1001 'chiêu' kiếm tiền đặc biệt của đại sứ quán Triều Tiên: Tổ chức tiệc cưới, bán thịt bò

Thế giớiThứ Bảy, 14/10/2017 07:26:00 +07:00

Không được Bình Nhưỡng cấp chi phí, các cơ sở ngoại giao của Triều Tiên ở nước ngoài phải "tự thân vận động" kiếm tiền để duy trì hoạt động và kiếm ngoại tệ gửi về quê nhà bằng nhiều hình thức kinh doanh.

Đó là thực trạng đã và đang diễn ra tại các đại sứ quán Triều Tiên ở nhiều quốc gia như Bulgaria, Ấn Độ, Ba Lan... Người dân sống gần những cơ sở ngoại giao này ở nước sở tại vì vậy cũng đã quá quen với hình ảnh một cơ sở ngoại giao nhưng kiêm nhiều hình thức kinh doanh hoạt động ngay gần nơi ở của họ. 

Bonka Nikolova, một người sống gần đại sứ quán Triều Tiên ở phía nam thủ đô Sofia của Bulgaria than thở rằng, bà và hàng xóm nhiều năm nay đã sống chung với tiếng ồn phát ra từ tòa nhà có rào chắn mà thực chất là đại sứ quán của Triều Tiên, nơi nhận tổ chức vài bữa tiệc trong vòng 1 tuần. 

lwxembassy091017

Nhiều đại sứ quán Triều Tiên tự kiếm tiền để trang trải chi phí hoạt động và gửi tiền về quê nhà.  

"Giờ vẫn chưa ầm ĩ lắm đâu. Nhưng nếu họ trả tiền để bắn pháo hoa thì cũng có thể sẽ có pháo hoa đó", bà Nikolova phàn nàn khi một đoàn khách nối đuôi vào trong tòa nhà để tham dự một buổi tiệc cưới. 

Nikolova từng gọi điện báo cảnh sát nhưng họ cũng chẳng làm được gì nhiều khi tòa nhà với hội trường được mạ vàng nhiều lần được người dân địa phương thuê để tổ chức tiệc cưới này được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao mà phía Bulgaria cấp cho chính phủ Triều Tiên.

Theo New York Times, để đối phó với hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc tới từ Mỹ và cộng đồng quốc tế như hiện nay, Bình Nhưỡng không còn cách nào khác là huy động mọi nguồn lực có thể có để kiếm tiền nuôi tham vọng hạt nhân.

Nguồn thu ngoại tệ từ các cơ sở ngoại giao của Triều Tiên ở nước ngoài tuy không nhiều nhưng chắc chắn có thể góp một phần nhỏ vào số tiền khổng lồ đó. Đây cũng là lý do tại sao hơn 40 sứ quán Triều Tiên ở nhiều quốc gia đang phải tự kiếm tiền trên chính mặt bằng của mình hay lách luật quốc tế để thực hiện các hoạt động làm ăn. 

Các nhân viên cũng tự tìm cách kinh doanh

Các nhà ngoại giao làm việc trong các sẽ liên kết với bên trung gian làm môi giới cho các vụ mua bán thuốc lá, bò cái rượu, xe hạng sang hay bất cứ mặt nào có thể nhập khẩu miễn thuế để rồi sau đó bán lại chúng để kiếm lời. 

Video: Bí ẩn 4 máy tính bị rút ổ cứng bị vứt ở ngoài đại sứ quán Triều Tiên ở Malaysia

"Tôi từng được nghe bố vợ tôi, một cựu đại sứ kể lại rằng nhiều năm trước ở Ấn Độ, giới ngoại giao không ai là không biết đến việc có thể gõ cửa sau của đại sứ quán Triều Tiên ở Delhi để mua thịt bò. Họ có một lò mổ ngay trong tầng hầm", ông Marcus Noland, phó chủ tịch Học viện Peterson về Kinh tế Quốc tế kể lại. Trên thực tế, thịt bò ở Ấn Độ được ví như một thứ hàng quốc cấm và người dân không được phép ăn thịt loài động vật này. 

Việc kinh doanh kiếm tiền cũng là điều cần thiết với các đại sứ quán khi mà họ buộc phải tự phải tìm cách duy trì hoạt động vì chính quyền tại quê nhà không hề chu cấp cho họ. Thậm chí, có trường hợp các nhà ngoại giao không ngại tham gia vào các hoạt động buôn bán vũ khí để kiếm tiền như bí thư thứ ba của Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh.

Ông này bên cạnh công việc của một nhà ngoại giao còn làm việc như một nhân viên cho Haegeumgang, công ty đăng ký địa chỉ Sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh chuyên cung cấp tên lửa đất đối không và hệ thống radar cho Mozambique, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc. 

Theo New York Times, các hoạt động tương tự trên thực tế đã bị phát giác từ năm 1976 sau khi cảnh sát Na Uy phát hiện nhân viên đại sứ quán Triều Tiên ở Oslo có dính dáng tới vụ nhập khẩu và phân phối 100.000 chai rượu và 100.000 bao thuốc lá.

Hiện nay, sức ép tới từ lệnh trừng phạt của quốc tế buộc nhiều sứ quán Triều Tiên không còn có thể quá phô trương việc họ trưng dụng các cơ sở ngoại giao để kiếm tiền. 

Đặc biệt như ở những quốc gia cứng rắn như Đức, họ không chấp nhận việc cơ sở ngoại giao ở nước mình hoạt động như một cơ sở kinh doanh. Hồi tháng 5, Berlin đã cho đóng cửa một khách sạn nằm trong khuôn viên Đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô của nước Đức như một động thái nhằm trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa. 

Dù vậy, nhiều quốc gia khác vẫn chưa thể có những biện pháp mạnh tay tương tự để ngăn chặn việc kinh doanh kiếm thêm của các đại sứ quán Triều Tiên. 

Như ở Ba Lan, chính quyền có vẻ vẫn đang làm ngơ trước việc hơn 40 công ty, bao gồm một công ty dược, một đại lý cung cấp dịch vụ quảng cáo và một câu lạc bộ du thuyền vẫn đang hoạt động bình thường dù rằng chúng được đăng ký địa chỉ hoạt động ở Sứ quán Triều Tiên tại thủ đô Warsaw. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn