12 dự án thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng: Xử nghiêm cá nhân vi phạm

Thời sựThứ Hai, 22/05/2017 14:25:00 +07:00

Chính phủ khẳng định trước Quốc hội sẽ “xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan" đến việc thua lỗ của 12 dự án lớn.

Sáng nay (22/5), phát biểu tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, những tháng đầu năm nay, tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) triển khai còn chậm.

Hinh anh 12 du an thua lo hang chuc nghin ty dong: Xu nghiem ca nhan vi pham

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình thông tin đối với 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban, xác định, đánh giá, kiểm tra thực địa, trên cơ sở đó, đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể.

Đối với những dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.

Trường hợp những dự án phục hồi được, phải đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị DN và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Có cơ chế chính sách phù hợp với từng trường hợp.

Đồng thời, “xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy 12 dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu là 43.600 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%, vốn vay chiếm 74,6%, còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.

Video: Lý do chưa trình Luật biểu tình ra Quốc hội

Tổng số lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.100 tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4.000 tỷ đồng.

Tổng tài sản của 12 dự án là 57.700 tỷ đồng trong khi tổng nợ phải trả là 55.000 tỷ đồng. Tổng số vốn giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.600 tỷ đồng trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.000 tỷ đồng.

Đến nay, theo Chính phủ, một số dự án bước đầu đã có chuyển biến như các nhà máy sản xuất phân bón và nhà máy thép tại Lào Cai.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định sẽ “tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước”.

GDP thấp hơn cùng kỳ

Chính phủ cho biết, tăng trưởng GDP quý 1 đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (5,48%), chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%.

Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn