10 lợn béo ‘chết oan’ trong lễ cưới người Dao

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 09/02/2013 06:35:00 +07:00

(VTC News) - Tổng số thịt lợn phục vụ cho đám cưới là 1,1 tấn. Riêng gà thì không đếm xuể, phải có đến cả trăm con bị vặt lông.

(VTC News) - Tổng số thịt lợn phục vụ cho đám cưới là 1,1 tấn. Riêng gà thì không đếm xuể, phải có đến cả trăm con bị vặt lông.


Lên Sapa, anh Phạm Văn Thanh, lương y nổi tiếng đất Lào Cai bảo: “Ở xã Chung Chải có đám cưới của người Dao Đỏ thú vị lắm. Đám cưới của họ vui chả khác gì ngày hội của bản”. Rồi anh thuyết phục tôi đi bằng được.

Sáng sớm tinh mơ, khi mặt trời ngấp nghé rặng núi, chúng tôi vén mây tìm lên bản Vù Lùng Sung, trên độ cao 1.700m của dãy Hoàng Liên Sơn. Con đường dốc ngược, cứ vừa đi vừa đẩy xe máy bở hơi tơi mới tới nơi.

Mặc dù đến sớm, nhưng trong trong ngôi nhà lợp gỗ pơ-mua đen bóng, thấp thoáng sau những rặng vầu, những vườn hoa mận, hoa mơ bung nở trắng lan man, đám cưới của Lý A Kiều đã tiến hành từ lâu.

Ngoài sân, đám trai, gái ngồi nói chuyện rì rầm. Phía giữa sân, những chiếc ghế băng để trống. Những vị khách phương xa chúng tôi tiến về phía giữa sân ngồi, tức thì có mấy người lôi lại.

Cô dâu đứng ngoài hiên làm lễ đuổi mà ma 
Trên bậc thềm, cô dâu trong trang phục cưới rất kỳ lạ, đầu trùm kín bằng tấm vải, trông như cái máng lợn úp. Những dải lụa đỏ buông thõng xuống tận mặt đất. Cô dâu quay mặt vào trong nhà.

Bên trái cô dâu là một em bé đứng quay mặt ra sân. Bên phải là một cô gái, có lẽ là phù dâu, đứng cạnh săn sóc cô dâu.

Lý do mấy người vội vàng kéo chúng tôi ra khỏi khu vực đó, là vì thầy cúng đang làm lễ xua đuổi những chuyện đen đủi, không lành ra khỏi người cô dâu. Những thứ đen đủi đó sẽ chạy ra sân và rơi xuống thung lũng. Nếu ai đứng ở sân, ngay sau lưng cô dâu, thì sẽ phải hứng những đen đủi đó.

Nhà cô dâu ở xã Tả Phời. Đứng ở bản Vù Lùng Sung nhìn thấy đỉnh Tả Phời trong sương mờ, nhưng đi đường xe máy vòng vèo mất 60 cây số. Đồng bào Dao ở bản Vù Lùng Sung vẫn sang xã Tả Phời bằng con đường cắt rừng đi bộ.
Làm lễ báo cáo tổ tiên ở trong nhà 
Anh Lý Phủ Kinh niềm nở đón chúng tôi. Lý Phủ Kinh sinh năm 1976. Ngày hôm nay, anh chàng 37 tuổi này chính thức có con dâu. Thấy tôi ngạc nhiên vì anh lấy vợ sớm, rồi cậu con cũng lấy vợ sớm, Kinh bảo chuyện đó hết sức bình thường.

Lý Phủ Kinh gọi ông anh trai đến và bảo: “Anh trai mình hơn mình có 2 tuổi mà có 6 cháu nội, ngoại rồi nhé. 10 năm nữa là anh ấy sẽ lên chức cụ thôi. Ở bản mình, 50 tuổi lên chức cụ hết rồi”.

Kinh bảo: “Thằng Lý A Kiều nhà mình lấy vợ hơi muộn. Nó sinh năm 1993, năm nay sang tuổi 20 rồi. Vợ nó hơn 2 tuổi. Mình sang tận Tả Phời mới kiếm được cô con dâu tốt này đấy”.

Với đồng bào Dao nơi đây, chuyện dựng vợ, gả chồng là do cha mẹ quyết định. Những ngày dẫn lễ, ăn hỏi, chú rể cũng không biết vợ tương lai của mình là ai. Mẹ chú rể cùng dàn nhạc thổi kèn tò te tí, chiêng chống ầm ĩ đi đón dâu, chứ chú rể không được đến nhà gái. Đến tận sáng hôm ấy, khi cô dâu về nhà chồng, chú rể vẫn chưa biết mặt vợ. Cô dâu trùm kín mặt mũi để thầy cúng làm lễ.
 
Cô dâu quỳ rất lâu trước ban thờ để thầy cúng làm lễ 
Thầy cúng Lý Lẩu Ma bảo, theo tập quán người Dao, thì nhà trai đi đón dâu vào lúc nửa đêm về sáng. Thông thường, cô dâu được đón vào lúc 3-5 giờ sáng. Trước 6 giờ là phải có mặt ở nhà trai. Giờ giấc thế nào thì thầy cúng quyết định.

Đám cưới người Dao thường diễn ra vào mùa đông, vào lúc sáng sớm, khi trời còn tối, sương giá lạnh buốt, khi ma quỷ còn đang ngon giấc, sẽ không theo cô dâu về nhà chồng. Như vậy, cô dâu sẽ trở thành người vợ ngoan, con dâu đảm.

Cúng bái trong lễ cưới diễn ra vô cùng dài dòng, phức tạp. Có tới 3 thầy cúng làm lễ liên tục. Thầy cúng làm các nghi lễ để báo với các vị thần trong nhà rằng hãy chấp nhận cô gái là con dâu trong nhà, đừng xúi giục họ gây bất hòa, mất đoàn kết.

Sau khi thần linh chấp nhận cô dâu thì cô dâu được dắt vào trong nhà. Những dải lụa xanh đỏ treo rủ từ tận mái nhà xuống nền đất rất đẹp mắt. Cô dâu hết đứng lại quỳ trước ban thờ để thầy cúng tiếp tục làm lễ.
Chiêng, trống, kèn, la inh ỏi trong lễ cưới 
Một thầy cúng đọc lại lịch sử hình thành của người Dao, sự di cư của tổ tiên người Dao, sự vất vả của tổ tiên, để người Dao có được cuộc sống hạnh phúc, no ấm như ngày hôm nay.

Một thầy cúng ôm con gà trong tay, miệng đọc lời nguyền, rồi ông cầm dao cắt phăng cổ con gà, ném nó ra sân. Người ta tin rằng, làm như thế thì sẽ đuổi được con ma còn cố bám theo cô gái về nhà chồng.

Lễ cắt cổ gà xong, thì người nhà chú rể bê lên con lợn mới chọc tiết, moi lòng hồi sáng đặt trước ban thờ. Quanh con lợn là những chén rượu. Thầy cúng rót rượu tràn chén, mời tổ tiên uống rượu, ăn lợn. Người Dao tin rằng, tổ tiên được ăn uống no đủ, sẽ không gây khó dễ cho cô dâu.

Xong các nghi lễ này, chú rể sẽ từ trong buồng đi ra. Kèn, chiêng, trống kêu inh ỏi. Chú rể đi vòng quanh cô dâu mấy vòng, rồi đứng về phía bên phải. Sau một loạt nghi lễ nữa, thì tấm khăn khổng lồ trùm kín cô dâu mới được bỏ ra. Lúc này, cô dâu bẽn lẽn, ửng hồng đôi má. Đôi uyên ương chính thức biết mặt nhau.
Chú rể đi vòng quanh cô dâu 
Đến gần trưa thì các nghi lễ hoàn thành. Cô dâu sẽ xuống bếp, cùng bạn bè, người thân ăn uống linh đình. Những vị khách quý bên nhà gái sẽ được ngồi dưới bếp, cạnh bếp lửa, là nơi linh thiêng nhất trong nhà người Dao.

Lúc sớm, ở sân mới có lờ vờ vài người, nhưng gần trưa, đồng bào từ các ngả đường tập trung về nhà chú rể đông như trẩy hội. Ngót trăm mâm cỗ bày kín nhà Lý Phủ Kinh, kín nhà và sân người anh trai nữa.

Mọi người, gồm cả bản Vù Lùng Sung và họ nhà gái ăn uống no say từ trưa đến nửa đêm mới kết thúc đám cưới. Giữa nhà, là những chảo thịt lớn sôi ùng ục, bốc khói nghi ngút. Từng tảng thịt lớn được thả vào chảo. Cứ tảng thịt nào chín, lại vớt ra bổ sung cho các mâm cỗ đã vơi.

Ai ăn no, rượu say, thì nằm ra đất ngủ, hoặc về nhà ngủ, tỉnh dậy, thấy bụng đói thì lại đến nhà chú rể ăn, uống tiếp.
Chỉ đến khi thầy cúng làm xong lễ cưới, chú rể và cô dâu mới biết mặt nhau 
Anh Lý Phủ Kinh tâm sự: “Ngày xưa cưới mình cầu kỳ, phức tạp và tốn kém lắm, nhưng giờ rút gọn, đơn giản hơn nhiều rồi. Bây giờ người Dao ở bản mình chỉ ăn uống 2-3 ngày thôi”.

Để tổ chức cưới cho con trai Lý A Kiều, vợ chồng anh Kinh phải nuôi đàn lợn từ mấy năm trước. Ở bản Vù Lùng Sung, nhà nào cũng vậy, hễ có con trai lớn là phải nuôi cả đàn lợn để chuẩn bị. Nếu không có lợn, hoặc lợn chết vì dịch, thì vay anh em, hàng xóm. Đồng bào sẵn sàng cho vay và khi nào nuôi được thì trả.

Đám cưới Lý A Kiều mổ tổng số 7 con lợn béo, mỗi con nặng 1,5 đến 1,7 tạ. Tổng số thịt lợn phục vụ cho đám cưới là 1,1 tấn. Riêng gà thì không đếm xuể, phải có đến cả trăm con bị vặt lông.

Trước lễ cưới, tất cả số lợn được chọc tiết, xả thịt thành từng miếng, treo kín gác bếp, xung quanh nhà. Khách đến, nhìn thấy có nhiều lợn, nhiều thịt, thì không dám chê cười. Trông thấy nhiều thịt, khách ăn uống cũng thoải mái.
 
Rất nhiều gà, lợn "thiệt mạng" phục vụ lễ cưới của người Dao 
Người Dao không bày biện cỗ cầu kỳ như dưới xuôi, mà họ nấu nướng đến đâu ăn đến đó, nên món nào cũng nóng hổi. Thịt để sẵn đó, đội phục vụ làm việc cật lực ở nhà bếp để phục vụ mấy trăm người ăn nhậu suốt 2-3 ngày đêm.

Theo anh Kinh, đám cưới của con trai anh chỉ tốn kém ở mức trung bình. Nhiều gia đình chơi sang mổ tới 10 con lợn béo, thêm 1-2 con trâu hoặc bò nữa.

Tôi thắc mắc, với lượng thịt cả tấn như thế, ăn làm sao hết được, thì Lý Phủ Kinh bảo: “Không phải mình ăn hết đâu. Một con được xẻ thịt chia cho các thầy cúng rồi. Những người quan trọng bên nhà gái cũng được xách một cái đùi lợn về. Bạn bè nhà gái đưa dâu cũng được chia mỗi người vài kg thịt lợn”.

Lý Phủ Kinh dắt tôi vào buồng phía trong ngôi nhà rộng lớn. Tôi suýt choáng váng khi dọc bức tường dài dằng dặc treo toàn thịt lợn, mỗi miếng nặng cả chục kg.

Những miếng thịt máu me đỏ lòm này là phần quà gửi cho nhà gái. Riêng số thịt làm quà này cũng đến hàng tạ.

Dương Thụy Bình
Bình luận
vtcnews.vn