Quy định về miễn nhiệm, từ chức với cán bộ: Bịt kẽ hở, không để kẻ xấu lợi dụng

Chính trịThứ Hai, 15/11/2021 11:38:00 +07:00
(VTC News) -

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng quy định mới của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức với cán bộ đã bịt các kẽ hở, không để kẻ xấu lợi dụng.

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thay thế cho quy định đã có trước đó hơn 10 năm với nhiều thay đổi lớn.

VTC News có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (đại biểu Quốc hội khoá XV, Ủy viên Hội đồng Trung ương của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) để làm rõ hơn ý nghĩa của quy định mới lần này.

Quy định về miễn nhiệm, từ chức với cán bộ: Bịt kẽ hở, không để kẻ xấu lợi dụng - 1

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi. (Ảnh: VNN)

- Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này có điểm mới gì, thưa ông?

Quy định về miễn nhiệm, từ chức các nước đã làm từ lâu, thậm chí chúng ta hay nói họ đã hình thành “văn hoá từ chức”. Ở Việt Nam, Bộ Chính trị cũng đã có những quy định như vậy từ năm 2009, cách đây hơn 10 năm.

Lần này trên cơ sở những kinh nghiệm quốc tế và tổng kết thực tiễn từ việc thực hiện Quy định năm 2009, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41 về miễn nhiệm, từ chức. Việc này có thể gọi là một bước tiến mới, quan trọng.

Mới ở chỗ, thứ nhất, quy định kế thừa những bài học tốt đã đạt được trong việc thực hiện những quy định trước đó của Bộ Chính trị.

Thứ hai, trong thời gian qua, chúng ta càng hội nhập sâu rộng để phát triển kinh tế thì những vấn đề về công tác cán bộ, về thể chế, quản trị đất nước, chúng ta cũng học hỏi được nhiều và tôi cho rằng điều này cũng ảnh hưởng đến quy định lần này.

Thứ ba, từ những bài học chưa thành công đã được tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời xuất phát từ những tư duy, quan điểm mới của Đảng về công tác cán bộ trong các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII và gần đây nhất là Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa thách thức và cơ hội đan xen thì yêu cầu đặt ra là cần thay đổi nhận thức và cách đánh giá cán bộ nhằm tăng cường tính trách nhiệm của cán bộ, cũng như sự lựa chọn cán bộ để rèn luyện theo những yêu cầu phẩm chất mới.

Mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau Đảng lại yêu cầu một hệ thống cán bộ với những phẩm chất mới và những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn về chất lượng cán bộ.

- Quy định này có thể tạo ra những thay đổi thế nào về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thưa ông?

Tôi cho rằng quy định lần này đã gói ghém khá nhiều vấn đề. Tuy nhiên, về đại thể, mặc dù trong quy định đã có những chi tiết và đặc biệt là sự thay đổi về lượng và chất nhưng để quy định mới này có thể áp dụng vào hoạt động của các tổ chức đảng và hệ thống cơ quan quản lý nhà nước một cách thành công, tránh có sự lợi dụng thì vẫn phải có hướng dẫn thực hiện.

Bởi, trong quy định không thể nói dài được, nhưng lần này đã nêu được những tiêu chí để nhận diện, những căn cứ để miễn nhiệm, thời hạn miễn nhiệm, thời điểm miễn nhiệm và điều kiện miễn nhiệm là rất tốt.

Song, hiểu bản chất của từng tiêu chí là gì thì vẫn cần phải có một hướng dẫn chi tiết. Có hướng dẫn là để chúng ta khống chế khả năng làm trái, vì nhiều khi vận dụng không khéo, có thể vẫn dựa vào tinh thần của quy định nhưng vận dụng lệch lạc và ngụy biện nó thì đôi khi lại “phản tác dụng”, thậm chí gây mất đoàn kết nội bộ, biến thành một công cụ của những “nhóm cơ hội”.

- Việc Bộ Chính trị quy định cụ thể 6 căn cứ xem xét miễn nhiệm và 4 căn cứ xem xét từ chức. Phải chăng, những điều này sẽ bịt được những lỗ hổng của các quy định trước đây?

Về miễn nhiệm, trước kia có tình trạng cán bộ có khuyết điểm, gây hậu quả nhất định, chuẩn bị bị kỷ luật miễn nhiệm thì cán bộ đó lại làm đơn xin từ chức.

Hành vi đó có thể hiểu là cán bộ đã hối cải, tự nhận ra khuyết điểm và đồng ý với tổ chức nhưng tự nhận cho mình một hình thức kỷ luật nhẹ hơn. Tuy nhiên, đôi khi việc từ chức ở Việt Nam người ta nghĩ đến một khía cạnh khác, đó là cán bộ đó chẳng có khuyết điểm gì nhưng anh ta không thích làm nữa. Do vậy, dễ tạo ra một sơ hở.

Quy định nêu rất rõ là những trường hợp đã xác định cần miễn nhiệm thì phải miễn nhiệm chứ không được phép từ chức.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Chính vì thế, lần này quy định nêu rất rõ là những trường hợp đã xác định cần miễn nhiệm thì phải miễn nhiệm chứ không được phép từ chức.

Tôi cho rằng đây là quy định để bịt những lỗ hổng, tránh việc lợi dụng. Bởi vì những kẻ cơ hội thường tìm cách lợi dụng những “kẽ hở” trong quy định của pháp luật. Nếu “đan dày” lại, không có kẽ hở nữa thì những kẻ có tư tưởng xấu cũng không thể “rón rén bằng đầu ngón chân” để lách vào các kẽ hở của pháp luật được.

Về vấn đề từ chức, thì tổ chức phải nắm được những dấu hiệu để nhận biết cán bộ vi phạm ở mức độ miễn nhiệm hay từ chức.

Từ chức nói đúng khái niệm là người đó tự nguyện, tự giác nhận thấy khuyết điểm của mình và tự giác sửa chữa bằng cách tự từ chức.

Để tránh chuyện khi cán bộ có khuyết điểm rõ mười mươi rồi nhưng anh ta khôn khéo, không chịu từ chức thì quy định lần này nói rất rõ là có thể trao đổi và gợi ý để cán bộ vi phạm phải thấy được khuyết điểm của mình một cách thật sự.

Đây là tính nhân văn của các tổ chức đảng. Những gợi ý đó để đảng viên vi phạm không cố tình hoặc không chống lại các nguyên tắc của tổ chức; từ chức một cách tự nguyện chứ không phải một sự áp đặt, không phải là một sự yêu cầu có tính chất sức ép.

Có một điều cần chú ý đó là lâu nay đảng viên bị kỷ về đảng thì gần như tất cả các chức vụ khác đều mất. Chính điều này ở mặt trái của nó khiến cho người đảng viên “ngoan cố” đến cùng.

- Quy định lần này cũng cho cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định, thưa ông?

Các cụ ta có câu “sông có khúc, người có lúc”, “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”. Có người lúc này có thể chưa tốt nhưng sau đó họ nhận thức được, họ có thể thay đổi tốt hơn.

Có người khi bình bình lúc nào cũng tốt trong mọi mặt trận nhưng khi COVID-19 xảy ra lại bộc lộ nhiều điều, chỉ cần thiếu tinh thần trách nhiệm, phong cách lãnh đạo thiếu quyết liệt thì không thể nào chiến thắng được “kẻ địch vô hình”.

Tương tự như thế, người đảng viên có thể đã vấp phải lỗi lầm, có thể do ý thức, có thể do bản chất, có thể do động cơ, cũng có thể do bối cảnh bởi bối cảnh đôi khi là yếu tố tác động rất ghê gớm.

Trong trường hợp như thế, nhờ sự nhân đạo, tính nhân văn của Đảng, sự giáo dục tiếp tục của Đảng trong môi trường mới, người đảng viên bị vướng vào khuyết điểm có thể trở nên tốt hơn và có ích hơn ở những mặt trận khác.

Làm tốt điều đó càng cho thấy tác dụng của kỷ luật Đảng, chứng tỏ rằng công cụ giáo dục của Đảng có hiệu quả, thể hiện tính nhân văn và logic của vấn đề.

- Như ông đã nói việc từ chức ở một số nước đã trở thành “văn hoá”, liệu quy định này có thể mở đường để tạo ra một thông lệ, thói quen với cán bộ ở nước ta?

Như đã nói, ngoài Quy định 41 theo tôi cũng cần tiếp tục có thêm những quy định khác ở những văn bản khác để bảo đảm tính nhân văn cao hơn nữa, bảo đảm tính giáo dục của Đảng, tính tổ chức của Đảng tốt hơn.

Quy định về miễn nhiệm, từ chức với cán bộ: Bịt kẽ hở, không để kẻ xấu lợi dụng - 2

nguyen chu hoi.jpeg

Từ việc thay đổi thói quen xấu không chịu từ chức dần dần có thể sẽ đi đến mức độ cao hơn, đó là “văn hóa từ chức”.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Nếu làm như vậy thì “thói quen” không chịu từ chức, thậm chí “ngoan cố” không chịu từ chức sẽ được thay đổi. Bởi vì “kỷ luật tự giác chỉ bắt nguồn từ kỷ luật bắt buộc”, sự bắt buộc đến mức nào đó, đến ngưỡng nào đó thì sẽ chuyển hóa thành kỷ luật tự giác.

Những thay đổi này sẽ làm thay đổi “thói quen” xấu là không chịu từ chức và đặc biệt, từ việc thay đổi thói quen xấu đó dần dần có thể sẽ đi đến mức độ cao hơn, đó là “văn hóa từ chức”.

- Quy định lần này cũng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong miễn nhiệm, từ chức?

Quy định lần này cũng nêu trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng để sáng tỏ hơn và dễ thực hiện, dễ vận dụng hơn trong thực tế, tôi nghĩ Bộ Chính trị nên ra quy định riêng về trách nhiệm của người đứng đầu.

Ở đây người đứng đầu chưa nói là có khuyết điểm gì hay chưa nhưng để cấp dưới quá yếu kém, nhiều cán bộ cấp dưới bị miễn nhiệm hoặc phải từ chức thì người đứng đầu cũng phải bị xem xét. Chuyện này không phải của nước ta mới nghĩ đến mà các hệ thống chính trị khác đều có.

Lần này quy định đã bổ sung, sử dụng các kết quả miễn nhiệm, từ chức của cán bộ cấp dưới để lượng hóa năng lực, đánh giá thành quả lãnh đạo của người đứng đầu trực tiếp. Lãnh đạo, ngoài những công việc cụ thể, cũng phải quản lý cán bộ của mình, nếu cán bộ cấp dưới yếu kém thì người đứng đầu cũng không đạt được thành tựu.

- Về quy trình, lần này quy định yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, từ chức không quá 15 ngày. Điều này phải chăng sẽ tránh được những tiêu cực sau đó, thưa ông?

Trước đây, việc xác định tại sao phải miễn nhiệm, tại sao từ chức rất trừu tượng, để xác minh và đưa vào khuôn là rất mất thời gian, nhưng lần này Quy định 41 “lượng hoá” được với những tiêu chí rõ ràng, đơn giản thì việc quy định thời gian sẽ tránh được từ một tiêu cực này lại có thể xuất hiện một tiêu cực khác.

Trong thực tiễn, vi phạm của cán bộ lãnh đạo thường có tính chất quá trình chứ không phải đột xuất. Nếu vi phạm đột xuất thì xử lý rất dễ, ở đây nói đến năng lực lãnh đạo thì phải được nhìn nhận theo chuỗi thời gian, một quá trình.

Thứ hai, phải nhìn nhận cán bộ trong các mối quan hệ khác. Có một câu nói đùa rằng ở Việt Nam thì “chân lý là ý thủ trưởng”, tức là bao nhiêu người góp ý cũng mặc kệ, ý thủ trưởng vẫn là quyết định cuối cùng. Cho nên, quy định này sẽ loại bỏ những tiêu cực kéo theo chứ không chỉ để nhanh hay chóng.

Nhiều khi luật pháp, chính sách của chúng ta đúng nhưng tổ chức thực hiện lại yếu. Cho nên ngay từ đầu tôi đã nói quy định mới lần này rất hay, rất tốt vì đã kế thừa thành tựu, những bài học của giai đoạn trước đây, đồng thời kế thừa được kinh nghiệm quốc tế. Nhưng xin nhắc lại là vẫn cần phải có hướng dẫn chi tiết kèm theo để áp dụng và để cả những người làm tổ chức đối chiếu, tránh việc mỗi người hiểu một ý và vận dụng khác nhau.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Trường(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn