10 năm, tranh chấp Biển Đông đã thay đổi về lượng và chất

Thời sựThứ Sáu, 09/11/2018 13:19:00 +07:00

Đánh giá về tình hình tại Biển Đông trong vòng 10 năm qua, các học giả nhất trí cho rằng tranh chấp Biển Đông đã thay đổi về lượng và chất.

Thông tin trên vừa được nêu ra tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần 10. Sự kiện do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp cùng Học viện Ngoại giao và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức.

Theo đó, sau phiên khai mạc diễn ra vào sáng 8/11, Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã tập trung thảo luận theo bốn phiên với các chủ đề: Biển Đông: Trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương; Biển Đông tiêu điểm: 10 năm nhìn lại; Lập trường và yêu sách của các bên: Tiếp nối và điều chỉnh; Các nước lớn: Can dự hay không can dự.

bd1

Các học giả tham dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần 10 nhất trí cho rằng tranh chấp Biển Đông sau 10 năm đã thay đổi về lượng và chất. 

Tại đây, hàng trăm học giả nổi tiếng trong và ngoài nước đã bày tỏ ý kiến về bối cảnh địa chính trị rộng lớn của khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương. Qua đó, đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược cạnh tranh địa chính trị, tổng kết những thay đổi trên thực địa của khu vực Biển Đông và điều chỉnh chính sách của các nước liên quan trong 10 năm qua.

Các học giả nhất trí về vị trí địa chính trị chiến lược của khu vực Biển Đông, cho rằng Biển Đông là điểm khởi đầu của những thay đổi lớn lao ở khu vực do nằm ở nơi giao kết giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là điểm trung chuyển từ lục địa Á - Âu ra đến đại dương.

bd7

Các học giả nhất trí về vị trí địa chính trị chiến lược của khu vực Biển Đông.

Tổng kết, đánh giá về tình hình tại Biển Đông trong 10 năm qua, các học giả nhất trí cho rằng tranh chấp Biển Đông sau 10 năm đã thay đổi về lượng và chất; ngày càng trở nên phức tạp và chứa đựng nhiều tầng nấc và là ví dụ nổi bật nhất về các tranh chấp trong khu vực.

Khu vực Biển Đông hiện là khu vực cạnh tranh địa chiến lược và địa chính trị giữa Mỹ - Trung Quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực như: Úc, Ấn Độ, Nhật Bản. Tranh chấp Biển Đông có quan hệ mật thiết với tranh chấp ở các khu vực biển lân cận khác, do đó tác động mạnh mẽ tới hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung tại khu vực.

Về chính sách của các nước đối với vấn đề Biển Đông trong 10 năm qua, các học giả đánh giá các nước giữa mức duy trì lập trường và có một số điều chỉnh nhất định, đặc biệt là sau phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016.

Các học giả đã đi sâu phân tích việc điều chỉnh chính sách đối với khu vực của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nga, Anh, Pháp và nhất trí cho rằng việc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc hiện nay là không có lợi cho ổn định khu vực.

Được biết, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần 10 diễn ra trong 2 ngày (8 và 9/11) tại TP Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 250 học giả, đại biểu trong và ngoài nước.

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn