Những "đại gia" văn chương và dự định năm 2010

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 25/02/2010 04:21:00 +07:00

(VTC New) - Nhà thơ Bằng Việt cố đổi mới phong cách của mình lần cuối trước khi về già, Nguyễn Quang Thiều viết báo nhiều hơn thơ...

(VTC New) - Nhà thơ Bằng Việt cố đổi mới phong cách của mình lần cuối trước khi về già, nhà văn Nguyễn Quang Thiều tâm đắc với các bài báo hơn các tác phẩm văn học, nhà văn Y Ban có một năm thành công… Ba tác giả thuộc hàng "có máu mặt" trong giới văn chương Việt Nam hiện nay chia sẻ về những điều làm được năm qua cũng như dự định năm mới của họ.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Chủ yếu là... viết báo

Năm vừa qua, điều tôi làm được không phải những bài thơ hay truyện, mà là những bài báo về bảo vệ môi trường, về con người, về giáo dục
Văn học VN năm qua và 5 năm trở lại đây rất bình lặng. Các nhà văn vẫn đều đặn viết, đều đặn xuất bản, nhưng không có những tác phẩm thực sự bật lên. Điều đó cho thấy sự mệt mỏi trong sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Các nhà phê bình và độc giả thì vẫn cứ dài cổ chờ đợi những sáng tạo nghệ thuật hay, nhưng không có.

Cũng phải thừa nhận rằng, văn học VN năm qua chưa có nhiều khuynh hướng và tác giả mới thành công. Đó là một chuỗi đương nhiên của nhiều vấn đề. Những nhà văn có tuổi thì chỉ kỹ lưỡng hơn trong một tác phẩm, chứ không có sự đột phá nữa. Còn những người trẻ thì có thể gây ra scandal, tranh cãi ở một vấn đề này, một hình thức nọ, nhưng cũng chưa có sự “lột xác” về mặt nghệ thuật.

Điều đó cũng dễ hiểu, bởi mỗi một tác giả lớn cũng chỉ có một khoảng thời gian thăng hoa nhất định, đưa họ lên một đẳng cấp cao. Nhưng thời điểm đó trôi qua rất nhanh, khi đã có tuổi thì sự sắc sảo, bùng nổ không còn nữa, thay vào đó là sự bình tĩnh, trầm lặng. Nhưng văn chương nghệ thuật đôi khi đòi hỏi điều gì đó phi logic, mới lạ cơ.

Còn với các bạn trẻ, đề tài sáng tác được mở rộng rất nhiều, đi vào tất cả các đề tài. Họ trở thành nhân vật trong câu chuyện của cuốn sách, những dày vò, hoài bão trong đời sống đời thực của cá nhân trở thành cách tư duy của nhân vật trong tác phẩm. Điều đó tốt, nhưng về nghệ thuật, họ chưa thực sự dày công tìm kiếm một phong cách cho cá nhân họ.

Còn riêng về cá nhân tôi, năm vừa qua, điều tôi làm được không phải những bài thơ, bài văn, mà là những bài báo viết về bảo vệ môi trường, về con người, về giáo dục….

Thơ văn tôi vẫn sáng tác, nhưng trầm lắng, và lặng lẽ hơn trước. Nếu như trước đây, khi mười tám, đôi mươi, làm thơ, chỉ muốn cho người khác biết, chỉ muốn được in, cuộc thi nào cũng thử sức, hi vọng giành giải thưởng, thì dần dần, cuộc đời dạy mình nhiều điều, mình trầm tĩnh hơn, sáng tác như một sự đối thoại với chính bản thân trong bóng tối, có thể in ra hay không, điều đó không còn nhiều quan trọng.

Nhìn lại năm qua, thấy mình có cái chưa làm được: đó là việc vẫn cảm thấy bất lực trong sáng tạo. Khi mới viết được 2, 3 bài thơ thì nghĩ, có thể làm mọi điều thật dễ dàng. Sau đó viết được 100 bài thơ, 200 bài thơ rồi 500 bài, lúc đó sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn. Mình viết ra, cảm thấy những điều đó không phải giả dối, nhưng vô cùng phù phiếm và không thật.

Năm tới, tôi mong muốn có thể xuất bản một vài cuốn sách, một tập thơ, một tập trường ca nói về những điều rất bình dị trong cuộc sống, và có thể, sẽ in một cuốn sách tổng tuyển từ hàng trăm bài báo mình đã viết. Bên cạnh đó, tôi sẽ tập trung vào công việc viết báo là chủ yếu. Làm thơ, viết văn sẽ… vẫn làm, nhưng đó là về mặt tinh thần.

Nhà thơ Bằng Việt: Cố đổi mới phong cách lần cuối

Văn học VN một năm qua, nhìn chung thấy có bước tiến, tuy nhiên không đều đặn và liên tục. Những năm gần đây, nhiều tác giả trẻ có nỗ lực rất lớn để cải tiến cách viết và bút pháp của mình. Nhưng tôi thấy, nội dung các tác phẩm văn học phần lớn vẫn chưa ôm trùm được hiện thực đời sống xã hội của đất nước thời đổi mới mà mới chỉ dừng lại ở tính chất cá nhân, lối suy nghĩ riêng tư của một người đối với các vấn đề trong cuộc sống.

 Nhà thơ Bằng Việt: "Vài năm trở lại đây, tôi viết ngắn hơn, gọn hơn, súc tích hơn, không ham viết trường ca như trước nữa". (Ảnh: Trịnh Mão)
Tôi cũng nhận thấy, trong năm 2009, thế hệ nhà văn thời chống Mỹ như tôi đã rất cố gắng tìm lại mình và đổi mới phong cách lần cuối, trước khi bước sang tuổi trung niên và tuổi già. Điều đó thể hiện rõ nét ở việc văn xuôi đã có nhiều tác phẩm đột phá. Trong thơ cũng có điều này, nhưng chưa rõ nét lắm.

Bản thân tôi cũng cố gắng có một tác phẩm tổng kết sáng tác của đời mình, vì dù sao cũng sáng tác trên 40 năm rồi. Hiện tại, tôi mới hoàn thành một tuyển tập thơ tương đối hoành tráng, trong đó có 400 trang sáng tác và 100 trang về biên dịch, đã đưa đi in rồi, không lâu nữa là có sách. Bên cạnh đó, tôi cũng đang gấp rút hoàn cuốn sách tuyển tập nghìn năm Thăng Long xong và biên khảo cuốn Kẻ Si Thăng Long.

Thực sự mà nói, cố gắng vậy thôi, chứ ở cái tuổi này, để có những tác phẩm bật hẳn lên, tự cảm thấy là điều rất khó khăn.

Cũng phải nói thêm rằng, thời gian vài năm trở lại đây, tôi viết ngắn hơn, gọn hơn, súc tích hơn, không ham viết trường ca như trước nữa. Nếu trước kia, một bài thơ ngắn của mình có thể dài 50- 60 câu thì bây giờ chỉ 10 đến 20 câu thôi. Tôi chắc rằng, bây giờ bạn đọc cũng chả có mấy người hứng để đọc những tiểu thuyết dài như Chiến tranh và Hoà bình nữa.

Nếu thời trẻ sở trường của tôi là mảng thơ trữ tình trí tuệ thì đến bây giờ, vẫn chất chữ tình đó, vẫn giọng thơ đó nhưng được lại chuyển sang chất trữ tình công dân gắn với xã hội, để phù hợp với những thay đổi của thời đại, để có thể chia sẻ cùng những số phận trong nhịp sống hối hả thường ngày.

Giọng thơ cũng thay đổi một chút, theo kiểu trào lộng, đùa cợt. Tôi nghĩ, đó cũng là giọng thơ rất thích hợp với thời đại, cách sống, cách nghĩ bây giờ. Cợt đùa nhưng vẫn mang tính đứng đắn, giáo dục cao. Chính những nhà thơ lớn của  thế giới cũng chuyển tông giọng của mình sang cách vui đùa dí dỏm, vừa yêu đời, giảm bớt nặng nề, nghiêm trọng như vậy. Qua đó, thông tin, cảm xúc đưa tới người đọc nhẹ nhàng thoai mái, dễ tiếp nhận, chứ thời đại này, thực sự mà nói, cũng không cần nhiều những tác phẩm triết lý dạy đời hay nặng nề.

Văn học chúng ta những năm vừa qua vẫn chưa chín hẳn, nên vẫn còn nằm trong sự chờ đợi để đạt tới một tầm cao mới. Đây là giai đoạn chuyển giao thế hệ nhà văn thời chiến tranh và thế hệ nhà văn trẻ. Một thế hệ cầm bút khi đất nước thống nhất tới bây giờ. Nhưng họ, hình như cũng chưa đủ sức để hình thành cho mình một tiếng nói mạnh mẽ, một tuyên ngôn của thế hệ mình.

Nhà văn Y Ban: Chưa bao giờ thay đổi phong cách

Để nói rằng, một năm qua bản thân làm được những gì, thì đó quả là câu hỏi khó cho một người đàn bà. Bởi chị ta có rất nhiều thứ để làm và mong ước phải làm trong một năm. Nào là con cái ngoan ngoãn học hành giỏi giang tấn tới. Nào là chồng thăng quan tiến chức. Rồi tiền bạc no ấm, gia tộc nội ngoại an lành…

Ngày còn bé, nhà văn Y Ban chưa bao giờ mơ ước trở thành nhà văn.
Năm 2009 vừa qua, với tôi - người đàn bà của cơm áo gạo tiền - cũng coi là một năm tốt lành. Con gái lớn đỗ đại học. Con trai nhỏ khỏe mạnh ngoan ngoãn. Ông chồng điêu khắc làm thêm được nhiều tượng, còn người đàn bà văn chương thì cuối năm 2009 ra được một tập truyện ngắn có tên Hành trình tờ tiền giả. Như vậy, có thể nói là tôi đã thành công.

Còn những điều chưa làm được ư? Tôi đã cố làm rồi và đã tưởng rằng rất tốt đẹp, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là công cốc. Quả đúng như các cụ nói, ba mươi chưa phải là tết. Nhưng chuyện qua rồi, chúng ta không nên nhắc lại. Điều quan trọng, chúng ta đã cố gắng, đã phấn đấu để làm những điều mình thích - đó là một hạnh phúc.

Năm cũ trôi qua, năm mới lại đến. Mọi người thường đề ra những dự định, kế hoạch cho mình. Nhưng với tôi, tôi ít khi có khái niệm đó. Điều này không phải do tôi là một lãng tử, mà chỉ là rút kinh nghiệm từ cuộc sống. Khi tôi định cái này thì lại ra cái khác. Thôi thì chẳng định gì nữa là xong!

Có thể nói, những tác phẩm của tôi, từ trước đến nay, vẫn luôn giữ được một văn phong cách nhất định, chứ không thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại và thời đại. Khi bắt đầu viết những dòng văn đầu tiên, tôi đã chọn cho mình một phong cách. Và bây giờ nó vẫn vậy thôi.

Thứ nữa, tôi không bao giờ đưa quan điểm của mình vào trang viết. Tôi cứ viết và người đọc sẽ đưa ra quan điểm riêng của mình khi đọc các tác phẩm của đó. Tôi trân trọng mọi quan điểm của người đọc.

Khi tôi còn là một cô bé đã rất thích đọc sách. Và tôi nghĩ nhà văn là những người rất siêu phàm. Tôi đã từng mơ ước là người này người nọ, nhưng chưa bao giờ dám mơ ước là nhà văn. Nhưng mơ ước ấy đã trở thành hiện thực. Đó là điều mà tôi tâm đắc nhất trong cuộc đời của mình.

Văn Trinh(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn