17 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình trên toàn quốc

Sức khỏeThứ Năm, 27/06/2019 10:45:00 +07:00

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến 5/2019, cả nước có 84,5 triệu người dân có thẻ BHYT và đạt được tỉ lệ bao phủ là 89%.

Hiện nay, các nhóm đối tượng là người lao động đã tham gia BHYT là trên 90%, nhóm người hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội thì tham gia BHYT 100% với khoảng 3,1 triệu người có thẻ BHYT. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ bao gồm có hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên (HSSV) có tỷ lệ tham gia xấp xỉ 100%. Đặc biệt, nhóm hộ gia đình mà trước đây được tham gia BHYT dưới hình thức tự nguyện, từ ngày Luật BHYT sửa đổi năm 2014 thì chuyển thành đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nhưng theo hình thức là hộ gia đình, thì đến tháng 5/2019 đã có trên 17 triệu người tham gia.

Tham gia BHYT theo hộ gia đình là giảm gánh nặng tài chính cho người đóng BHYT. Nếu như tham gia BHYT theo quy định trước đây thì mọi người đều đóng một mức như nhau là bằng 4,5% mức lương cơ sở. Nhưng quy định mới về tham gia BHYT theo hộ gia đình thì chỉ người đầu tiên đóng bằng số tiền trên, mức đóng BHYT được giảm dần theo số lượng lượng thành viên tham gia theo mức bằng 70%, 60%, 50% và 40% so với người đầu tiên.

bhyt_WXSU

 

Người dân được đóng BHYT 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần cho số tiền tham gia BHYT hằng năm. Nếu trong hộ gia đình có một người mắc bệnh nặng thì số tiền tham gia BHYT nói trên của hộ gia đình không thể bù đủ cho chi phí khám chữa bệnh (KCB) cho thành viên bị bệnh.

Bên cạnh đó, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhằm từng bước thực hiện mục tiêu cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro với người bệnh, mà mức độ thấp nhất là các thành viên trong cùng gia đình chia sẻ cho nhau, và mức độ cao nhất là thực hiện BHYT toàn dân. Thực tế cho thấy khi tham gia BHYT tự nguyện, người dân chỉ mua thẻ BHYT cho những người có bệnh tật hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao, những người mạnh khỏe trong gia đình thì không, thậm chí khi người bệnh nhập viện thì người nhà mới đi mua thẻ BHYT, từ đó dẫn đến mất cân đối trong công tác thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn, đây là con số thể hiện sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị cũng như là sự quan tâm người dân trong quá trình tham gia BHYT. Sau 27 năm tham gia BHYT, nhiều người đánh giá BHYT như phao cứu sinh để giúp người dân thoát khỏi bẫy nghèo y tế. Trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh càng tăng, chi phí ngày càng lớn, công nghệ ngày càng cao thì đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng, mà BHYT chính là sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng với Đảng, nhà nước để chăm lo cho sức khỏe nhân dân cũng như sức khỏe của chính bản thân mình.

Cũng theo đồng chí Phạm Lương Sơn, định hướng phát triển cho y tế cơ sở đang là một trong những mục tiêu, chủ trương của Đảng, Nhà nước, cũng là mục tiêu quyết liệt của ngành y tế và BHXH Việt Nam. Trong thời gian qua, rất nhiều cơ chế, chính sách được thay đổi trong định hướng hướng tới cơ sở.

Song song với đó là các cơ chế tài chính từ BHYT, các danh mục, phạm vi chuyên môn đang được ngày càng hoàn thiện hơn. Chúng ta hy vọng sự tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế cơ bản sẽ được thực hiện ngay ở tuyến ý tế cơ sở. Đây là một hình thức rất hữu hiệu để phân luồng bệnh nhân, giảm tải sự quá tải ở tuyến trên, đồng thời về mặt cơ chế chính sách, chính sách thông tuyến là một cơ chế rất thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng cho rằng, cần có những điều chỉnh để tạo thông thoáng cơ chế cải cách hành chính một cách tích cực hơn, đồng thời tạo điều kiện để giúp cho nhân viên y tế tuyến cơ sở cơ một số lượng bệnh nhân tiếp cận và bệnh nhân được tiếp cận với dịch vụ y tế tuyến xã thì mới đảm bảo được mục tiêu đề ra./.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn