11.000 tỷ đồng tăng lương: 'Chưa phải đã thỏa đáng'

Thời sựThứ Tư, 19/11/2014 03:50:00 +07:00

(VTC News) - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận việc nâng lương lần này chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề cơ bản của tiền lương.

(VTC News) - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận việc nâng lương lần này chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề cơ bản của tiền lương.

Ngày 19/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền 

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nhận định việc tăng lương vừa qua cho thấy nỗ lực của Chính phủ, nhưng cách làm chính sách tiền lương chưa giải quyết được căn bản về cuộc sống cho người lao động.


“Luồng gió mới nhưng vẫn chưa đủ mạnh. Vậy cần giải pháp căn cơ nào chứ không mang tính hình thức như hiện nay?”, đại biểu Thắng đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận hiện nay lương so với yêu cầu mức sống tối thiểu của người lao động mới đạt trên 60%. Việc nâng lương lần này chưa phải đã thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề cơ bản của tiền lương.

Theo lộ trình đến năm 2016, lương sẽ đảm bảo cuộc sống cho người lao động nhưng do ngân sách khó khăn nên phải giãn lộ trình tăng lương. Năm nay do khả năng ngân sách, Hội đồng tiền lương đã nêu nếu tăng lương thì không có nguồn.
Việc đào tạo nghề thời gian vừa qua có nhiều bất cập 

Nhưng do yêu cầu, bất cập trong lương thực tế giữa cán bộ viên chức nhà nước và lương tối thiểu vùng phân theo khu vực doanh nghiệp nên dù khó khăn vẫn quyết định tăng lương.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng thông tin năm nay do không có nguồn nên chỉ tăng lương cho người có công, người về hưu, người có thu nhập thấp.

“Và 11.000 tỷ đồng mà Chính phủ dành để tăng lương cho người có công, người về hưu, người có thu nhập thấp là một giải pháp chưa căn cơ", Bộ trưởng Chuyền nhận định.

Liên quan đến vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu thực tế nhiều trường nghề tuyển sinh nhưng không có người học, học ra không đáp ứng yêu cầu việc cần học, lãng phí đào tạo, ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội. Đại biểu Minh đề nghị Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu giải pháp cụ thể sắp tới.


 
11.000 tỷ đồng mà Chính phủ dành để tăng lương cho người có công, người về hưu, người có thu nhập thấp là một giải pháp chưa căn cơ.
 
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Chuyền cho biết, việc phát triển nguồn nhân lực là nội dung rất lớn. Mục tiêu Chính phủ đề ra là đến 2015 phải có 55% lao động qua đào tạo, đến 2020 là 70%. Bộ đã làm được một số việc, quy hoạch 40 trường chất lượng cao, trong đó 10 trường đạt chuẩn quốc tế.


Về hiệu quả đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề trên cả nước, Bộ trưởng Chuyền thừa nhận, hiện ở các huyện có ba trung tâm là trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề và trường dạy nghề nhưng hoạt động không hiệu quả. Vì vậy tháng 9/2014, Chính phủ chỉ đạo cần sáp nhập ba đơn vị trên.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết hiện có trên 200.000 sinh viên đào tạo nghề và 500.000 - 600.000 sinh viên đại học, như vậy khi ra trường có khoảng 700.000 - 800.000 sinh viên. Nhưng thực tế hiện nay do tình hình kinh tế khó khăn nên việc làm cho người lao động còn hạn chế.

Bà Chuyền cho rằng số sinh viên ra trường làm đúng nghề không nhiều, nhưng đa số thanh niên có thể tự vận động tìm việc làm tại thành phố, hoặc về địa phương làm cho các doanh nghiệp, hoặc giúp đỡ cho gia đình.

Bộ sẽ cố gắng tìm giải pháp nâng cao chất lượng quản lý để sinh viên được đào tạo ngành nghề nào sẽ cống hiến và làm việc đúng chuyên ngành đó một cách cao nhất.

"Tuy nhiên không phải tất cả sinh viên ra trường đều đang ngồi chơi, 60% sinh viên ở nông thôn về giúp cha mẹ. Vấn đề ở đây là lãng phí nguồn nhân lực, nên trách nhiệm nhà nước là cần phát huy trí tuệ của thanh niên để họ làm đúng nghề", Bộ trưởng Chuyền nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn