Sách Tiếng Việt 1 không dạy chữ P: Chuyên gia ngôn ngữ nói gì?

Diễn đànThứ Tư, 02/03/2022 15:21:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia ngôn ngữ bày tỏ quan điểm khi sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P đang gây tranh cãi.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có dạy âm P (pờ) với tư cách âm đầu trong bài dạy âm Ph (phờ), chứ không dạy tách riêng.

Chữ P được dạy nhiều lần thông qua ngữ liệu như: đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,… (trang 78, 118, 120, 124,… tập 1). Đồng thời, ở trang số 12, tập 1 sách Tiếng Việt 1, các nhà biên soạn liệt kê đầy đủ 29 chữ cái theo đúng quyết định của Bộ GD&ĐT.

Về băn khoăn nếu không dạy chữ P thì nhiều học sinh thiểu số sẽ không thể biết để đọc tên riêng địa danh hay tên gọi, TS Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tên riêng thông thường không dùng trong phần dạy phát triển vốn từ và âm P thường phổ biến với các từ mượn.

Sách Tiếng Việt 1 không dạy chữ P: Chuyên gia ngôn ngữ nói gì? - 1

Một số nhà giáo phản ánh sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy bài chữ P độc lập.

Bà đưa ra hai lý do. Thứ nhất, âm P xuất hiện trong một số ít địa danh (Sa Pa, Pò Hèn), trong khi đó tên riêng, tên địa danh thì không dùng trong phần dạy phát triển vốn từ. Thứ hai, âm P chỉ xuất hiện trong các từ mượn chưa được Việt hóa (a-pa-tít, pít-tông…), mà với học sinh lớp 1, mới chỉ đi học được 5 - 6 tuần, chưa đủ sức để hiểu những từ này. 

Do vậy, theo chuyên gia ngôn ngữ này, cách xử lý trên ở sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối là đúng, có thể chấp nhận được, phù hợp với thực tế.

Bà cũng dẫn chứng thêm, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của Bộ GD&ĐT theo chương trình Tiếng Việt năm 2000 được sử dụng trong 20 năm qua cũng theo cách như vậy, thậm chí ngay sách "Em học vần" ở miền Nam trước năm 1975 cũng như thế.

"Trong khoa học, khi xuất hiện những điều mới, phá lệ quy chuẩn cũ luôn gây ra những tranh cãi trái chiều. Chúng ta không nên quy kết nặng nề quá mức, bởi hầu hết trẻ hiện nay đều  tự nhận biết và đọc được 29 chữ cái từ bậc mầm non, trước khi vào lớp 1", TS Hồng nói và nhận định, nhìn theo hướng tích cực thì đây cũng là cách làm giảm tải bớt kiến thức cho học sinh.

Học sinh vẫn học chữ P bình thường

Cô Nguyễn Ngọc Mai Hương, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết, lớp cô chủ nhiệm đang dạy sách Tiếng Việt lớp 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Cô khẳng định chữ "P" vẫn được đưa vào trong chương trình học như bình thường, không có chuyện bị bỏ đi như một số nhà giáo lo lắng.

"Tuy bài chữ P không được tách riêng ra dạy như sách cũ nhưng trong bài học chữ Ph vẫn được nhắc đến với vai trò chữ cái độc lập, ghép giữa P và H. Đồng thời, trong sách hướng dẫn giáo viên triển khai các nội dung trong Tiếng Việt 1 vẫn yêu cầu cho học sinh đọc chữ P tạo thành tiếng", cô nói.

Sách Tiếng Việt 1 không dạy chữ P: Chuyên gia ngôn ngữ nói gì? - 2

Như sách Tiếng Việt 1 trước đây, chữ P được dạy thành 1 bài độc lập. Trong bài đưa ra ví dụ khi ghép với nguyên âm tạo thành các tiếng như "p-i-pi", "p-a-pa". Tuy nhiên những từ này đều là mượn tiếng phiên âm từ các từ nước ngoài hoặc từ không có nghĩa, học sinh rất khó hình dung ra. Do đó, khi đưa chữ P ghép với chữ H dạy trong bài vần Ph là hợp lý. Học sinh dễ hiểu và giáo viên không mất nhiều công giải thích những từ mượn.

"Việc dạy chữ P độc lập hay lồng ghép không ảnh hưởng đến chất lượng học. Bởi thực tế trong quá trình học, khi đọc đến đoạn văn ở trang 105, học sinh vẫn đọc được từ "Sa Pa" dù không được học bài riêng cho chữ P. Mặt khác, chữ P ít dùng riêng nên có thể vì thế sách Tiếng Việt bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là điều dễ hiểu và hoàn toàn chấp nhận được", cô nhấn mạnh.

Từng có kinh nghiệm 2 năm liên tiếp dạy Tiếng Việt 1 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, cô Hà Thị Loan, giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, đây là sự tối giản mang tính thực tiễn cao. P là chữ cái độc lập, nhưng nó thường kết nối với chữ cái H để tạo thành phụ âm, rất hiếm những từ có nghĩa chỉ nguyên chữ P đứng đầu (chỉ có một số từ mà chữ P đứng đầu như: pằng pằng, hay tên một số địa danh Sa Pa, Pa Nậm...). Tương tự chữ Q cũng vậy, không đứng một mình mà thường Qu", cô nói và ủng hộ việc tinh giản này của chủ biên sách.

Trước những băn khoăn về việc nếu không dạy chữ P thành một bài độc lập sẽ ảnh hưởng đến học sinh, cô Loan cho biết: "Trong 2 năm dạy học sách mới, tất cả học sinh đều dễ dàng đọc được chữ P và Ph. Một phần vì các em đều được biết chữ P từ bậc mầm non, phần khác trong quá trình dạy giáo viên đều lồng ghép trong các từ Sa Pa, hang Pác Pó, cục pin... học sinh nhẹ nhàng tiếp nhận qua từng bài học". 

Trước đó, thầy Đào Quốc Vịnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - từng gửi thư phản ánh lên Bộ trưởng GD&ĐT về việc sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P độc lập. Ông đề xuất Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan hữu vào cuộc yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bổ sung ngay việc dạy chữ P và đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái Tiếng Việt đã được pháp luật quy định.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn