Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ giải tỏa áp lực giao thông, tăng liên kết vùng

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 04/06/2022 13:47:07 +07:00
(VTC News) -

Đường Vành đai 3 TP.HCM được đầu tư sẽ thúc đẩy kết nối vùng, đóng góp nhiều hơn cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế vùng.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là 1 trong 5 dự án giao thông quan trọng sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận vào ngày 6/6 tới. 

Trả lời phóng viên VTC News bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, đầu tư cho đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, đóng góp nhiều hơn cả về GDP và thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt với tình hình giá cả, xăng dầu tăng cao, việc kết nối hạ tầng sẽ giúp chi phí lưu thông hàng hóa, vận chuyển giảm, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, góp phần kiểm soát giá.

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) nằm trong tổng thể phát triển giao thông vùng Đông Nam Bộ. Do đó, những dự án này rất cần thiết để giải tỏa áp lực, bởi giao thông trên tuyến quốc lộ 51 đã quá tải. Theo thiết kế lưu lượng giao thông chỉ khoảng 81.000 xe/ngày đêm, nhưng thực tế tuyến quốc lộ 51 đang phục vụ hơn 82.000 xe, có những thời điểm cục bộ tắc nghẽn kéo dài.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ giải tỏa áp lực giao thông, tăng liên kết vùng - 1

Đại biểu Bùi Xuân Thống cho rằng, đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ giải tỏa áp lực giao thông, tạo động lực liên kết phát triển kinh tế vùng.

Cũng theo ông Thống, đầu tư đường Vành đai 3 nhằm giải tỏa áp lực giao thông cho TP.HCM, nhưng thực chất tuyến đường này sẽ kết nối giao thông với các tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai - Bình Dương - Long An. Từ đó, công trình khi đi vào hoạt động sẽ giải tỏa hàng hóa, áp lực giao thông rất lớn cho cả khu vực, tạo động lực liên kết phát triển kinh tế vùng.

“Việc đầu tư những tuyến đường này tạo sự kết nối giữa cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) cùng việc Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành năm 2025 đi vào hoạt động sẽ tạo nên hệ thống giao thông đường bộ kết nối hoàn chỉnh, giải tỏa ách tắc và tăng liên kết vùng giữa Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Long An trong việc gia tăng lưu lượng hàng hóa”, ông Thống nói.

 “Hiện nay các tỉnh thành phố là TP.HCM, Long An đều cam kết vốn và có nghị quyết của HĐND tỉnh. Riêng Đồng Nai cũng có văn bản cam kết với Thủ tướng và Chính phủ về đối ứng phần vốn trên địa bàn. Việc di dời giải phóng mặt bằng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn cũng rất thuận lợi vì người dân rất ủng hộ. UBND tỉnh, các ngành, các địa phương liên quan đến tuyến đường này thể hiện quyết tâm và đạt được sự đồng thuận cao”, ông Thống nói thêm.

Cũng trao đổi về nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết, nếu được Quốc hội thông qua, đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Hà Nội và TP.HCM là cửa ngõ giao lưu quốc tế, điểm đến của khách du lịch và nhà đầu tư quốc tế, cho nên đầu tư đảm bảo hạ tầng giao thông thông suốt cũng là điểm nhấn để quảng bá, thu hút đầu tư và du lịch quốc tế đến với Việt Nam”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ giải tỏa áp lực giao thông, tăng liên kết vùng - 2

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4 trong giai đoạn hiện nay không phải là cấp thiết mà là cấp bách và rất quan trọng.

Với đường Vành đai 3 TP.HCM, đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng, dự án này càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì đặt trong khu vực Đông Nam Bộ với dân số khoảng 18 triệu dân nhưng đóng góp tới 40% GDP cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách. Cụ thể năm 2022, vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, nhưng được giao thu ngân sách lên tới 600.000 tỷ đồng trong tổng thu ngân sách cả nước khoảng 1.400.000 tỷ đồng. Như vậy, khi đầu tư cho đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ thúc đẩy vùng này đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.

“Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với tình hình giá cả, xăng dầu tăng cao, việc kết nối hạ tầng sẽ giúp chi phí lưu thông hàng hóa, chi phí vận chuyển sẽ giảm và góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, góp phần kiểm soát giá. Do đó, việc đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4 trong giai đoạn hiện nay không phải là cấp thiết mà là cấp bách và rất quan trọng”, ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, TP.HCM và các tỉnh trong vùng 1 năm thu ngân sách hơn 600.000 tỷ đồng, TP.HCM trong 5 năm 2016 -2022 thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng nhưng TP.HCM chỉ giữ lại 360.000 tỷ đồng và chuyển về ngân sách Trung ương trên 1,4 triệu tỷ đồng. Vì thế, việc đặt ra bài toán ngân sách cho đường Vành đai 3, dù có gặp những khó khăn nhất định, nhưng hoàn toàn khả thi với năng lực tài chính của vùng Đông Nam Bộ, cùng ngân sách Trung ương.

“Cần lưu ý đến hiệu quả đầu tư, đối với TP.HCM, đầu tư công cho TP.HCM 1 đồng thì TP.HCM thu lại được 5 đồng, cho nên đầu tư cho đường Vành đai 3 sẽ tạo ra nguồn lợi cho cả nước nhiều hơn khoản chi cho công trình này”, ông Trần Hoàng Ngân cho hay.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km bao gồm: TP.HCM: 47,51km; Đồng Nai: 11,26km; Bình Dương: 10,76km; Long An: 6,81km.

Tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 31.380 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.322 tỷ đồng; còn lại là ngân sách địa phương.

Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2027.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn