10 sự kiện nổi bật của Thể thao Việt Nam 2010

Thể thaoThứ Sáu, 24/12/2010 11:58:00 +07:00

(VTC News) - Năm 2010 sắp sửa khép lại với bức tranh nhiều màu sắc của làng Thể thao Việt Nam và những chờ đợi cho năm 2011 với SEA Games ở Indonesia…

(VTC News) - Đội tuyển bóng đá Việt Nam thất bại tại AFF Suzuki Cup, Thể thao Việt Nam không hoàn thành mục tiêu tại Asiad nhưng Điền kinh lại thành công mỹ mãn, sự xuất hiện của truyền hình K+ gây bức xúc và phẫn nộ cho nhiều người hâm mộ, vấn nạn pháo sáng và những phản ứng của cầu thủ Việt làm xấu đi hình ảnh của V.League… Năm 2010 sắp sửa khép lại với bức tranh nhiều màu sắc của làng Thể thao Việt Nam và những chờ đợi cho năm 2011 với SEA Games lần thứ 26 ở Indonesia…

Sau đây là 10 sự kiện nổi bật của Thể thao Việt Nam năm 2010 theo bầu chọn của VTC News.

1.Hà Nội T&T giành chức vô địch V.League lần đầu tiên trong lịch sử. Chỉ hơn 4 năm sau ngày thành lập (2006), đội bóng thủ đô đã làm một cú nước rút ấn tượng thăng 3 hạng chỉ trong 3 năm và đoạt chức vô địch quốc gia chỉ trong năm thứ hai tham dự giải đấu (V.League 2009, CLB khi còn mang tên T&T Hà Nội xếp thứ 4 chung cuộc).

Hà Nội T&T lần đầu tiên vô địch V.League. (Ảnh: Quang Minh)

Khi mùa giải chưa bắt đầu, Hà Nội T&T đã quyết giành ngôi vô địch để dâng quà mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và đội bóng của ông bầu Đỗ Quang Hiển đã thành công.

Sau khi Hà Nội T&T giành ngôi quán quân V.League, một đội bóng khác của thủ đô là Hà Nội ACB cũng đạt được thành tích vô địch hạng Nhất quốc gia.

Vào tháng 9, LĐBĐ Việt Nam (VFF) tổ chức thành công hai giải đấu giao hữu là “Cúp bóng đá quốc tế 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” và “Giải Bóng đá chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội Cúp TP.HCM 2010”. Ở giải đấu thứ nhất diễn ra tại Hà Nội, ĐTQG Việt Nam giành ngôi á quân, chức vô địch thuộc về ĐTQG CHDCND Triều Tiên. Còn ở giải đấu thứ 2, Olympic Việt Nam đã xuất sắc giành ngôi vô địch.

Những sự kiện tiêu biểu trên là những món quà ý nghĩa dâng mừng thủ đô Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.

2. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Asiad 16 tại Quảng Châu, Trung Quốc đạt thành tích 1 Huy chương Vàng, 17 Huy chương Bạc, 15 Huy chương Đồng, xếp thứ 24 trên bảng tổng sắp Huy chương chung cuộc. Thể thao Việt Nam không đạt được mục tiêu đặt ra từ trước Đại hội là giành 4-6 Huy chương Vàng, xếp trong Top 20.

Lê Bích Phương đoạt Huy chương Vàng duy nhất cho Thể thao Việt Nam ở Asiad. (Ảnh: Tuấn Anh/Từ Quảng Châu)

Tại Đại hội này, nhiều môn thể thao thế mạnh được xác định là có thể “gặt” vàng như Taekwondo, Bắn súng, Wushu, Cờ, Billiards & snooker… đều ít nhiều gây thất vọng. Ngoài ra, việc đô cử Hoàng Anh Tuấn bị loại khỏi Asiad ngay trước giờ khai cuộc vì nghi án sử dụng doping cũng gây thất vọng cho người hâm mộ nước nhà.

3.Đội tuyển Việt Nam thất bại trên hành trình bảo vệ danh hiệu vô địch Đông Nam Á.

ĐTVN thất bại tại AFF Suzuki Cup 2010. (Ảnh: Quang Minh)

Bước vào sân chơi AFF Suzuki Cup 2010 với tư thế ĐKVĐ, cũng là chủ nhà của giải, đội tuyển Việt Nam nhận được rất nhiều kỳ vọng. Các học trò của HLV Calisto đã chơi tưng bừng ở ngày ra quân với chiến thắng 7-1 trước Myanmar, nhưng không thể duy trì sự ấn tượng ấy qua các trận đấu sau đó. Để thua Philippines, ĐTVN phải nhờ tới trận thắng chật vật Singapore mới có vé đi tiếp, để rồi bị loại bởi đội bóng trẻ Malaysia ở bán kết.

Ghi được 7 bàn trong 1 trận đấu, sau đó là 1 bàn cho 4 trận tiếp theo, phong độ thiếu ổn định và sự yếu kém trong khâu dứt điểm vẫn là điểm yếu mà đội tuyển Việt Nam chưa thể khắc phục qua giải đấu này.

4. Nếu như Thể thao Việt Nam thi đấu không thành công tại Asiad 16 thì đây lại là một kỳ Đại hội đại thắng của riêng môn Điền kinh. Các VĐV Điền kinh Việt Nam thực sự đã gây chấn động với việc giành tới 3 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.

Vũ Thị Hương đoạt Huy chương Đồng lịch sử cho Điền kinh Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh/Từ Quảng Châu)

Ngày 22/11, Vũ Thị Hương trên đường chạy 100m nữ đã xuất sắc đạt thành tích 11 giây 43 và đoạt tấm Huy chương Đồng lịch sử, đây là Huy chương đầu tiên của Điền kinh Việt Nam qua các kỳ Asiad. Tiếp đà thành công đó, Vũ Thị Hương tiếp tục giành Huy chương Bạc ở cự ly 200m, còn Trương Thanh Hằng liên tiếp gây sửng sốt với hai Huy chương Bạc ở các cự ly 1500m và 800m. Vũ Văn Huyện cũng rất nỗ lực để giành được Huy chương Đồng 10 môn phối hợp.

5. “Chia tay” Petro VietNam Gas, giải vô địch bóng đá quốc gia V.League chính thức gắn tên nhà tài trợ mới - ngân hàng Eximbank, trong 3 năm tới, nâng giá trị tài trợ lên gấp 2,5 lần (từ 13 tỷ/mùa lên 30 tỷ/mùa).

Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn (trái) trao bảng danh vị cho đại diện nhà tài trợ Eximbank. (Ảnh: V.S.I)

Với việc "thay tên đổi họ" này, tiền thưởng cho các đội giành thứ hạng cao tại V-League 2011 cũng sẽ luỹ tiến theo. Cụ thể, đội vô địch V-League 2011 được thưởng 3 tỷ đồng, đội á quân nhận 1,5 tỷ đồng, đội hạng ba cũng “ẵm” 750 triệu đồng.

6. Sự xuất hiện của K+ với gói bản quyền giải Ngoại hạng Anh độc quyền các trận ngày Chủ Nhật trong 3 năm đã gây bức xúc cho người hâm mộ Thể thao trong nước. Vấn đề truyền hình độc quyền trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết và gây lo ngại cho các khán giả truyền hình, nhất là những người có thu nhập thấp và không thể đáp ứng mức phí thuê bao “cắt cổ” của K+.

Nghệ sĩ Bảo Quốc ký vào thư ngỏ gửi Thủ tướng phản đối sự độc quyền của K+. (Ảnh: Hội CĐV Việt Nam)

Hội CĐV Việt Nam đã viết thư ngỏ và vận động 1 triệu chữ ký gửi tới Thủ tướng chính phủ để phản đối K+. Nỗ lực của Hội đã nhận được sự ủng hộ của HLV ĐTQG Việt Nam Henrique Calisto cùng các HLV Mai Đức Chung, Vương Tiến Dũng, Lê Thụy Hải, Trần Văn Phúc, Nguyễn Văn Sỹ; nghệ sĩ Đức Trung, danh hài Bảo Quốc, ca sĩ Mỹ Tâm, nhạc sĩ Lê Quang... Hầu hết các thành viên Ban chấp hành Hội CĐV Việt Nam và lãnh đạo các Hội CĐV Sông Lam Nghệ An, Ninh Bình, T&T Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Navibank Sài Gòn, SHB Đà Nẵng, Đồng Tháp… cũng đã ký vào bức thư kiến nghị.

Sau K+, việc AVG thâu tóm bản quyền các giải Thể thao trong nước, bước đầu là bóng đá và điền kinh, với hợp đồng có thời hạn lên tới 20 năm, cũng đã làm dấy lên câu hỏi: có hay không một K+ thứ hai? Câu hỏi này sẽ chỉ có lời đáp khi AVG chính thức cung cấp dịch vụ dự kiến vào năm 2011.

Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông thì cần thiết phải thành lập Hiệp hội truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Có lẽ phải tới khi ấy, những vấn đề như K+, AVG… mới được giải quyết một cách rõ ràng và thấu đáo.

7. ĐTQG Việt Nam không thể bảo vệ chức vô địch AFF Cup nhưng năm 2010 lại là năm thành công của bóng đá trẻ Việt Nam. Đội tuyển U16 quốc gia đoạt ngôi quán quân giải bóng đá U16 Đông Nam Á mở rộng sau khi đánh bại cả Trung Quốc (2 lần) và chủ nhà Indonesia. U19 Việt Nam vô địch Giải U21 báo Thanh Niên quốc tế sau khi hạ U21 Thái Lan ở chung kết. U23 Việt Nam thì giành bất ngờ vô địch Cúp TP.HCM 2010 chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

HLV Hoàng Văn Phúc và đội U16 VN nhận bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch sau chiến thắng tại giải U16 Đông Nam Á mở rộng. (Ảnh: Quang Minh)

Thành tích của các đội U16, U19 và U23 là những tín hiệu rất vui cho bóng đá trẻ Việt Nam, giúp người hâm mộ tin vào một đội tuyển quốc gia mạnh mẽ hơn trong tương lai với những luồng gió mới.

8. VFF gia hạn thêm 3 năm hợp đồng với HLV Henrique Calisto. Với hợp đồng mới này, HLV Calisto sẽ nhận mức lương mới 22.000 USD (không tính thuế), tăng gần 100% so với bản hợp đồng cũ và thiết lập kỷ lục mới về lương bổng trong làng bóng đá Việt Nam.

HLV Calisto và Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tại lễ ký gia hạn hợp đồng. (Ảnh: Quang Minh)

Ông Calisto còn nhận được nhiều chế độ đãi ngộ khác như: chế độ ăn ở, sinh hoạt; vé máy bay về quê nhà nghỉ phép; bảo hiểm thân thể cùng các khoản thưởng riêng mỗi khi ĐT Việt Nam, tuyển Olympic đạt thành tích cao.

9.CĐV Hải Phòng gây rối trên khán đài, đốt pháo sáng là một vấn đề vẫn chưa được giải quyết mà những án phạt dù là nhẹ như vài chục triệu đồng nộp phạt hay nặng như treo sân, cấm CĐV đến sân khách… cũng chưa thể phát huy tác dụng.

Pháo sáng “đặc sản” của CĐV Hải Phòng. (Ảnh: VSI)

Vòng 5 V.League (11/3), pháo sáng đã cháy trong trận “derby xi măng” giữa V.Ninh Bình gặp XM.Hải Phòng nhưng không bên nào bị phạt vì không xác định được CĐV đội nào đốt pháo. Pháo sáng được đốt ở Lạch Tray trận tiếp ĐT.Long An (vòng 6) ngày 14/3, khiến BTC sân bị phạt 20 triệu đồng. Ngày 1/4, CĐV Hải Phòng đốt pháo trong trận đá bù ở Bình Dương. Đến vòng 7 V.League ngày 4/4, XM.Hải Phòng tiếp Hà Nội T&T, CĐV đất cảng lại nhiều lần ném chai nước, túi nilon… xuống sân và buông lời thóa mạ trọng tổ trọng tài cũng như cầu thủ đội khách, dẫn đến án phạt 60 triệu. Vòng 17, họ tiếp tục tái diễn việc đốt pháo và phải lãnh án phạt 25 triệu đồng cùng với 55 triệu đồng vì để cho khán giả chửi bới, ném vật thể xuống sân, đồng thời phải thi đấu sân trung lập trong trận gặp HAGL ở vòng 19…

XM.Hải Phòng đã kết thúc mùa giải ở vị trí á quân tương đối bất ngờ nhưng việc kiểm soát các CĐV và văn hóa cổ vũ là những điều mà đội bóng đất cảng chưa thể làm được.

10. Hà Nội T&T có một mùa giải 2010 thành công nhưng đây lại là một năm buồn với riêng ngôi sao của họ - cầu thủ Lê Công Vinh, Quả bóng Vàng Việt Nam trong các năm 2004, 2006, 2007.

Công Vinh với hành vi vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh. (Ảnh: VSI)

Không thể hiện được nhiều qua 5 vòng đầu tiên V.League, tới vòng đấu thứ 6, trên sân Cao Lãnh, tiền đạo người Nghệ An đã có hành vi vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh sau một quyết định không có lợi cho Hà Nội T&T.

Hành động của Công Vinh được Ban kỷ luật VFF kết luận là vi phạm nghiêm trọng quy định về đạo đức trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp, khiến anh bị treo giò 6 trận theo điều 39, khoản 2 về quy định xử phạt với hành vi xúc phạm và lăng mạ trọng tài. Ngoài ra, Vinh còn phải nộp phạt 10 triệu đồng. Cả 2 hình phạt này đều là kỷ lục đối với lỗi ứng xử của một cầu thủ chơi bóng tại V.League.

Hải Lâm và "ngón tay thối". (Ảnh: Quang Minh)

Công Vinh sau đó còn gây sốc với tuyên bố “không giảm án, tôi sẽ giải nghệ” và thậm chí còn khẳng định sẽ trao đổi với Chủ tịch CLB để thanh lý hợp đồng. Dù được đổi tội danh, giảm án một nửa, chỉ còn treo giò 3 trận nhưng Vinh vẫn để lại những hình ảnh không đẹp đối với người hâm mộ.

2010 không phải là một năm thành công với Dương Hồng Sơn. (Ảnh: Quang Minh)

Sau scandal “vái sống” trọng tài của Công Vinh, V.League 2010 còn ầm ĩ với vụ chơi “ngón tay thối” của hậu vệ Trần Hải Lâm (SHB.Đà Nẵng) khiến anh bị treo giò 4 trận, hay vụ lùm xùm xung quanh chuyện thủ môn Dương Hồng Sơn mất hộ chiếu ngay trước giờ bay, bỏ lỡ chuyến đi Leabanon… tất cả đã dấy lên những băn khoăn của người hâm mộ về đạo đức, khát vọng cống hiến cho bóng đá nước nhà của các cầu thủ hiện nay.

Thể thao VTC News
Bình luận
vtcnews.vn