"Không hốt hoảng nhưng không được coi thường"

Thời sựThứ Năm, 04/03/2010 06:11:00 +07:00

(VTC News) - "Không coi thường nhưng không hoang mang hốt hoảng. Chúng ta hoàn toàn có khả năng kiểm soát được lạm phát và giá cả hiện nay".

(VTC News) -  Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng cho biết chúng ta hoàn toàn có khả năng kiểm soát lạm phát, không để lạm phát tăng.

Chưa có gì phải lo lắng lạm phát cao tăng trở lại

Truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2010 chiều ngày 3/3, Bộ trưởng Phúc cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2010, về tình hình thế giới theo dự báo có chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần theo dõi như lạm phát tăng cao.

Trong nước, Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và của Chính phủ (cuối tháng 12/2009) về ổn định kinh tế vĩ mô, không để tái lạm phát, tăng trưởng cao hơn năm 2009, an sinh xã hội tốt hơn, đẩy mạnh cải cách hành chính... Cùng với đó, về tình hình sản xuất, công nghiệp tăng khá (13,6%), nông nghiệp thuận lợi, dịch vụ tăng khá nhất là viễn thông và du lịch..

Về việc xuất hiện sự lo lắng, không yên tâm của doanh nghiệp và người dân về kinh tế vĩ mô, trong đó có việc tăng giá tiêu dùng (so với tháng 12/2009 tháng 2/2010 tăng 3,35% và so với cùng kỳ năm 2009 tăng 8,46%),như vậy, theo Bộ trưởng Phúc: "Yên tâm, không hốt hoảng, không gây dao động trong xã hội nhưng cũng không được xem thường để kiểm soát kinh tế vĩ mô".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: chúng ta đủ khả năng kiểm soát lạm phát  (Ảnh: chinhphu.vn)

Cùng với đó, Thủ tướng cũng nêu rõ, do giá cả thế giới tăng (cụ thể là xăng dầu), việc điều chỉnh giá điện, giá than cùng với sức mua Tết tăng và công tác tuyên truyền làm chưa tốt vừa qua nên chưa tạo ra tâm lý tốt. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định: "Không coi thường nhưng không hoang mang lo lắng. Chúng ta đủ khả năng kiểm soát lạm phát, không để lạm phát tăng. Chúng ta hoàn toàn có khả năng kiểm soát được lạm phát và giá cả hiện nay".

Nêu rõ thêm về nội dung này, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy nhấn mạnh, vấn đề được bàn luận nổi bật trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2010 là lạm phát, nguyên nhân và giải pháp. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm có báo cáo chuyên đề về vấn đề này. Cụ thể, sau cuộc họp thường kỳ tháng 2/2010, Thủ tướng yêu cầu họp báo trình bày nhận định chung của Chính phủ về lạm phát và giải pháp chống lạm phát.

Ông Thúy phân tích, nỗi lo lạm phát cao trở lại có thể là tâm lý khá phổ biến, nhất là tăng giá đột biến sau Tết khiến người dân khá lo lắng, cộng với cảnh báo lạm phát tăng cao diễn ra quý 4/2009 cũng tác động mạnh đến tâm lý và suy luận của nhiều người về chiều hướng lạm phát tăng trở lại. Các thành viên Chính phủ đều thấy về con số thì không có gì là đột biến, nếu so với các năm trước đó (từ 2003-2010) thì tình hình tăng giá 2010 chỉ xấp xỉ tăng giá hầu hết các năm trong thời gian qua, trừ năm 2008 có đột biến (hai tháng đầu năm 2008 là 5,94% và cả năm là 9,89%).

"Như vậy, chưa có gì phải lo lắng lạm phát cao tăng trở lại - đó là nhận xét chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ" - ông Thúy khẳng định.

Chính phủ sẽ quản lý chặt hơn việc điều chỉnh giá xăng dầu

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thời gian tới tập trung vào kinh tế vĩ mô, vào giá và khống chế lạm phát, không để lạm phát xảy ra. Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn ổn định sản xuất; kiểm soát triển khai đầu tư, không để đầu tư kéo dài kém hiệu quả, kiên quyết giải ngân nhanh...

Về vấn đề giá, Thủ tướng nêu, giá điện và giá than vẫn giữ nguyên như vừa qua đã công bố,. Riêng gạo Chính phủ mua dự trữ trên 1 triệu tấn và kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu (gạo, xi măng...); kiểm soát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, kinh doanh vàng, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Thủ tướng cũng yêu cầu thời gian tới cũng tập trung kiểm soát nhập siêu, có hàng rào phi thuế quan; Các mặt khác tiến hành bình thường, nhất là đề án 30, việc cắt giảm 30% thủ tục và 30% chi phí cho thủ tục hành chính...

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí tuyên truyền đến các cơ quan, doanh nghiệp để yên tâm sản xuất kinh doanh và việc Nhà nước tăng cường kiểm soát giá, chống đầu cơ trong thời gian qua.

Trong buổi họp báo, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy cũng nhấn mạnh, vấn đề lo lắng là giá tiêu dùng tháng 3/2010, so sánh các tháng 3 những năm trước đều tăng rất thấp hoặc giảm. "Chúng tôi đánh giá tháng 3/2010 có khả năng giá cả tăng cao hơn bình thường các năm chứ không giảm, nhưng là tăng bao nhiêu còn đang ước tính, theo đó các bộ ngành ước tăng từ 0,5-1%".

Ông Thúy cho biết ước tính con số tăng này cao hơn các năm cùng kỳ vì "Chúng ta vừa trải qua thời kỳ liên tục điều chỉnh tăng giá xăng, gần nhất gần 500 đồng; cùng với đó là nhiều lần điều chỉnh tỷ giá hối đoái và việc Chính phủ cho phép tăng giá than và giá điện, nhất là giá điện".

Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định việc tăng giá than là với than cung cấp cho điện chứ không phải than cho lĩnh vực khác nên có ảnh hưởng thì chỉ ảnh hưởng thông qua giá điện. Việc kéo theo tâm lý xã hội lo ngại giá tăng dẫn đến hiện tượng chạy trước tăng giá, "tát nước theo mưa"...

"Tôi vừa đọc tin hiệp hội thép dự kiến tăng giá thép 5-10% vì lý do giá điện chiếm 10% giá thành của thép  - tôi thấy dự kiến này không có lý vì điện chỉ chiếm 10%. Chính phủ cần rút kinh nghiệm công tác kiểm soát giá trong thời gian tới, vừa qua tuy tích cực nhưng chưa tốt, làm cho nhiều nhà sản xuất đẩy giá lên quá mức hợp lý thị trường cho phép, trong đó có giá xăng dầu - trong khi giá tăng quốc tế tăng thấp hơn. Chính phủ nhận thấy cần phải xem lại cơ chế này, quản lý chặt hơn việc điều chỉnh giá xăng dầu, không để xã hội quá lo lắng về tăng giá" - ông Thúy nói.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn