18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư hơn 7 tỷ USD ra nước ngoài

Kinh tếThứ Hai, 28/05/2018 10:26:00 +07:00

Đến 31/12/2016, có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước thực hiện đầu tư 110 dự án ở nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, đã đầu tư trên 7 tỷ USD.

Kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy, đến 31/12/2016 có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…

Tại nghị trường sáng nay (28/5), ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đã trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Ông Vũ Hồng Thanh đánh giá, hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết còn hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

1

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Quochoi.vn) 

Đoàn giám sát của Quốc hội cho hay, hiệu suất sinh lợi trên doanh thu của DNNN năm 2015 đạt 5,6%, gần bằng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (5,8% năm 2015) và cao hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm (1,9% năm 2015).

Tuy nhiên, sự phối hợp, hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương còn có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời, còn có hiện tượng né tránh trách nhiệm, còn tư tưởng lo lắng mất lợi ích của Bộ, ngành, địa phương, mất vị trí, vai trò cá nhân sau cổ phần hóa, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần có biện pháp nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, tạo nguồn lực lâu dài.

Các trường hợp thu vượt, đột xuất cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc quản lý và sử dụng nguồn thu này.

2

 (Ảnh minh họa: KT) 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, cần chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN; nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước. 

Xây dựng chế tài xử lý đối với các trường hợp không hoặc chậm thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu, ông Vũ Hồng Thanh lưu ý.

Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, phải tăng cường minh bạch thông tin đối với tất cả các DNNN theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với các công ty đại chúng, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN, có chế tài xử lý nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong việc phối hợp quản lý, sắp xếp doanh nghiệp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.

Video: Doanh nghiệp Việt rót 2.200 tỷ đồng để cạnh tranh Grab

(Nguồn: VOV.VN)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn