10 quy định nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2016

Thời sựThứ Năm, 01/12/2016 11:33:00 +07:00

Hỗ trợ lao động nữ mất việc làm, trang bị vũ khí cho bảo vệ rừng, chậm nộp tiền phạt bị tính lãi, giới hạn tiếng ồn tại nơi làm việc... là những quy định nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2016.

1. Ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng

Nghị định 142 về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 1/12 nêu rõ, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm ngăn chặn các hành động gây nguy cơ xung đột thông tin trên mạng có nguồn gốc từ hệ thống thông tin của mình, cũng như hợp tác xác định nguồn gốc gây xung đột thông tin trên mạng, khắc phục hậu quả xung đột thông tin.

1

 Kể từ ngày 1/12, các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm ngăn chặn các hành động gây nguy cơ xung đột thông tin trên mạng.

Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng giữa hai hoặc nhiều tổ chức trong nước và nước ngoài sử dụng biện pháp công nghệ, kỹ thuật thông tin gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội...

2. Chậm nộp tiền phạt tính lãi 0,05% mỗi ngày

Thông tư 155 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 127/2013 về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan có hiệu lực từ ngày 1/12.

Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan mà chậm nộp tiền phạt so với thời hạn thi hành quyết định xử phạt, ngoài việc phải nộp đủ số tiền nộp phạt thì cứ mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

3. Hỗ trợ lao động nữ mất việc làm

Có hiệu lực từ ngày 4/12, Thông tư 152 của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, quy định: Với lao động nữ bị mất việc làm sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa một người 3 triệu đồng mỗi khóa học; hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng một ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng mỗi khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

Điều kiện hỗ trợ: Lao động nữ bị mất việc làm phải có một trong các giấy tờ như quyết định thôi việc, buộc thôi việc; quyết định sa thải; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; hợp đồng lao động đã hết hạn. Trường hợp lao động nữ làm việc không theo hợp đồng, khi bị mất việc làm cũng vẫn được hỗ trợ đào tạo nếu có giấy xác nhận của người sử dụng lao động...

4. Trang bị vũ khí cho bảo vệ rừng

Có hiệu lực từ 5/12, Quyết định 44 của Thủ tướng về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng quy định: Khi phát hiện hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ rừng trong phạm vi diện tích được giao, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với cán bộ, cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử lý theo quy định.

4

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách sẽ được trang bị vũ khí.

Trường hợp cần thiết, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được sử dụng công cụ hỗ trợ như các loại súng dùng để bắn đạn cao su, đạn hơi cay và đạn dùng cho các loại súng này; dùi cui điện, dùi cui cao su; các loại phương tiện xịt hơi cay; áo giáp, găng tay bắt dao; mũ chống đạn...

5. Chế độ BHYT khám, chữa bệnh đối với chiến sĩ công an

Thông tư 43 của Bộ Công an quy định biện pháp thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) có hiệu lực từ 9/12 quy định với cán bộ, chiến sĩ CAND khi khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định sẽ được thanh toán các chi phí sau: Chi phí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; Chi phí vận chuyển khi cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật; Chi phí khám, chữa bệnh ngoài phạm vi hưởng BHYT gồm có như thuốc, hóa chất, vật tư y tế được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và các dịch vụ kỹ thuật y tế theo chỉ định của chuyên môn.

6. Trung tâm y tế huyện sẽ có 15 khoa chuyên môn

Thông tư 37 của Bộ Y Tế hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành có hiệu lực từ ngày 10/12 quy định Trung tâm Y tế huyện sẽ có 15 khoa chuyên môn như sau: Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS; Khoa Y tế công cộng và Dinh dưỡng; Khoa An toàn thực phẩm; Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Khoa Khám bệnh/Phòng khám đa khoa; Khoa Hồi sức cấp cứu; Khoa Liên chuyên khoa (Răng Hàm Mặt - Mắt - Tai Mũi Họng); Khoa Nội tổng hợp; Khoa Ngoại tổng hợp; Khoa Nhi; Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng; Khoa Dược - Trang thiết bị - Vật tư y tế; Khoa Truyền nhiễm; Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn; Khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh.

Phạt tới 700 triệu khi làm giả hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ; hướng dẫn thanh toán bảo hiểm y tế đối với cán bộ, chiến sĩ công an... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 12.

7. Phạt nặng hành vi làm giả hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ

Nghị định 145 của Chính phủ ngày 1/11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108 ngày 23/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán, có hiệu lực từ 15/12.

Theo đó, Nghị định bổ sung quy định phạt tiền 400-700 triệu đồng đối với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Giới hạn tiếng ồn tại nơi làm việc

Thông tư 24 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ 1/12) quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn - mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc.

Theo đó, giới hạn cho phép mức áp suất âm theo thời gian tiếp xúc trong 1 phút không được vượt quá 112 dBA, trong 1 giờ không được vượt quá 94 dBA, trong 8 giờ không được vượt quá 85 dBA

Giới hạn cho phép mức áp suất âm tại các vị trí lao động: Tại vị trí làm việc, lao động, sản xuất trực tiếp không được vượt quá 85 dBA; Các phòng chức năng, hành chính, kế toán, kế hoạch không được vượt quá 65 dBA; Các phòng lao động trí óc, nghiên cứu thiết kế, thống kê, lập chương trình máy tính, phòng thí nghiệm lý thuyết không được vượt quá 55 dBA.

9. Tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020

Quyết định 50 của Thủ tướng (có hiệu lực từ 20/12) về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 thì thôn đặc biệt khó khăn là thôn có một trong hai tiêu chí sau:

Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.

images853291_a

Tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 có hiệu lực từ 20/12.

Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 và có 2 trong 3 yếu tố sau (đối với các thôn có số hộ dân tộc thiểu số từ 80% trở lên, cần có một trong ba yếu tố).

Trục chính đường giao thông thôn hoặc liên thôn chưa được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới. 60% trở lên số phòng học cho lớp mẫu giáo chưa được kiên cố. Nhà văn hóa - khu thể thao thôn chưa có theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

10. 4 ngạch công chức quản lý thị trường

Chính phủ ban hành nghị định 148 (có hiệu lực từ 25/12) hướng dẫn chi tiết thi hành một số quy định của pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT).

Theo đó, công chức QLTT là người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào các ngạch công chức QLTT như sau: Kiểm soát viên cao cấp thị trường; Kiểm soát viên chính thị trường; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm soát viên trung cấp thị trường.

Công chức QLTT phải đảm bảo các tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể theo ngạch công chức QLTT.

Video: Đại biểu Quốc hội: Tỉnh nghèo còn xin xây trụ sở nghìn tỷ là đáng trách  

Nguyễn Vui
Bình luận
vtcnews.vn