung Quốc triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch nhằm hạn chế sự gia tăng số mắc và lây lan tại các địa phương thông qua việc cấm buôn bán gia cầm sống tại các địa phương có ổ dịch.

Chính quyền Hồng Kông cũng đã thông báo dừng nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc đại lục và tiêu hủy 20.000 con gia cầm nhập khẩu từ Quảng Đông, Trung Quốc sau khi xét nghiệm dương tính với cúm A(H7N9).

Mặc dù WHO chưa đưa ra khuyến cáo hạn chế việc đi lại và giao lưu thương mại nhưng đã có khuyến cáo các khách du lịch đến khu vực có ổ dịch không nên tiếp xúc với gia cầm và đến các chợ bán gia cầm sống.

Đồng thời WHO cũng đang tiếp tục theo dõi sự biến chủng của virus cúm gia cầm lây bệnh sang người và nguy cơ của sự biến chủng lây truyền từ người sang người.

Tại nước ta, hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người và gia cầm, tuy nhiên trong tháng 01/2014 đã ghi nhận 02 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp, cả hai trường hợp đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh như đã nêu trên.

Trước nguy cơ dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người diễn biến phức tạp và gia tăng đột biến tại Trung Quốc và có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta, đồng thời dịch cúm A(H5N1) có nguy cơ bùng phát trở lại tại các địa phương, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tốt một số nội dung.

Cụ thể là tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A(H7N9), cúm A(H10N8), cúm A(H6N1) và cúm A(H5N1) tại các cửa khẩu và tại cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành, thực hiện điều tra ngăn chặn và bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới.

Bình luận
vtcnews.vn