12 Hội CĐV bóng đá VN đồng loạt phản đối K+ độc quyền

Thể thaoThứ Năm, 11/07/2013 06:30:00 +07:00

(VTC News) – 12 Hội CĐV bóng đá trong cả nước đã đồng loạt gửi thư kiến nghị tới các quan chức năng để bày tỏ sự phản đối với K+.

(VTC News) – 12 Hội CĐV bóng đá trong cả nước đã đồng loạt gửi thư kiến nghị tới các quan chức năng để bày tỏ sự phản đối với Hệ thống Đài truyền hình K+ trong việc phát sóng độc quyền giải Ngoại hạng Anh (2013-2016).


12 Hội CĐV thuộc 12 tỉnh thành khác nhau trong cả nước gồm Hội CĐV các CLB: B.Bình Dương, Đồng Tâm Long An, Đồng Nai, Gia Lai, Kiên Giang, Thanh Hóa, Ninh Bình, SLNA, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP.HCM, Hà Nội (đều là Hội CĐV của các đội bóng đang dự V-League 2013) và Hội CĐV Bóng đá Việt Nam đã đồng loạt ký vào Thư kiến nghị gửi tới Báo chí và các quan chức năng nhằm bày tỏ sự không đồng tình nếu Hệ thống Đài truyền hình K+ tiếp tục phát sóng độc quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh 3 mùa bóng tới (2013-2016).
phản đối K+
Một lần nữa, Hội CĐV Việt Nam bày tỏ sự không đồng tình trước việc K+ độc quyền phát sóng Ngoại hạnh Anh tại Việt Nam.


Thư kiến nghị nêu: “Bóng đá là một môn thể thao hấp dẫn gây nên sức hút mạnh liệt đối với hàng tỷ người trên hành tinh. Việt Nam chúng ta đã và đang là một quốc gia phát triển môn thể thao trên. Trong sự phát triển đó, công nghệ truyền hình đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Hàng triệu người hâm mộ Việt Nam được theo dõi và thưởng thức những trận cầu hay, đẹp bởi sự đóng góp tích cực của ngành truyền thông trên đất nước này, trong đó có những trẻ em, những tài năng tương lai của đất nước Việt Nam đã khởi nguồn cho việc chắp cánh, bay cao, bay xa từ việc theo dõi và học tập những trận đấu được trực tiếp qua màn ảnh nhỏ.
Chúng tôi, những người hâm mộ bóng đá không hề khách sáo khi muốn bày tỏ một tri ân đặc biệt dành cho công sức mà các Đài truyền hình cả nước đã bỏ ra để phục vụ. Và bằng cả với niềm say mê bóng đá cùng với sự mong mỏi được tiếp tục thưởng thức những giải đấu danh giá của bộ môn này, xin phép thay mặt cho tất cả gửi thư kiến nghị này…
Qua các thông tin được đăng tải rộng rãi trên báo chí cả nước, chúng tôi được biết rằng: Trước đây không lâu, để tránh khỏi một cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà đài trong việc mua bản quyền và giữ độc quyền phát sóng các chương trình tường thuật bóng đá các giải đấu hay hấp dẫn người xem trong đó có Giải Ngoại hạng Anh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chỉ đạo nhằm tạo ra một sự thống nhất cần thiết cho việc thương thảo, đàm phán mua bản quyền truyền hình và phối hợp tổ chức sản xuất các chương trình trực tiếp các giải đấu này trong trật tự, đảm bảo việc phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giải.
Người hâm mộ cả nước, không phân biệt túi tiền, địa vị xã hội, tất cả đều hoan hỷ, phấn chấn trước tin vui này. 
Nhưng hiện nay, cũng với những điều được biết qua báo chí, diễn biến sự việc không diễn ra như mong đợi, và Hệ thống Đài truyền hình K+ gần như chiếm lĩnh độc quyền toàn bộ các chương trình trên.
Ông Trần Song Hải - Phó chủ tịch Hội CĐV Bóng đá Việt Nam là một trong những người đặt bút ký vào thư kiến nghị. 
Ba năm trước sau khi hình thành Hệ thống Đài truyền hình K+, người hâm mộ cả nước phải đối phó với một hình thức kinh doanh độc quyền của họ, phản ứng bằng chương trình “Vận động một triệu chữ ký trên bức thư ngỏ” gửi Thủ tướng Chính phủ của Hội CĐV Bóng đá Việt Nam đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận và gặt hái được một bước thành công, đó là việc chúng tôi được xem tiếp miễn phí các trận thi đấu vào ngày thứ Bảy trên một số kênh của các Đài địa phương.
Chúng tôi không thể phủ nhận những thay đổi trong thời gian quan của Hệ thống Đài truyền hình K+ giúp khán giả truyền hình và người hâm mộ cả nước thêm cơ hội tiếp cận với những sản phẩm của Đài này.

Song với lý do khách quan là điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay, ý đồ phát triển rộng khắp đến mức đại trà phổ biến, dẫn đến chiếm lĩnh vị trí độc tôn về thị phần kinh doanh chương trình truyền hình của K+ là điều khó có thể thực hiện được.
Đất nước ta dù đã phát triển nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn còn sống trong điều kiện kinh tế chưa đầy đủ. Hiện nay vẫn có những gia đình sống với mức tổng thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng thì việc một lần bỏ tiền ra để mua một bộ đầu thu của Đài K+ là việc quá khó.
Thêm vào đó, khi thưởng thức bóng đá, sở thích của người dân vô cùng đa dạng và phong phú trước cách thể hiện bình luận bóng đá của từng Đài. Việc cố tình chiếm giữ độc quyền trong kinh doanh sản xuất chương trình truyền hình bóng đá chẳng khác nào áp đặt người hâm mộ trước một sự chấp nhận bắt buộc.
Mục đích của sản xuất kinh doanh là tạo ra lợi nhuận, nhưng mục đích cuối cùng của nó vẫn là PHỤC VỤ. Chúng tôi không hề có ý làm tổn thương đến uy tín và giá trị thương hiệu của Hệ thống Đài truyền hình K+, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận sự tồn tại của những hoạt động tổ chức kinh doanh sản xuất chương trình truyền hình thể thao mang đầy mục đích lợi nhuận kinh tế của họ…
Tóm lại, những hành động trên của Hệ thống Đài truyền hình K+ đang bóp chết dần cơ hội thưởng thức bóng đá của chúng tôi. Một cơ hội mà khi thỏa lòng, chúng tôi có thể phấn chấn tự tin sau một ngày nghỉ cuối tuần tràn sinh lực, tái sản xuất sức lao động để công tác làm việc, làm ra nhiều của cải vật chất phục vụ xã hội và đất nước. Một cơ hội mà khi thỏa lòng, bao em nhỏ Việt Nam có cơ hội thưởng thức và học tập những cách chơi bóng để trở thành những tài năng bóng đá nước nhà trong tương lai.
Xin hãy trao cho các tài năng một cơ hội học tập, tạo cho cơ hội học tập bằng điều kiện tiếp cận và làm điều đó chỉ vì mục đích cao cả phục vụ xã hội, phục vụ đất nước.
Mọi sự mong đợi giờ đây, chúng tôi xin đặt vào sự lưu tâm giải quyết chu đáo của quý vị lãnh đạo...”


Tiểu Hàn
Bình luận
vtcnews.vn