10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2016

Kinh tếThứ Ba, 03/01/2017 12:28:00 +07:00

Thu ngân sách vượt dự toán trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn; cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý tạo thuận lợi cho doanh nghiệp… là những sự kiện nổi bật ngành Tài chính năm 2016

Bộ Tài chính vừa công bố “10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2016”. Cụ thể như sau:

1. Ban hành các nghị quyết riêng về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, giải pháp nhằm đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Đây là những nghị quyết vô cùng quan trọng đã xác định rõ những mục tiêu, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế tài chính quốc gia, huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

images912218_VND

 Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngành Tài chính vẫn hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2016.

Từng bước cơ cấu lại thu chi ngân sach nhà nước; cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đầu tư hợp lý cho con người và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; giảm mạnh và kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

2. Hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2016 trong điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, toàn ngành Tài chính đã triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách theo đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ với tinh thần chủ động, quyết tâm cao nhất.

Kết quả, thu ngân sách vượt dự toán; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, ngân sách nhà nước luôn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, và an sinh xã hội. Thực hiện chính sách tăng lương cơ sở theo đúng kế hoạch; đi đầu trong việc sử dụng tiết kiệm tài sản công, khoán xe công qua đó tạo tiền đề để sửa đổi chế độ sử dụng tài sản công và xe công trong cả nước.

3. Hoàn thành 100% chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội…

Việc ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

4. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo kết quả công bố xếp hạng chỉ số cải cách hành chính mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục giữ ngôi “á quân” trong nhóm 19 bộ, ngành về cải cách hành chính. Kết quả này đã thể hiện sự nỗ lực và chủ động của các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công đến hiện đại hóa quản lý hành chính.

Riêng trong lĩnh vực Thuế, hải quan đã hoàn thành kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó đã rà soát bãi bỏ 92 thủ tục hành chính, quy định mới 16 thủ tục

5. Thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 20 năm hoạt động và chỉ số VN-Index năm 2016 vượt đỉnh trong 8 năm gần đây.

Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, ngành chứng khoán đã xây dựng được nền móng vững chắc để thị trường chứng khoán phát triển và hội nhập; thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ về quy mô, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập quốc tế, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, định hình cấu trúc hệ thống tài chính hiện đại; góp phần đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường công khai, minh bạch.

6. Điều hành quyết liệt và xuất cấp kịp thời hỗ trợ các địa phương và nhân dân vùng bị thiên tai hạn hán, lũ lụt; hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng bị sự cố môi trường biển.

7. Chủ động trong công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường, giá cả, góp phần kiểm soát lạm phát năm 2016.

8. Hoàn thành kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2016 với khối lượng huy động kỷ lục và kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm 91,1% tổng khối lượng phát hành.

9. Lập nhiều chiến công chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Năm 2016, Bộ Tài chính (thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) đã xây dựng và triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch đẩy mạnh công tác kiểm tra, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong các lĩnh vực nóng, qua đó, phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới, xác lập, đấu tranh nhiều chuyên án, bắt giữ xử lý nhiều vụ việc nổi cộm.

10. Hợp tác tài chính được mở rộng với việc tiếp nhận vai trò chủ trì tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn