Những địa phương tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4 mức thấp

VaccineThứ Tư, 29/06/2022 14:40:00 +07:00
(VTC News) -

Các địa phương tỷ lệ tiêm mũi 3, 4 thấp là Khánh Hòa, Bình Thuận, Sóc Trăng, Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Kạn.

Ngày 29/6, Bộ Y tế cho biết, theo thống kê của Chương trình tiêm chủng Quốc gia, tính đến hết 28/6, cả nước tiêm được 44.867.465 mũi vaccine nhắc lại lần 1 (mũi 3) tương đương tỷ lệ 66,8%.

Các tỉnh tỷ lệ tiêm cao trên 90% là: Ninh Bình (90,9%); Thanh Hóa (93,3%); Bắc Giang (95,3%), Bến Tre (91,8%). Các tỉnh tỷ lệ tiêm thấp, dưới 45%: Khánh Hòa (41,8%); Bình Thuận (34,7%); Sóc Trăng (38,3%); Cà Mau (37,7%); Hậu Giang 35,1%), Đồng Nai (43,4%).

Về kết quả tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4), cả nước mới chỉ tiêm được 3.831.205 mũi (đạt tỷ lệ 5,7%).

Các tỉnh tỷ lệ tiêm cao gồm: Bắc Giang (23,1%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).

Các tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp gồm: Phú Thọ (1,1%); Hải Dương (1,6%); Bắc Kạn (0,3%); Nghệ An (1,2%); Quảng Nam (0,9%); Bến Tre (1,7%).

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 18.129.535 liều (Mũi 1: 8.976.997 liều; Mũi 2: 8.623.875 liều; Mũi nhắc lại lần 1: 528.663 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 7.652.649 liều (Mũi 1: 5.760.795 liều; Mũi 2: 1.891.854 liều).

Những địa phương tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mũi 4 mức thấp - 1

Tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai. (Ảnh: Suckhoedoisong.vn)

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới vẫn khó lường, khả năng xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, tiêm vaccine vẫn được coi là vũ khí chiến lược để phòng, chống dịch bệnh. Việc người dân tiêm mũi 3 và 4 khi đủ thời gian là cần thiết.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, SARS-CoV-2 là virus liên tục được tiến hóa và khó xác định được tính chất nguy hiểm. Trong khi Omicron hiện nay tuy là biến thể phổ biến nhất trên thế giới nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng, việc xuất hiện biến thể mới là hoàn toàn có khả năng. Miễn dịch có được sau mắc COVID-19 hay sau tiêm vaccine đều không bền vững, do đó việc tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 sau từ 4 - 6 tháng là cần thiết.

Vaccine COVID-19 khác với một số vaccine đậu mùa, sởi, bại liệt hay viêm não Nhật Bản B... Nếu như những vaccine này có miễn dịch cao, bền vững, gần như suốt đời, thì vaccine COVID-19 lại khác. Người tiêm vaccine COVID-19 sau một thời gian từ 4-6 tháng, miễn dịch giảm dần, sức chống đỡ trước bệnh tật cũng giảm. Thậm chí người tiêm rồi vẫn có thể mắc COVID-19, đặc biệt là nhóm mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người già…

TS.BS Vũ Minh Điền cũng nhận định, hiện nay các loại vaccine COVID-19 thế giới đang có như Pfizer, Moderna, Astrazeneca, Shinopharm... đều được sản xuất với thời gian ngắn và sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để phòng, chống COVID-19. Qua theo dõi và nghiên cứu cho thấy, khả năng bảo vệ của các loại vaccine này đều rất cao, khoảng trên 80%, nhưng hiệu lực bảo vệ sau tiêm lại không bền vững.

Trong khi đó, đặc điểm của SARS-CoV-2 là ngày càng nhiều biến chủng hơn xuất hiện, xu hướng lây lan nhanh hơn chủng cũ. Vì vậy, việc tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 như mũi 3 và 4 là rất cần thiết.

Các chuyên gia cho rằng, người đã tiêm vaccine không may mắc COVID-19, bệnh sẽ nhẹ hơn, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong, từ đó giúp hệ thống y tế bị quá tải. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vaccine COVID-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh khi biến chủng Omicron vẫn chiếm ‘ưu thế’ trên thế giới.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp