15,7% trẻ em Việt Nam bị dụ dỗ tình dục qua mạng

Thời sựThứ Năm, 12/07/2018 17:39:00 +07:00

Số liệu từ khảo sát của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Bộ LĐ-TB&XH năm 2018 cho thấy, hiện có 15,7% trẻ em ở Việt Nam bị dụ dỗ tình dục qua mạng.

Sáng 12/7, Hội thảo “Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” diễn ra tại Hà Nội. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em cho biết, hiện nay rất nhiều trẻ em ở Việt Nam gặp phải những nguy hiểm trên môi trường internet. Do đó, việc xây dựng một mạng lưới quốc gia để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là đòi hỏi cấp thiết.

moitruongmang

Ông Đặng Hoa Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết, số liệu từ khảo sát của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Bộ LĐ-TB&XH năm 2018 cho thấy, hiện có khoảng 36,4% trẻ em ở Việt Nam có những trải nghiệm không mong muốn liên quan đến bạo lực, 13,2% trẻ buộc phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm, 15,7% trẻ em gặp phải hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng và 2% trẻ nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân, hình ảnh không mong muốn.

“Cùng với quyền của trẻ em ngày càng được tôn trọng và cam kết thực hiện, thế giới ngày nay vẫn và sẽ còn những nguy cơ xâm hại trẻ em. Vì vậy, quyền được bảo vệ, được an toàn của trẻ em trên môi trường mạng cần được quan tâm và bảo đảm hơn nữa. Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chính là trách nhiệm và mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội...”, ông Nam nói.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em, ông Michael Gray, Giám đốc chương trình Quỹ See Dev từ Canada cho hay: “Trong thời đại công nghệ số phát triển rộng rãi, chỉ có cách tiếp cận phối hợp đa bên, đa ngành là phương thức tối ưu để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em từ phòng ngừa, can thiệp, tới hỗ trợ. Việc kết nối mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là hoạt động rất thức thời”.

Cố vấn xây dựng chuyên môn và kỹ thuật cho mạng lưới, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cũng nhấn mạnh: “Sáng kiến mạng lưới là một sáng kiến phù hợp xu hướng. Chúng tôi rất lạc quan khi tiến hành nghiên cứu tiền khả thi cho việc xây dựng mạng lưới và ngay lập tức nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều các bên liên quan. Việc này sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện giúp trẻ em của chúng ta có thể thích ứng, được trao quyền để làm chủ công nghệ, là các công dân số có tri thức, kỹ năng và được bảo vệ.”

Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam khẳng định: “Dự án được ký kết hôm nay là một minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết những thách thức trong xã hội và không ngừng cải thiện điều kiện sống của con người, đặc biệt là trẻ em, từ đó thúc đẩy sự phát triển công bằng. Chúng tôi hy vọng dự án sẽ mang lại kết quả tốt đẹp để trẻ em Việt Nam được sống trong một môi trường lành mạnh hơn”.

Em Ngô Hoàng Thùy Linh, học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), đại diện trẻ em tham gia hội thảo bày tỏ niềm vui khi tất cả các đại biểu người lớn đều rất tích cực lắng nghe và cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ em, bảo vệ trẻ em thay vì cố gắng kiểm soát, cấm đoán.

“Em tin tưởng rằng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ giúp chúng em rất nhiều để trưởng thành, biết tận dụng những lợi ích mà công nghệ mang lại và tự bảo vệ mình, hoặc biết tìm kiếm sự trợ giúp từ mạng lưới bảo vệ trẻ em khi cần thiết,” em Ngô Hoàng Thùy Linh nói.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn