Đại học Mở Hà Nội, Học viện Ngân hàng thêm phương thức tuyển sinh mới

Tuyển sinhThứ Sáu, 01/04/2022 14:53:08 +07:00
(VTC News) -

Năm nay, Đại học Mở Hà Nội và Học viện ngân hàng áp dụng thêm phương thức xét tuyển dựa trên kết thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh.

Đại học Mở Hà Nội tuyển sinh 18 ngành với 3.600 chỉ tiêu. Trong đó, trường dành 3.270 chỉ tiêu xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, 250 chỉ tiêu xét tuyển học bạ và 80 chỉ tiêu xét kết quả bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Trong số 18 ngành tuyển sinh, 13 ngành chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, 4 ngành sử dụng cả 2 phương án kết quả thi THPT và kết quả học bạ gồm: Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm, Kiến trúc và Thiết kế Công nghiệp. Riêng ngành Thương mại điện tử, trường chỉ xét kết quả bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. 

Để xét tuyển học bạ vào trường, thí sinh cần có điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6. Điểm trung bình của môn học tham gia xét tuyển là điểm trung bình cả năm lớp 12 của môn học đó. Nhà trường sẽ nhận hồ sơ xét học bạ đến ngày 19/8.

Với các ngành năng khiếu, trường sẽ tổ chức thi tuyển môn năng khiếu vẽ hoặc nhận kết quả thi của thí sinh dự thi năng khiếu vẽ tại các trường đại học khác trên cả nước.

Đối với các tổ hợp xét tuyển có môn ngoại ngữ, thí sinh có thể sử dụng các chứng chỉ quốc tế để quy đổi, thay thế cho môn ngoại ngữ khi xét tuyển vào trường.

Đại học Mở Hà Nội, Học viện Ngân hàng thêm phương thức tuyển sinh mới - 1
Đại học Mở Hà Nội, Học viện Ngân hàng thêm phương thức tuyển sinh mới - 2
Đại học Mở Hà Nội, Học viện Ngân hàng thêm phương thức tuyển sinh mới - 3

Học viện Ngân hàng sử dụng 5 phương thức tuyển sinh, nhiều hơn năm ngoái nên chỉ tiêu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT giảm nhẹ.

Theo đó, trường sử dụng các phương thức xét tuyển thẳng, xét kết quả học tập THPT (dự kiến 25% chỉ tiêu), chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (15%) và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT (50%). So với năm ngoái, tỷ lệ chỉ tiêu xét bằng kết quả thi tốt nghiệp giảm 10% do trường thêm phương thức dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, thí sinh cần có điểm trung bình cộng ba năm học của từng môn thuộc tổ hợp đạt từ 8 trở lên.

Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cộng ba môn cùng điểm ưu tiên và điểm cộng đối tượng. Trong đó, điểm ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy chế tuyển sinh hiện hành. Điểm cộng đối tượng do trường quy định. Thí sinh được cộng hai điểm nếu học hệ chuyên của trường chuyên quốc gia; một điểm với thí sinh hệ không chuyên của trường chuyên quốc gia và hệ chuyên của trường chuyên tỉnh/thành phố.

Ở phương thức dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thí sinh cần có một trong các chứng chỉ IELTS (Academic) đạt từ 6.0 trở lên, TOEFL iBT từ 72 điểm, chứng chỉ tiếng Nhật từ N3 (riêng đối với ngành Kế toán định hướng Nhật Bản và Hệ thống thông tin quản lý định hướng Nhật Bản).

Với xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, Học viện Ngân hàng vẫn xét tuyển dựa vào tổng điểm ba môn trong tổ hợp cộng điểm ưu tiên.

Phương thức mới được Học viện Ngân hàng sử dụng năm nay là dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Những thí sinh có kết quả kỳ thi này đạt từ 100 điểm trở lên sẽ đủ điều kiện tham gia xét tuyển.

Ở tất cả phương thức (trừ xét tuyển thẳng), Học viện Ngân hàng đều có ngưỡng đảm bảo chất lượng và yêu cầu thí sinh phải đạt được. Ngưỡng này sẽ được thông báo sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp