100 vụ khiếu kiện, 95 vụ liên quan đến đất đai: Đừng để lửa bùng lên từ đất

Thời sựThứ Sáu, 25/05/2018 17:34:00 +07:00

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cảnh báo nhu cầu phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng cần nghĩ đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi; không giải quyết thoả đáng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho xã hội.

Trong buổi thảo luận chiều nay tại Quốc hội về kinh tế- xã hội, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đề cập sâu tới đất đai, vấn đề mà ông cho là “rất nóng và luôn nóng”.

“Cũng vì vấn đề đất đai quá nóng, ngay trước khi kỳ họp Quốc hội lần này, không quản cuối tuần, Thủ tướng đã triệu tập và chủ trì họp với các đia phương thường xuyên có khiếu kiện đông người vượt cấp, chỉ ra thực trạng là trong 100 vụ khiếu kiện thì có đến 95 vụ liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng.

nguyensycuong

 Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. 

Thực tế, với chính sách quy định giá chỉ bằng 10-20% giá thị trường, cộng với việc chính quyền đứng ra thu hồi đất giao cho doanh nghiệp rồi doanh nghiệp làm hạ tầng, hoặc thậm chí có nơi chả cần làm gì đã lập bản đồ phân nền bán ra giá gấp hàng chục, hàng trăm lần khiến người dân vô cùng uất ức, đi khiếu kiện khắp nơi cũng là điều dễ hiểu”, ông Cương nói.

Ông Cương cho rằng, nhu cầu phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng cần nghĩ đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi; không giải quyết thoả đáng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho xã hội.

“Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng nghìn mét vuông đất, dù chỉ là đất ruộng, thậm chí đất không thể canh tác được, mà người dân không mua nổi một suất đất hay một căn chung cư của chính dự án để sinh sống; chưa kể đến việc tạo kế sinh nhai cho người dân có đất bị thu hồi một cách thực chất”. Từ đó, ông Cương khẳng định thu hồi đất không chỉ còn là bài toán phát triển kinh tế mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý xã hội, quản lý dân cư.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại trăn trở việc thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, công trình công cộng được xã hội đồng tình cao, song thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội, nhất là thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp cần phải thay đổi cả cơ chế lẫn quy định của pháp luật theo hướng doanh nghiệp phải tự thoả thuận với người dân theo giá thị trường.

"Chính quyền không thu hồi đất thay các doanh nghiệp và trước khi phê duyệt dự án thì phải lấy ý kiến người dân chứ, không để tình trạng như một số nơi khi thu hồi đất người dân không biết là có dự án", ông Cương nêu quan điểm.

Chưa hết, đại biểu Cương chua xót khi vấn đề BT, nói nôm na “đổi đất lấy công trình”, đang diễn ra ở nhiều địa phương khiến một lượng đất không nhỏ, trong đó có đất công ở vị trí đắc địa, lần lượt rơi vào tay doanh nghiệp.

"Lẽ ra các dự án đổi đất này phải mang lại những công trình giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân như bệnh viện, trường học hay công trình phục vụ cộng đồng. Nhưng thật đáng tiếc, hàng trăm, hàng nghìn hecta đất vàng, đất kim cương của nhà nước và của cả người dân bị thu hồi, giải tỏa chỉ để đổi lấy trụ sở, trung tâm hội nghị, thậm chí là cổng chào hay tượng đài. Đất đai của nhà nước, người dân cứ bị mất dần đi một cách đáng lo ngại.

Tôi chỉ muốn góp một tiếng nói đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, hạn chế, tiến tới ngăn chặn nguy cơ và hậu quả mang lại từ đất. Có như vậy mới tránh được lửa bùng lên từ đất”.

Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá đề nghị, Chính phủ cần siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm đơn vị không tuân thủ quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện tốt giải pháp này, ông cho rằng sẽ “bổ sung thêm củi vào lò đang nóng trong chống tham nhũng”.

Phạm Thành
Bình luận
vtcnews.vn