Lãi cho vay mua nhà ngân hàng nào ưu đãi nhất tháng 6/2022?

Thị trườngThứ Bảy, 11/06/2022 12:06:40 +07:00
(VTC News) -

Tháng 6 lãi suất cho vay mua nhà tại nhiều ngân hàng gần như không đổi so với tháng trước, ngoài Shinhan Bank có động thái tăng lãi suất cho vay.

MSB đang có lãi suất vay mua nhà ưu đãi nhất trong số 13 ngân hàng, ghi nhận ở mức 4,99%/năm. Mức lãi suất ưu đãi này được áp dụng trong 3 tháng đầu của khoản vay. Từ tháng thứ 4 trở đi, khách hàng sẽ trả lãi theo quy định của ngân hàng. Mức cho vay tối đa tại MSB khá cao, lên đến 90% giá trị tài sản đối với tài sản đảm bảo có sẵn. Trường hợp tài sản đảm bảo là tài sản hình thành từ vốn vay thì khách hàng sẽ được hỗ trợ vay tối đa là 80% giá trị. Nhằm hỗ trợ tối đa nhu cầu vay cũng như giảm bớt gánh nặng tài chính, ngân hàng cho phép thời gian vay tối đa kéo dài tới 35 năm.

Tiếp đến là tại ngân hàng PVcomBank với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. Lãi suất phải trả ở các tháng sau đó là 12%/năm. Thời gian cho vay tối đa tại ngân hàng này là 20 năm. Ngân hàng cho phép khách hàng vay tới 85% giá trị tài sản đảm bảo.

Lãi cho vay mua nhà ngân hàng nào ưu đãi nhất tháng 6/2022? - 1

Lãi cho vay mua nhà ngân hàng nào ưu đãi nhất? (Ảnh minh hoạ).

Theo sau đó là ngân hàng TPBank với lãi suất vay ngân hàng mua nhà từ 5,9%/năm. Hạn mức cho vay tại TPBank khá cao lên tới 90% phương án vay vốn. Bên cạnh đó thời gian cho vay tối đa tại đây cũng lên đến 30 năm.

Bên cạnh các ngân hàng kể trên, khách hàng cũng có thể tham khảo lãi suất cho vay ở một số ngân hàng như: Woori Bank (6,1%/năm), Hong Leong Bank (6,19%/năm), BIDV (6,2%/năm), HSBC (6,2%/năm), UOB (6,49%/năm)...

Ngân hàng VIB tiếp tục triển khai gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi khá cao là 8,5%/năm. Tuy nhiên thời hạn cho vay tại ngân hàng này dài tới 30 năm cũng như giá trị cho vay cao tới 90% tài sản đảm bảo.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 4, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) của các tổ chức tín dụng đạt hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.

Hiện khoảng 94% dư nợ tín dụng BĐS là cho vay trung, dài hạn (10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. NHNN nhìn nhận chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này đem lại rủi ro rất lớn cho các ngân hàng.

Tính đến cuối năm 2021, Techcombank là ngân hàng cho vay kinh doanh BĐS nhiều nhất với dư nợ 95.913 tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Tỷ trọng này ở mức rất cao khi khảo sát cho thấy, không ngân hàng nào có tỷ trọng dư nợ cho vay kinh doanh BĐS vượt quá 30%.

Dư nợ cho vay kinh doanh BĐS của ngân hàng này cũng đã tăng 4.500 tỷ đồng so với năm 2020 nhưng tỷ trọng lại giảm hơn 5,3 điểm %. Thực tế, việc số dư cho vay kinh doanh BĐS tăng lên mà tỷ trọng lại giảm xuống xuất hiện ở hầu hết ngân hàng.

Ngoài Techcombank, Sacombank cũng thông báo tạm dừng cho vay lĩnh vực BĐS đến hết tháng 6. Năm 2021, dư nợ cho vay BĐS của Sacombank chiếm khoảng 22% tổng dư nợ (tương đương hơn 85.000 tỷ đồng). Trong đó, cho vay người dân xây, sửa nhà chiếm đến 60%. Cho vay phát triển dự án chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Tỷ trọng dư nợ cho vay kinh doanh BĐS đạt trên 20% còn có Eximbank và VietBank. Eximbank cho vay BĐS gần 28.700 tỷ đồng, trên gần 114.700 tỷ đồng tổng dư nợ cho vay khách hàng (đạt tỷ lệ 25%).

Còn VietBank có mức dư nợ cho vay trong lĩnh vực BĐS chỉ là khoảng 10.900 tỷ đồng, nhưng vì dư nợ cho vay khách hàng ở mức trung bình (khoảng 50.530 tỷ đồng) nên tỷ lệ lên tới 21,6%.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp