130 người thương vong trong đợt mưa lũ ở miền Trung

Thời sựThứ Sáu, 08/10/2010 11:24:00 +07:00

(VTC News)- Đến 6 giờ sáng nay (8/10/2010), mưa lũ miền Trung làm chết 52 người, 24 người mất tích, 54 người bị thương. Quảng Bình đứng đầu thiệt hại về người.

 (VTC News) - Đến 6 giờ sáng nay (8/10/2010), số người chết vì mưa lũ miền Trung hiện lên tới 52 người, 24 người mất tích, 54 người bị thương. Quảng Bình đứng đầu danh sách thiệt hại về người.

Quảng Bình hiện thiệt hại lớn nhất về người

Theo báo cáo của các địa phương về tình hình thiệt hại do đợt mưa lũ, tính đến 6 giờ sáng nay (8/10/2010), số người chết hiện lên tới 52 người, tăng 4 người so với báo cáo nhanh ngày 7/10.

Vùng lũ Tân Hóa - Quảng Bình bị chia cắt, toàn bộ nhà dân chìm trong nước lũ, nhà cửa và tài sản của dân bị hư hỏng, mất trắng 100% (Ảnh: quangbinh.gov.vn) 
Trong đó, tỉnh có số người bị mưa lũ cướp đi sinh mạng nhiều nhất là Quảng Bình 36 người, tăng 3 người; tiếp đó là Hà Tĩnh 8 người, tăng 1 người; Nghệ An 5 người, không thay đổi; Quảng Trị 3 người, không thay đổi.

Hiện số người mất tích là 24 người, tăng 6 người so với báo cáo nhanh ngày 7/10, trong đó, tỉnh có số người mất tích nhiều nhất vẫn là Quảng Bình 17 người, tăng 3 người;  tiếp đó là Nghệ An 3 người; Quảng Ngãi 3 người; Hà Tĩnh 1 người.

Thống kê cũng cho thấy số người bị thương do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung hiện là 54 người, tăng 35 người so với báo cáo nhanh ngày 7/10. Trong đó, đứng đầu là tỉnh Quảng Bình 44 người, tăng 33 người; Hà Tĩnh 5 người, tăng 2 người; Quảng Trị 3 người; Nghệ An 2 người.

Tính toán ban đầu cho thấy, thiệt hại về tài sản do mưa lũ gây ra ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tỉnh Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề nhất với số tài sản ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ban chỉ đạo PCLBTW cũng cho biết, theo báo cáo nhanh số 182/BC-BTM ngày 8/10/2010 của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ sáng nay (8/10), tình hình tàu thuyền các địa phương như sau: đã thông báo, hướng dẫn cho 47.426 tàu, lồng bè/210.383 người và 1.200 lều, chòi canh NTTS/1.800 người từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi (tăng 2.260 tàu/6.847 người so với báo cáo ngày 07/10/2010).

Có 32.088 tàu/127.527 người neo đậu, hoạt động ở khu vực vịnh Bắc Bộ, trong đó 32.086 tàu/127.518 người đã liên lạc được và hiện tại còn 2 tàu/9 người (tàu QB 93893/07 người, tàu QB 3961/02 người) bị trôi dạt tại vùng biển Quảng Bình hiện chưa liên lạc được.

Còn theo Báo cáo nhanh số 95/BC-PCLB&TKCN của BCH PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi tính đến 16 giờ chiều qua (7/10/2010), tàu QNg 44533 được xác định chìm, trong đó có 3 thuyền viên được coi là mất tích.

Tiếp tục tìm kiếm người và hỗ trợ các hộ bị thiệt hại do mưa lũ

Công việc cần triển khai tiếp theo được đặt lên hàng đầu là huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn dân tại các vùng bị ngập lụt và tàu thuyền đang bị trôi dạt trên biển.

Người dân vùng lũ Quảng Bình nhận hàng cứu trợ (Ảnh: quangbinh.gov.vn) 
Tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, nhà bị sập, hư hỏng.

Cùng với đó, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, huy động các lực lượng giúp dân ổn định đời sống, sản xuất tại những khu vực lũ đã rút.

Khắc phục sửa chữa các tuyến đường giao thông nhanh chóng thông xe tại các điểm còn ách tắc. Đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp đối phó với áp thấp nhiệt đới và tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, nắm vững các thông tin về tình hình cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân trong vùng ngập lũ và các tàu thuyền trên biển, cũng như diến biến của áp thấp nhiệt đới, báo cáo kịp thời về Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW và Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN.

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW, công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả đến nay đang được nỗ lực triển khai, theo đó, tại các cuộc họp với UBND các tỉnh trong ngày 7/10/2010, Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trước mắt hỗ trợ khẩn cấp 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình mỗi tỉnh 100 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo để giúp các tỉnh có đủ điều kiện khắc phục hậu quả. 

Tính đến 17 giờ chiều qua (7/10), Bộ Quốc phòng đã tổ chức được 9 chuyến bay, chở 7,6 tấn hàng (mỳ tôm và nước lọc) để tiếp tế cho nhân dân vùng giao thông đường bộ chưa đi lại được của Quảng Bình và trợ giúp chuyên chở 54 lượt người; điều 2 tàu hải quân tìm kiếm tàu bị nạn trên biển; bộ đội Biên phòng cử 3.361 cán bộ chiến sĩ và 226 phương tiện các loại thường trực sẵn sàng cơ động tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ.

Bộ GTVT đã tổ chức sửa chữa các tuyến đường sau khi lũ rút; hiện quốc lộ 1A đã thông xe toàn tuyến, đường Hồ Chí Minh chỉ còn tắc tại 2 điểm thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình; tuyến đường sắt Bắc - Nam đã thông tuyến bước 1, chỉ còn ách tắc tại một số điểm thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ngành đường sắt đã tổ chức chuyển tiếp hành khách trên các chuyến tàu Thống Nhất bị kẹt do lũ để tiếp tục hành trình, hiện không còn hành khách nào bị mắc kẹt tại các ga bị ảnh hưởng của lũ lụt.

Còn tại các địa phương, hiện UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo dừng các cuộc họp không cần thiết để tập chung khắc phục hậu quả của lũ bao gồm xử lý các sự cố hồ đập, khôi phục các tuyến giao thông quan trọng, các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại và khắc phục hậu quả sau lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã di dời được 5.002 hộ/23.355 người đến nơi an toàn. UBND tỉnh Quảng Bình, các huyện, TP, các Sở ngành đã trích ngân sách dự phòng, đồng thời huy động các nguồn khác (tổng số khoảng 20 tỷ đồng) để mua mỳ ăn liền, nước uống, bạt che mưa... cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập lụt.

Lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang tiếp tục xuống. Đến sáng nay (8/10), mực nước các triền sông đã xuống mức BĐ1, BĐ2. Trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lúc 4 giờ sáng là 8,92m (trên BĐ2: 0,42m); sông La tại Linh Cảm lúc 4 giờ sáng ngày 8/10 là 3,62m (thấp hơn BĐ1); sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lúc 19 giờ tối 7/10 là 2,19m (dưới BĐ2 0,01m); sông Nhật Lệ tại Đồng Hới lúc 19 giờ tối 7/10 là 0,39m (thấp hơn BĐ1).

Dự báo lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình tiếp tục xuống.

Theo Báo cáo của Ban chỉ huy PCLB các địa phương, tính đến cuối ngày 7/10 các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã hoàn toàn hết ngập, chỉ còn lại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Tình hình ngập lụt như sau: Hà Tĩnh còn ngập với tổng số 32 xã của 6 huyện (Hương Khê: 10 xã; Vũ Quang: 7 xã; Hương Sơn: 3 xã; Đức Thọ: 4 xã; Thạch Hà: 4 xã; Cẩm Xuyên: 4 xã). Hiện chưa có xác định được số nhà cụ thể.

Quảng Bình: Còn ngập tổng số 14 xã, của 2 huyện (Lệ Thủy 9 xã; Quảng Ninh: 5 xã).

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn