Người đàn ông bị biến dạng dương vật sau khi bơm silicon để tăng kích thước

Tin tứcThứ Ba, 23/03/2021 11:45:59 +07:00
(VTC News) -

Sau 3 tháng bơm silicon vào dương vật, silicon lan xuống gốc dương vật và bìu khiến người đàn ông khó chịu, sinh hoạt tình dục khó khăn.

Sáng 23/3, Bệnh viện Đa khoa Trung ương (ĐKTƯ) Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại Thận - Tiết niệu vừa phẫu thuật thành công tạo hình dương vật do biến chứng tiêm silicon lỏng vào dương vật.

Người đàn ông bị biến dạng dương vật sau khi bơm silicon để tăng kích thước - 1

Các bác sĩ phẩu thuật cho anh Đ. (ảnh: BVCC)

Bệnh nhân N.V.Đ. (43 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) đến khám tại Phòng khám Nam khoa Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ do căng tức, khó chịu vùng da dương vật và sinh hoạt tình dục khó khăn.

Khoảng 7 tháng trước, anh thấy bạn mình tiêm silicon lỏng vào dương vật để làm tăng kích thước. Thấy vậy, anh Đ. cũng tiêm silicon vào da hai bên dương vật. Anh Đ. thấy da dương vật săn chắc hơn, tăng khoái cảm.

Khoảng 3 tháng sau, anh Đ. nhận thấy khối silicon tiêm lan xuống gốc dương vật và bìu kèm theo cảm giác căng cứng, biến dạng dương vật, bìu, da quy đầu cứng không tuột xuống được. Anh cảm thấy khó chịu, sinh hoạt tình dục khó khăn.

Các bác sĩ lấy gần hết mô bị silicon bám chặt vùng quanh dương vật, bìu, gốc dương vật và tạo hình lại da dương vật cho anh Đ. trong 120 phút.

Sau phẫu thuật ngày thứ năm, bệnh ổn định tâm lý, vết mổ khô, thông tiểu ra nước tiểu vàng trong. Việc dùng silicon nhằm làm tăng kích thước các bộ phận trên cơ thể được cả nam giới và nữ giới tìm hiểu và có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, tuyệt đối không tự ý bơm silicon dạng lỏng vào cơ thể nói chung và dương vật nói riêng, đặc biệt là những loại silicon không rõ nguồn gốc, trôi nổi ngoài thị trường.

“Việc tiêm silicon lỏng vào dương vật để tăng kích thước dễ xảy ra các biến chứng như biến dạng, cương đau dương vật làm sinh hoạt tình dục khó khăn dẫn tới chứng rối loạn cương. Trường hợp nặng hơn có thể nhiễm trùng, hoại tử da dương vật, hoại tử tinh hoàn,… Nếu silicon lỏng đi vào máu sẽ gây tắc mạch và có nguy cơ tử vong”, Bs.CK2 Nguyễn Phước Lộc – Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu (Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ) thông tin.

THANH TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn