Học sinh tiểu học Hà Nội đến trường: Nhiều phương án ứng phó

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 17/02/2022 07:50:00 +07:00

Các trường tất bật chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng đón học sinh lớp 1 đến lớp 6 các quận nội thành Hà Nội đến trường từ 21/2.

Từ sáng sớm hôm qua (16/2), tại Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), lực lượng kỹ thuật được huy động kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng. Đường truyền mạng cũng được nâng cấp để dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến ở tất cả các lớp học.

Trước đó, trường phun khử khuẩn, lau dọn bàn ghế sạch sẽ. Chỉ còn một số trang thiết bị y tế phải mua bổ sung như que xét nghiệm (test), máy đo nồng độ ô xy trong máu… Trường có khoảng 3.100 học sinh với 64 lớp do đó khâu chuẩn bị cũng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn.

Học sinh tiểu học Hà Nội đến trường: Nhiều phương án ứng phó - 1

Trường tiểu học Kim Liên, quận Ðống Ða sẵn sàng cơ sở để đón học sinh

Bà Nguyễn Linh Chi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, việc cho trẻ tới trường sau gần một năm học trực tuyến là mong mỏi lớn của thầy cô, nhà trường. “Qua khảo sát chỉ có 51% phụ huynh đồng ý cho con tới trường, 49% còn những tâm tư băn khoăn, lo ngại về dịch bệnh. Tuy nhiên, nhà trường sẽ cho họp phụ huynh ở tất cả các lớp để thông tin về lợi ích của học trực tiếp cũng như các phương án phòng dịch được chuẩn bị kỹ càng”, bà Linh Chi nói.

Phụ huynh không được dẫn con vào lớp do đó trường sẽ làm thẻ biển tên cho con. Lịch đón học sinh lớp 1 sẽ muộn hơn các khối khác khoảng 1 giờ và tập trung giãn cách ở sân trường để giáo viên đưa về lớp. Qua 1 - 2 ngày, quen với lớp học, lối đi, học sinh sẽ xuống xe ở cổng và tự đi vào lớp.

Bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, qua thăm dò, đa số phụ huynh mong mỏi con được đến trường vì đã học trực tuyến kéo dài. Tuy nhiên vẫn còn một số phụ huynh băn khoăn, lo con trở thành F0.

Trường sẽ chia 5 khối thành 2 ca học sáng/chiều để giảm số lượng học sinh cùng lúc. Nhiều phụ huynh ủng hộ học 1 buổi/ngày vì bố trí được người đưa đón nhưng cũng có ý kiến mong được học 2 buổi/ngày.

“Làm quản lý trường học giai đoạn này như làm dâu nghìn họ nhưng làm sao để tuyên truyền cho phụ huynh đồng thuận với nhà trường rất quan trọng. Với tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cao, đa số học sinh mắc COVID-19 đều có biểu hiện nhẹ sẽ khiến phụ huynh yên tâm, tin tưởng cho con tới trường”, bà Bình nói.

Bà Bình cho biết, quận Thanh Xuân yêu cầu tất cả các trường nâng cấp đường truyền, lắp camera để vừa dạy trực tiếp, phát trực tuyến cho học sinh F0, F1 ở nhà. Với quan điểm “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, nhà trường sẽ dạy học cho tất cả học sinh song song 2 phương thức.

Khác với những lần trước, lần này học sinh khối 1 chưa từng đến trường, chưa biết mặt cô giáo. Do đó, trường sẽ chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi học của các em đặc biệt như là một lễ khai giảng để bù đắp cho học sinh. Giáo viên được yêu cầu trang trí trường lớp thật đẹp, sinh động và tìm những món quà tặng dễ thương như đồ dùng học tập, thú nhồi bông để làm quà tặng chào đón học sinh.

Dạy song song 2 phương án

Trên các diễn đàn, phụ huynh có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó người đồng thuận sống chung với dịch, người chưa muốn cho con đi, cũng có người muốn mở cửa trường học phải tổ chức ăn bán trú. Bởi vì, cha mẹ hiện đã đi làm cả ngày, rất khó để sắp xếp thời gian đưa đón con buổi trưa, lo ăn uống ở nhà.

Chị Nguyễn Thị Nam Anh, ở phường Đại Kim, Hoàng Mai (Hà Nội), hôm qua đã đăng thông tin tìm người đưa đón con đi học ca chiều từ 12 giờ 30 từ nhà và 5 giờ tan học ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, cách nhà chừng 10km.

Ngoài ra, nhiều hiệu trưởng cho biết họ khá lo lắng vì lần này sẽ đối mặt với nhiều tình huống khác nhau, trong đó có chuyện gia tăng F0 trong học sinh, giáo viên. Nhất là cùng lúc có nhiều giáo viên nhiễm bệnh nhưng có rất ít để dự phòng, khi đó trường học sẽ đối mặt với tình trạng có trò nhưng thiếu cô đứng lớp.

Về việc này, bà Nguyễn Linh Chi cho biết, trường khá lo lắng cho tình huống này vì chỉ có 4 giáo viên dự trữ 64 lớp học. Nếu tỉ lệ giáo viên là F0, F1 cao nhưng sức khỏe đáp ứng sẽ vẫn dạy trực tuyến.

Sở GD&ÐT Hà Nội yêu cầu, chỉ có trường ở vùng có dịch mức độ 1, 2 dạy học trực tiếp; vùng 3, 4 dạy trực tuyến. Các trường chỉ được dạy 1 buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú, căng tin trong trường.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cho biết, các trường phải xây dựng kế hoạch, diễn tập tất cả các tình huống có thể xảy ra theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Do học sinh tiểu học chưa tiêm vắc xin nên có một số ý kiến băn khoăn, các trường được yêu cầu tổ chức họp phụ huynh lấy ý kiến cũng như trao đổi kế hoạch dạy học trực tiếp để có sự thống nhất, phối hợp phòng chống dịch. Phụ huynh đi làm, con đi học phải cam kết phương châm “một cung đường hai điểm đến”, đồng thời tự nâng cao ý thức phòng chống dịch cho cả gia đình để hạn chế tối đa ca mắc.

Về phía trường học, trong giai đoạn này được yêu cầu chuẩn bị dạy song song trực tiếp và trực tuyến. “Nếu giáo viên là F0, nhà trường sẽ phân công giáo viên dự trữ vào dạy thay hoặc chuyển lớp học sang ca khác để có giáo viên khối khác tăng cường. Phương án cuối cùng, hiệu trưởng hoặc hiệu phó sẽ phải đứng lớp để đảm bảo việc học không bị gián đoạn”, bà Thủy nói.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp