Thứ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra đột xuất chợ truyền thống ở TP.HCM

Thị trườngThứ Tư, 21/07/2021 15:08:00 +07:00
(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương kiểm tra cung ứng hàng hóa ở 3 chợ truyền thống TP.HCM.

Sáng 21/7, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng các thành viên Tổ công tác của Bộ Công Thương đến kiểm tra việc tổ chức kinh doanh, giá cả hàng hóa tại 3 chợ ở TP.HCM gồm chợ An Đông (quận 5), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) và chợ Bình Thới (quận 11).

Ông Hải ghi nhận những nỗ lực của chính quyền các cấp, Sở Công Thương và các Ban quản lý chợ trên địa bàn TP.HCM. Bởi trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, thành phố vẫn có thể đảm bảo hoạt động chợ truyền thống, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu của người dân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra đột xuất chợ truyền thống ở TP.HCM - 1

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trò chuyện với tiểu thương chợ An Đông.(Ảnh: Báo Công Thương)

Đặc điểm của thành phố là các chợ truyền thống và chợ đầu mối trong điều kiện bình thường đáp ứng tới 70% nhu cầu cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu không những cho người dân thành phố, mà còn đáp ứng cho nhu cầu của các địa phương khác.

Khi các chợ truyền thống và chợ đầu mối không hoạt động sẽ tạo áp lực cung ứng lên kênh siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại. Vì vậy Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo UBND thành phố cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp để tạo điều kiện cho các chợ truyền thống mở cửa trở lại, nhằm giảm áp lực phân phối hàng hóa cho các kênh siêu thị và tạo điều kiện cho người dân khi mua hàng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra đột xuất chợ truyền thống ở TP.HCM - 2

Tiểu thương tại chợ Nguyễn Tri Phương thông tin tới đoàn công tác về đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng. (Ảnh: Báo Công Thương)

Theo ông Hải, thời gian qua tại thị trường TP.HCM có hiện tượng một số mặt hàng giá cao hơn bình thường và một số mặt hàng chưa đủ cung ứng cho nhu cầu cho người dân. Bộ Công Thương sẽ làm việc các Bộ, ngành liên quan cũng như các sở ngành của thành phố để tăng nguồn cung, đảm bảo giá cả hợp lý.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 dẫn tới có những nơi thiếu hàng hóa cục bộ và giá cả có thể tăng hơn so với điều kiện bình thường. Bộ Công Thương mong người kinh doanh, các hộ tiểu thương và người dân chia sẻ với khó khăn chung này. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý nghiêm tất cả những hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân”, ông Hải nhấn mạnh.

Chợ An Đông là chợ mở cửa xuyên suốt từ khi dịch bùng phát đến nay. Ban Quản lý chợ cho biết, chợ có khoảng 160 - 180 sạp kinh doanh. Ngày 17/7, có thông báo cho mở cửa chợ nhưng cũng chỉ có khoảng 15 - 20 sạp mở hàng kinh doanh với các mặt hàng rau xanh, củ, quả, thịt bò, thịt gà… Nguyên nhân khiến một số sạp hàng không thể mở cửa là do tiểu thương ở tỉnh lân cận vướng thực hiện Chỉ thị 16 không thể đến chợ; đồng thời, do tiểu thương ở trong các khu phong tỏa, cách ly, và một số tiểu thương lấy hàng chợ đầu mối Bình Điền, nhưng chợ này chưa mở.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, Ban Quản lý cũng vận động bà con tiểu thương đăng ký bán hàng online nhưng có khá ít tiểu thương tham gia. Hiện tại, chợ chỉ có khoảng 15 tiểu thương đăng ký bán online với các ngành hàng là rau, củ, quả, thịt bò, thịt gà… Theo đó, các tiểu thương đăng ký với Phòng Kinh tế quận để Phòng đưa thông tin lên trang thông tin của quận, từ đó người dân liên hệ tiểu thương để đặt hàng.

Hiện nay, tiểu thương gặp khó khăn do người dân chưa quen đặt hàng trực tuyến, đa số người dân vẫn muốn mua hàng trực tiếp, tận mắt chứng kiến hàng hóa và có thể trả giá theo ý mình… Tuy nhiên, do buôn bán trong mùa dịch nên Ban Quản lý yêu cầu cả người bán, người mua cần giao dịch nhanh chóng, hạn chế tiếp xúc quá lâu. Để khách hàng lựa hàng nhanh chóng, các tiểu thương còn phải thêm khâu chia hàng thành từng món nhỏ để khách đến chỉ cần lấy từng phần và trả tiền.

Để hỗ trợ tiểu thương trong mùa dịch, Ban Quản lý chợ cũng đã thống kê danh sách các tiểu thương đủ điều kiện nhận gói hỗ trợ thứ hai theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM. Tuy nhiên, muốn nhận được hỗ trợ, tiểu thương phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, phí, trong đó một số tiểu thương đang vướng mắc nghĩa vụ thuế nên vẫn đang chờ hướng dẫn từ Phòng Kinh tế quận.

Kiểm tra tại chợ An Đông, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng Ban Quản lý chợ cần bổ sung thêm nhiều quạt thông gió để đảm bảo an toàn không gian phòng chống dịch. Thứ trưởng cũng trực tiếp hỏi thăm tình hình buôn bán, nguồn hàng nhập cũng như giá cả hàng hóa của nhiều tiểu thương trong thời gian dịch diễn biến phức tạp.

Bằng Lăng
Bình luận
vtcnews.vn