18 tuổi còn 'tránh' trinh tiết là cách nghĩ người già

Giáo dụcThứ Ba, 17/04/2012 09:05:00 +07:00

(VTC News)- "Một nền giáo dục mà HS đến 18 tuổi vẫn cho là "trẻ con" thì chính nó phải xem lại mình".

(VTC News)- Xung quanh câu chuyện đề thi “trinh tiết” gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa, giảng viên ĐHQGHN Nguyễn Hùng Vĩ, cho rằng không nên quy kết nặng lời trách nhiệm của người ra đề.

Dù có rất nhiều ý kiến trái chiều ngay sau khi diễn ra kỳ thi sơ loại của ĐH FPT nhưng cho đến nay đã  hơn 1 tuần, phía người ra đề thi vẫn chưa có ý kiến bình luận để bảo vệ quan điểm của mình.

Xung quanh vấn đề này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với giảng viên khoa Văn học Nguyễn Hùng Vĩ (ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN) – người có nhiều kinh nghiệm trong tuyển sinh môn văn  học.

Nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên khoa Văn học Nguyễn Hùng Vĩ
 (ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN) - Ảnh: Phạm Thịnh


- Nhiều ý kiến cho rằng đề thi của “trinh tiết” của ĐH FPT vừa qua mắc nhiều lỗi nghiêm trọng. Trên tư cách là người nghiên cứu về văn học và cũng nhiều năm ra đề thi các cấp, ông có suy nghĩ gì về điều này?

Tôi không thấy vấn đề nghiêm trọng đến thế mà chỉ cho rằng, người ra đề văn của ĐH FPT vừa qua có phần vụng về. Mặc dù vấn đề đưa ra không sai nhưng có thể nói là chưa đạt.

Ở đây, người ra đề đã trích những mệnh đề đối lập trong Truyện Kiều làm nguyên cớ để yêu cầu thí sinh thí sinh viết bài tự luận về một vấn đề trong xã hội hiện tại.

Tuy nhiên, ở đây người ra đề khi trích dẫn đã không quan sát kỹ, không hiểu kỹ quan niệm của Nguyễn Du về chữ “trinh” là như thế nào nên đề thi trở nên vụng về, gây phản cảm ở vài câu chữ.


- Sự “vụng về” ở đề thi này được thể hiện ở điểm nào thưa ông?


 Nó thể hiện ở ngay đoạn "dẫn" dưới phần trích dẫn. Đối với văn chương xưa, các mệnh đề chứa đựng những quan niệm nhân sinh xưa, không bắt buộc ai cũng phải hiểu giống như nhau nhưng nếu tinh tế hơn thì người ra đề sẽ không dại gì viết phần diễn giải đó. Điều đó vô tình đã lộ ra sự “vụng về” của đề thi.

- Nội dung đề thi của ĐH FPT đề cập đến vấn đề “trinh tiết” liệu có phù hợp với học sinh THPT  ở lứa tuổi 18?


Tôi cho rằng nội dung đề thi hoàn toàn bình thường. Ở lứa tuổi 16-18 các em học sinh đã đủ lớn để hiểu về các vấn đề xã hội. Học sinh 18 tuổi đâu còn phải là trẻ con. Tuy nhiên cũng cần phải xem chúng ta đã dạy các bạn ở lứa tuổi đó như thế nào.

Một nền giáo dục mà HS đến 18 tuổi vẫn cho là "trẻ con" thì chính nó phải xem lại mình. Như dạy con cái trong nhà cũng vậy, con ta sẽ "non" đến tuổi nào đây nhỉ? Nếu cho rằng, ở tuổi đó học sinh không được đề cập đến vấn đề “trinh tiết” thì đó chỉ là cách nghĩ của người già.


- Liệu rằng, chúng ta có cần quy trách nhiệm cho người ra đề thi vừa qua?


Một văn bản nghệ thuật khi đến với người đọc sẽ tạo ra những cách hiểu đa dạng khác nhau. Hay nói cách khác, mỗi người đọc xây dựng cho mình một thế giới nghê thuật từ văn bản đó.

Người đọc có thể hiểu theo tâm thức văn hóa của anh ta. Với một triết lí (dưới dạng văn bản nghệ thuật) cũng vậy. Vì vậy, không thể trách người ra đề khi họ mượn quan niệm về chữ "trinh" của Nguyễn Du - theo cách hiểu của họ - làm cơ sở để bàn luận về một vấn đề thời sự.

Tôi không đánh giá là đề sai. Nếu nói là sai thì đã quá khắt khe với chính người ra đề thi vừa qua.

Cần phải thấy rằng, ngay cả những người chuyên dạy Văn thì cũng có những người có sự hiểu biết tinh tế hay nông cạn. Ngay cả những người dạy chuyên Văn cũng có thể ra đề sai. Việc đó có thể xảy ra với bất kỳ ai.

Tôi nhớ lại cách đây đã hơn 10 năm, khi đó còn chưa thi 3 chung, ở kì tuyển sinh ĐH Luật cũng đã từng xảy ra việc đề thi ra sai trọng tâm quy định khiến việc thi môn Văn phải dừng hơn 1 tiếng đồng hồ. Sau đó các thí sinh phải làm bài thi qua trưa rồi phải làm luôn bài thi buổi chiều. Người ra đề Văn ngày đó lại là những chuyên gia đầu ngành về Văn học.

- Nói như vậy, phải chăng trong sự việc này, dư luận đang hồi hộp chờ sự đối thoại của những người ra đề, xem họ bảo vệ quan điểm của mình như thế nào?

Sau khi ra đề, với những ý kiến trái chiều người ra đề có thể đối thoại lại, có thể xin lỗi. Tất cả nằm trong cái gọi là văn hóa xin lỗi của người Việt, nằm trong tổng thể văn hóa hiện nay của chúng ta. Tuy nhiên, điều này chưa trở thành lối sống của người Việt.

Những tội phạm cộm cán ra tòa hẳn hoi mấy ai đã nhận tội lỗi, mấy ai đã có lời xin lỗi những người bị thiệt hại do họ gây ra. Cứ theo mà truy vấn thì báo nào in cho kịp. Cách đây 4 năm, đề thi đại học trích dẫn không kiểm chứng lời một tổng thống Mỹ. Đợi mãi cấm thấy ai xin lỗi.

Đề thi " Trinh tiết" của ĐH FPT gây xôn xao dư luận  

- Thưa ông, trong trường hợp này người ra đề nên có cách ứng xử như thế nào trước dư luận trái chiều về đề thi?

Theo tôi, tốt nhất người ra đề nên có ý kiến của chính mình. Với những ý đúng của mình thì cần đưa ra lý lẽ để bảo vệ. Đối với những cái gì mình thiếu sót thì cũng cần đứng ra để nhận. Tranh luận công khai và dân chủ, lịch sự sẽ giúp nhau cùng tiến bộ, cùng hoàn thiện dần. Con đường này hiệu quả hơn là truy vấn căng thẳng, đao to búa lớn.

- Nhưng dư luận hiện nay phải chăng là quá khắt khe với những người ra đề thi của ĐH FPT trong thời gian vừa qua?

Tôi nghĩ diễn đàn nên bổ sung, góp ý cho họ. Trong một không gian văn hóa chung như vậy thì không nên khắt khe với những người ra đề. Có thể người ta cũng nhận thức được vấn đề nhưng người ta không nói ra. Điều này không chỉ xảy ra với người Việt mà trên thế giới nhiều nước cũng thế.

Ở đây, chúng ta phát hiện ra những thiếu sót để nhắc nhở nhau chứ không nên nặng lời, tranh hơn tranh thiệt, nhất quyết phải bắt nhau xin lỗi.

- Là một người đã có nhiều năm kinh nghiêm trong việc chấm tuyển sinh môn văn, thầy thấy rằng việc ra đề cần chú ý đến những điều gì?


Đề ra không quan trọng ngắn dài. Có đề ra ngắn mà hay, dài lại không hay. Đề thi ngắn hay dài cũng không quyết định đến vấn đề sai hay không sai.

Ngày xưa nghèo, ra đề ngắn để tiện chép lên bảng. Ngày nay điều kiện ấn loát, giấy má thuận lợi có thể ra dài như các đề trắc nghiệm. Không sao cả.

Tính quy phạm hành chính phải đưa lên hàng đầu. Sau đó là sự sáng rõ của trích dẫn. Đề ra phải đảm bảo kiểm tra được kiến thức và phương pháp tư duy của người học, có khả năng phân loại trình độ thí sinh để đảm bảo có thể chọn ra được những người học phù hợp.

Ngoài ra, định hướng nhân văn cũng rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Bạn đọc nhận xét về đề thi "trinh tiết" của ĐH FPT xin gửi ý kiến vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!

Phạm Thịnh( thực hiện)

GS Nguyễn Lân Dũng: Đề thi 'trinh tiết' có gì thô tục?






Bình luận
vtcnews.vn