1/3 công chức 'cắp ô': Bộ trưởng Nội vụ vi hành cũng không thể biết

Thời sựThứ Năm, 31/10/2013 10:35:00 +07:00

Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Nội vụ có đi vi hành cũng không thể biết chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ hay 1/3 công chức "cắp ô"

Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Nội vụ có đi vi hành cũng không thể biết chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ hay 1/3 công chức "cắp ô".

Tại phiên họp Thường vụ QH hồi tháng 9, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết qua báo cáo của địa phương, chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhận định 1/3 công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về". Từ đó đến nay Bộ Nội vụ chưa có thêm thông tin hay giải trình nào.

Trao đổi với PV bên hành lang QH ngày 30/10, ủy viên thường trực UB Pháp luật Nguyễn Sỹ Cương, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, người 20 năm làm trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, cho hay theo cách đánh giá từ trước đến nay, công chức đều tốt hết cả, trừ những trường hợp có khuyết điểm hay bị kỷ luật.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Bỏ hết những thi tuyển, xét tuyển đi, phức tạp mà rồi chất lượng làm việc không tương xứng. Ảnh: Lê Anh Dũng
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Bỏ hết những thi tuyển, xét tuyển đi, phức tạp mà rồi chất lượng làm việc không tương xứng. Ảnh: Lê Anh Dũng 
Lỗi không phải ở người đưa ra con số 1% mà lỗi ở cách đánh giá không thực chất.

- Thưa ông, con số 1% mới là do địa phương báo cáo lên. Do đó nhiều độc giả đặt vấn đề Bộ trưởng Nội vụ nên vi hành để biết thực tế.


Đi vi hành cũng không phát hiện được, không giải quyết được gì. Đi xuống chỗ một công chức, Bộ trưởng làm sao biết được người đó làm việc hay không. Công việc thì vẫn cần, nhưng định lượng, miêu tả chức trách, nhiệm vụ, nội dung công việc hàng ngày của mỗi vị trí lại chưa rõ ràng.

Ở nước ngoài, khi chưa có mô tả công việc rõ ràng thì chưa tuyển người. Còn ở ta, cứ ang áng thấy thiêu thiếu, đặc biệt với những công việc mang tính sự vụ, lúc cần thì tuyển thêm đến khi không cần nữa thì thừa người.

Ngay cả nhận xét của người dân về những công chức mà họ tiếp xúc cũng chỉ là cảm tính. Họ đâu biết chính xác cán bộ đó trách nhiệm làm gì, được phân công ra sao. Họ chỉ thấy đến cơ quan công quyền, việc thì rất cần, chờ thì rất lâu mà không ai làm, ngồi tán phét, nhắn tin điện thoại thì họ cho là tắc trách.

Con số thực chất đến đâu, Bộ trưởng không thể biết, mà chính trưởng phòng, vụ trưởng, người trực tiếp quản lý phải biết.

Vậy nên vấn đề cơ bản là đánh giá công chức. Khi thông qua luật Công chức, Bộ trưởng lúc đó là ông Trần Văn Tuấn nói "2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải nghỉ việc", nhưng tôi nói "với cách đánh giá cán bộ như bây giờ thì không ai nghỉ cả". Và đúng là từ lúc có luật, đến nay chưa ai phải nghỉ việc vì 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ cả. Thậm chí có những người bị kỷ luật rồi lại chuyển sang vị trí khác ngồi chơi xơi nước.

Nó gần như đã trở thành bệnh dịch trong các cơ quan nhà nước, bất cứ đâu cũng có những người ngồi chơi, không làm gì vẫn lĩnh lương đủ, thậm chí cao. Đó là những người rất ủng hộ trả lương qua tài khoản vì còn không phải đến cơ quan ký nhận. Vậy nên con số 1/3 mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra không phải là không có cơ sở.

Có dám chịu trách nhiệm?


- Gần đây ngành nội vụ đã cố gắng triển khai thí điểm một số cách mới như thi tuyển trên máy tính, xác định vị trí việc làm...


Nhưng chưa đi vào thực chất, vẫn là bệnh hình thức, chừng nào việc sử dụng con người vẫn theo kiểu giao việc gì biết việc nấy, cứ làm đi không cần biết ra kết quả thế nào.

Một điểm khá tiến bộ trong luật Công chức là xây dựng vị trí việc làm. Đến giờ, nói việc này đang giậm chân tại chỗ cũng không hoàn toàn đúng, nhưng nó chưa đạt được kết quả gì, nếu không muốn nói là thất bại.

Vì việc này phải bắt đầu từ khi cơ quan, tổ chức hình thành, xác định chức năng và số người cần để làm việc. Nhưng bây giờ, phòng ban nào cũng cả chục người rồi, xác định xong vị trí việc làm thì "đuổi" họ đi đâu? Hoặc xây dựng ví trí việc làm xong lại "đẻ" thêm biên chế.

Trưởng phòng, vụ trưởng biết chắc mình cần bao nhiêu người làm việc, nhưng có dám làm việc đó không, chưa kể chuyện con ông cháu cha, quen biết...

Thi tuyển qua máy tính cũng vậy. Máy móc là do con người sử dụng, muốn can thiệp vẫn có thể can thiệp được.

- Ở các đơn vị ngoài nhà nước, hiệu quả công việc sẽ phản ánh qua thu nhập. Nhưng trong khu vực công lại không thế, làm nhiều làm ít lương như nhau. Lương công chức thấp là điều kêu ca bấy lâu nay, đến nỗi có ý kiến rằng giải quyết được chuyện lương là có thể giải quyết vấn đề chất lượng công chức?

Không thể giải quyết được. Vì lương còn căn cứ trên cơ sở chức trách nhiệm vụ, không chỉ là việc làm nhiều làm ít. Một người có thể làm rất nhiều việc nhưng đều là công việc sự vụ, không đòi hỏi trí óc, kinh nghiệm, kiến thức. Lương phải trả theo chất lượng và khối lượng công việc, cũng như theo năng lực trình độ của công chức phù hợp với công việc.

Theo tôi, phải trao quyền tối đa cho người sử dụng lao động. Bỏ hết những thi tuyển, xét tuyển đi, phức tạp mà rồi chất lượng làm việc không tương xứng kết quả thi, nhưng nếu không vi phạm nghiêm trọng đến mức thôi việc thì không bao giờ cho ra được, ngân sách nhà nước cứ phải gánh.

Ở nước ngoài, chuyện đó rất đơn giản, chỉ cần xem hồ sơ thấy phù hợp rồi phỏng vấn mấy câu là xong. Nếu sau đó không làm được việc thì nghỉ, rất sòng phẳng. Nhưng thế có nghĩa là trách nhiệm của người sử dụng lao động rất lớn, nếu tuyển người không đạt thì công việc của chính họ cũng bị ảnh hưởng.

Tôi tin là những người đứng đầu trong bộ máy của ta đủ khả năng, nhưng không chắc họ có dám chịu trách nhiệm không.





Theo VNN
Bình luận
vtcnews.vn