10 năm đón Tết cùng hàng nghìn chú bồ câu ở Vườn chim Hòa Bình

Đời sốngThứ Hai, 31/01/2022 08:39:00 +07:00
(VTC News) -

Hơn 10 năm nay, ông Hải luôn đón Tết với hàng nghìn con bồ câu tại Vườn chim Hòa Bình, Công viên Biển Đông, Đà Nẵng.

Người Đà Nẵng gọi ông Lê Minh Hải (55 tuổi, nhân viên Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) là “cha nuôi” của hàng nghìn con bồ câu tại Vườn chim Hòa Bình.

Không dám nghỉ Tết vì sợ chim đói

Nhiều năm qua, người Đà Nẵng đã quá quen với hình ảnh ông Lê Minh Hải đều đặn sáng tối chăm sóc đàn bồ câu lên đến hàng nghìn con tại vườn chim Hòa Bình thuộc Công viên Biển Đông, quận Sơn Trà.

Theo ông Hải, vườn chim Hòa Bình này được TP Đà Nẵng lập nên từ năm 2008 để tạo điểm nhấn cho du khách theo mô hình một số quảng trường ở các nước Châu Âu.

Ban đầu, vườn chỉ có 200 bồ câu giống, trong đó có cả bồ câu lai Pháp. Tuy nhiên sau này chỉ còn bồ câu ta vì giống này mới thích nghi được với nắng nóng và gió biển. Đến nay, đàn chim dần sinh sôi lên đến hàng nghìn con, có lúc cao điểm đến 1.500 con.

10 năm đón Tết cùng hàng nghìn chú bồ câu ở Vườn chim Hòa Bình - 1

Ông Lê Minh Hải được người Đà Nẵng gọi là "cha nuôi" của hàng nghìn con chim bồ câu tại Vườn chim Hòa Bình.

Hàng ngày, công việc của ông bắt đầu vào lúc 6h để vệ sinh chuồng, kiểm tra tất cả xem có con chim nào bị bệnh hay bị chuột, mèo… tha mất hay không. Sau khi vệ sinh chuồng, thức ăn sẵn sàng trong xô, tầm 7h30, ông Hải thổi mấy hồi còi, đàn bồ câu y lệnh, cất cánh che kín cả vùng công viên. Trong chốc lát, cả nghìn con chim đủ màu sắc sà xuống sân, vây quanh ông chờ bữa sáng của “bố”.

Cho chim ăn phải đúng lịch biểu để tạo thói quen cho đàn cũng như đảm bảo sức khỏe cho chúng. Những ngày trời mù và mưa, chim ít xuống ăn hạt. Những lúc như vậy tôi rất lo vì có thể ngại mưa, chim không xuống nhưng cũng có thể chúng bị bệnh nên phải kiểm tra kỹ mới yên tâm được”, ông Hải cho biết.

Vì lịch cho chim ăn là cố định, những dịp lễ, Tết ông Hải không dám vắng mặt vì sợ chim nghe tiếng còi lạ, không chịu xuống ăn, bị đói, ốm và chết.

Năm nào cũng vậy, mùng 1 Tết là tôi đến vườn chim sớm hơn thường lệ. Cho chim ăn sáng xong tôi mới chạy hơn 40km về quê ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam thăm gia đình rồi lại lật đật trở ra Đà Nẵng để kịp cho chúng ăn tối. Khi chim về tổ, kiểm tra lại tất cả tôi mới tranh thủ đi thăm thú, chúc Tết bạn bè, bà con”, ông Hải nói.

Những ngày Tết, ngoài việc cho chăm sóc, cho chim ăn, ông Hải còn phải túc trực tại chuồng để thổi còi, điều khiển đàn chim cho du khách chụp hình kỷ niệm. Nhiều tấm ảnh cưới của các đôi uyên ương đã lấy bối cảnh tại Vườn chim Hòa Bình. Nhiều du khách đến Đà Nẵng cũng chụp lưu niệm, đem hình ảnh cánh chim bồ câu của Đà Nẵng đi khắp nơi trên thế giới.

10 năm đón Tết cùng hàng nghìn chú bồ câu ở Vườn chim Hòa Bình - 2

Những chú bồ câu bị bệnh được ông Hải kiểm tra, chăm sóc kỹ càng. 

11 năm chăm chim bồ câu ở Vườn chim Hòa Bình

Bén duyên với nghề nuôi chim từ năm 2010, thoáng chốc đã 11 năm trôi qua, giờ ông Hải xem đàn chim ở vườn chim Hòa Bình như những đứa con của mình.

Hơn 10 năm là “cha nuôi” của hàng nghìn con bồ câu ở Vườn chim Hòa Bình, chỉ nhìn dáng đi, nghe tiếng hót là ông Hải biết “tâm trạng”, sức khỏe của từng chú bồ câu.

Chỉ vào góc chuồng có 5 con bồ câu đang xù lông, đi khập khiễng, ông cho biết đó là những con đang bệnh, được cách ly riêng để mớm thóc, bơm thuốc cho chúng.

Nuôi bồ câu, ông lo nhất là những ngày mưa bão. Dù ông cùng cộng sự chằng chống chuồng trại, che chắn gió kỹ càng nhưng mỗi lần bão quét qua là đàn chim lại rơi rụng đôi phần.

Những ngày giông bão, chim bị cuốn theo luồng gió bay sâu vào trong thành phố. Nếu gặp người cho ăn, chúng sẽ ở lại. Rất nhiều đàn chim bồ câu trong phố là chim từ Vườn chim Hòa Bình này dạt vào. Người dân rất thích thú khi thấy bồ câu hiện diện khắp nơi ở Đà Nẵng. Vì thế, vườn chim bồ câu thể hiện tinh thần hòa bình, góp phần kiến tạo nên vẻ đẹp của thành phố”, ông Hải tự hào.

10 năm đón Tết cùng hàng nghìn chú bồ câu ở Vườn chim Hòa Bình - 3

Ông Hải thổi còi hiệu lệnh gọi bồ câu cho du khách chụp hình lưu niệm.

Cũng theo ông Hải, năm nay Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đầu tư thêm 100-200 con chim giống để tái đàn. Mục tiêu là đưa số lượng chim lên lại mốc 1.500 cá thể để nó thực sự trở thành biểu tượng của hòa bình như tên gọi của vườn chim này.

Về phần mình, tôi chỉ mong có đủ sức khỏe để ngày ngày được chăm sóc đàn chim. Niềm vui lớn nhất của tôi là được thấy Vườn chim Hòa Bình mãi đông đúc, ngày lại ngày được chăm sóc và ngắm chúng”, ông Hải chia sẻ.

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp