2 bố con bị 'bắt cóc': Sao phải đưa đi xa hàng trăm cây số?

Thời sựChủ Nhật, 28/08/2016 07:11:00 +07:00

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng theo quy định, cơ quan công an có thể triệu tập ông Lê Hồng Phong lên trụ sở công an tại nơi ông này sinh sống để làm việc, không nhất thiết phải đưa về TP.HCM.

Việc ông Lê Hồng Phong (37 tuổi, ngụ xã Phước Hội, thị xã La Gi, Bình Thuận) bị "bắt cóc" cùng con gái 3 tuổi khi đang lái ô tô đưa con đến trường mầm non sáng 26/8 khiến người dân địa phương hoang mang. 

Sự việc càng gây bất ngờ hơn khi cơ quan công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết đây là một vụ bắt nghi phạm của đơn vị này, không phải bắt cóc. 

Thông tin người dân kể lại cho thấy, khi xảy ra sự việc, một nhóm người đi trên ô tô lao đến khống chế ông Phong rồi nhanh chóng điều khiển chiếc ô tô của ông này đi nhanh về hướng TP.HCM.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu việc làm của cơ quan công an có đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự hay không? 

cb471520-1032560

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc công an mời ông Phong lên làm việc khiến người dân lầm tưởng là vụ bắt cóc -Ảnh: Tuổi Trẻ.  

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Nguyễn Anh Thơm (văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng trong trường hợp này bản chất không phải là bắt cóc, đây là hoạt động nghiệp vụ của Cơ quan công an quận Hai Bà Trưng mời ông Lê Hồng Phong (là đối tượng bị điều tra liên quan đến một vụ án đang thụ lý điều tra) về làm việc. 

Theo ông Thơm, về nguyên tắc khi công dân được cơ quan công an mời lên trụ sở làm việc thì công dân phải có nghĩa vụ chấp hành để hợp tác điều tra làm rõ.

Trong trường hợp này, ông Lê Hồng Phong là đối tượng bị điều tra, việc mời ông Phong lên trụ sở công an làm việc là hoạt động nghiệp vụ, tuy nhiên trong trường hợp cụ thể diễn ra sáng 26/8 thì việc làm của lực lượng công an quận Hai Bà Trưng là chưa đúng thủ tục theo quy định của Bộ Công an.

“Việc mời công dân lên cơ quan công an cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật. Căn cứ Thông tư số 01/2006/TT-BCA (C11) hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định rằng nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai.

Trọng vụ việc này, đáng lẽ ra, cơ quan điều tra công an quận Hai Bà Trưng có thể mời đối tượng đễn trụ sở công an thị xã La Gi hoặc bất kể trụ sở công an nào đó nơi ông Phong làm việc để làm rõ liên quan đến vụ việc. Nếu cơ quan công an làm như vậy thì sẽ không có sự hiểu lầm rằng đây là vụ bắt cóc”, luật sư Thơm cho biết.

sinh_6_401272_1371652783_50_OTRV

Luật sự Nguyễn Anh Thơm (văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP Hà Nội) 

Luật sư Thơm cho rằng, bản thân ông Phong là bố, là người chăm sóc và bảo vệ cho con mình nên cơ quan công an đưa cháu bé đi cùng là đúng. Hơn nữa vào khoảng thời gian đó, ông Phong không có người thân để có thể gửi lại đứa con. 

Được biết ngay trong đêm 26/8, con gái ông Phong đã được đưa về trụ sở công an thị xã La Gi để bàn giao cho gia đình. 

Trước đó, trả lời PV VTC News về việc này, Trưởng phòng Tham mưu Công an Hà Nội - Đại tá Nguyễn Văn Viện khẳng định, tổ công tác Công an quận Hai Bà Trưng và Cục nghiệp vụ Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở của Phong tại Bình Thuận theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Ông Lê Hồng Phong bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt giữ về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Về việc có thông tin cho rằng đây là vụ bắt cóc, đại tá Viện giải thích do khi thực hiện nhiệm vụ các trinh sát mặc thường phục nên người dân hiểu lầm. 

Video: Cậu bé bị bắt cóc trốn thoát nhờ chiếc điện thoại thông minh

Ngọc Thắng
Bình luận
vtcnews.vn