1 tỷ đồng/ngày họp Quốc hội: Chủ nhiệm VPQH nói gì?

Thời sựThứ Bảy, 30/11/2013 07:19:00 +07:00

(VTC News) – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, con số 1 tỷ đồng chi cho 1 ngày họp Quốc hội là không có cơ sở.

(VTC News) – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, con số 1 tỷ đồng chi cho 1 ngày họp Quốc hội là không có cơ sở.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc. (Ảnh: VNE) 
Tại buổi họp báo Công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII chiều 29/11, ông Nguyễn Hạnh Phúc Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự đề ra.

Trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến phiên thảo luận về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại kỳ họp này, có đại biểu Quốc hội đã phát biểu đây là kỳ họp kéo dài, mỗi ngày họp quốc hội tốn tới 1 tỷ đồng nên có thể cắt giảm 5-6 ngày để tiết kiệm trong chính việc họp Quốc hội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, chương trình kỳ họp được xây dựng qua nhiều quy trình, được gửi đến tất cả các đoàn đại biểu, các đại biểu để xin ý kiến, sau đó tập hợp ý kiến để hoàn chỉnh đề cương báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Được Thường vụ chấp thuận và được toàn thể Quốc hội biểu quyết thông qua một lần nữa tại phiên họp trù bị trước khi khai mạc rồi mới tiến hành thực hiện.

“Kỳ họp thứ 6 kéo dài hơn vì có nội dung công tác nhân sự. Làm nhân sự phải chặt chẽ, cẩn trọng, đúng quy trình. Ví dụ, chỉ một đề xuất xin tăng số lượng Phó Thủ tướng trong Chính phủ cũng cần một ngày cho đại biểu thảo luận, không thể làm gộp. Dù đại biểu mong muốn, Uỷ ban Thường vụ cũng tìm hướng giảm thời lượng họp nhưng không được…” – ông Phúc nói.

Về con số 1 tỷ đồng/ngày họp Quốc hội, theo ông Phúc là không có cơ sở. “Quốc hội họp tại Hội trường Bộ Quốc phòng là địa điểm được cho mượn, được miễn phí, không tính tiền, kể cả vấn đề phục vụ của lực lượng an ninh, hậu cần. Chúng ta chỉ phải lo chi phí ăn ở, đi lại cho đại biểu về họp như tiền khách sạn, xe đưa đón…” – ông Phúc phân tích.

Về thắc mắc Quốc hội không chọn Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn trong khi lĩnh vực này lại đang diễn ra nhiều bức xúc, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định, đã phát phiếu để xin ý kiến các đại biểu về trả lời chất vấn. Một nguyên tắc, chất vấn bộ trưởng nào thì bộ trưởng đó phải có câu hỏi chất vấn, rồi chọn trong số đại biểu nào có nhiều câu hỏi thì tổng hợp câu hỏi chất vấn đối với từng thành viên Chính phủ. Sau đó, sẽ theo các yếu tố, chọn từ cao xuống thấp, những vấn đề bức xúc, cử tri quan tâm, rồi chọn Bộ trưởng chưa đăng đàn bao giờ cả.

“Đây là cơ sở để báo cáo Quốc hội lựa chọn, hoặc sau khi chọn xong rồi báo cáo với các đại biểu, chọn lọc 5 vị bộ trưởng có nhiều câu hỏi nhất thì gửi cho đại biểu để chọn lấy 4. Bộ trưởng Y tế thì chỉ có 28 ý kiến, mà thấp nhất của các bộ trưởng khác thì trên 100 ý kiến, nên chúng tôi đã thiết kế trong phiên chất buổi sáng hôm đó có liên quan đến Bộ trưởng Y tế thì đề nghị Bộ trưởng Y tế trả lời, làm rõ thêm một số nội dung.”

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng đánh giá, đây là kỳ họp dài nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay – với thời gian kéo dài 39 ngày, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.

Ông Phúc cho biết, kết quả nổi bật của kỳ họp được thể hiện qua việc xem xét và thông qua Hiến pháp sửa đổi. Hiến pháp được Quốc hội thông qua gồm lời nói đầu, 11 chương, 120 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, được tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã xem xét thông qua 08 luật: Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật đất đai (sửa đổi); Luật thi đua, khen thưởng…

Theo ông Phúc, Luật đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân, thu hút được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước. Quốc hội đã dành tới 3 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến. Việc ban hành Luật đất đai (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hôi trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các dự án luật để làm cơ sở cho việc xem xét, thông qua tại kỳ họp, gồm: Luật xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật xây dựng (sửa đổi); Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật hải quan (sửa đổi)…

Đặc biệt, Quốc hội cũng đã xem xét báo cáo công tác năm 2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…về việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; về công tác phòng chống tham nhũng; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm...

Về chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; 7 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

Tại phiên họp lần này, Quốc hội cũng đã quyết định các vấn đề quan trọng. Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Quốc hội đã thảo luận các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015…

Về công tác nhân sự, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Nguyễn Văn Nên.

Quốc hội cũng đã tiến hành bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội.



Nam Minh

Bình luận
vtcnews.vn