Con người kiếm được 1,7 tỷ đồng mỗi năm sẽ đạt ngưỡng hạnh phúc?

Sống đẹpThứ Năm, 02/12/2021 07:25:26 +07:00

Cần bao nhiêu tiền để được sống hạnh phúc, kết quả một nghiên cứu ở Mỹ đưa ra đáp án là 1,7 tỷ đồng mỗi năm, liệu có có đáng tin?

Có người nói rằng "Tiền không thể mua được hạnh phúc". Thế nhưng các nghiên cứu cho thấy trên thực tế, tiền sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc ở một mức độ nào đó. Nhưng quan trọng nhất là, bao nhiêu tiền mới đủ?

Một nghiên cứu năm 2010 từ Đại học Princeton cho thấy, một người kiếm được 75.000 USD (khoảng 1,7 tỷ đồng) mỗi năm là có thể đạt ngưỡng hạnh phúc. Các nhà nghiên cứu đã xem xét mối liên hệ giữa thu nhập hàng năm của một người cùng với tình trạng cảm xúc và đánh giá về cuộc sống của họ.

Kết quả cho thấy mức độ hạnh phúc về tình cảm chững lại ở mức thu nhập 75.000 USD và việc có mức thu nhập cao hơn (chẳng hạn như 100.000 USD) cũng không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đáng kể. Nghiên cứu cũng cho thấy với mức thu nhập dưới mức 75.000 USD, mọi người sẽ có mức độ hạnh phúc và hài lòng tổng thể thấp hơn, mức độ căng thẳng và buồn bã cao hơn.

Tuy nhiên một nghiên cứu mới nhất đã cho thấy kết quả khác biệt so với điều mà chúng ta tin tưởng cả thập kỷ nay.

Con người kiếm được 1,7 tỷ đồng mỗi năm sẽ đạt ngưỡng hạnh phúc? - 1

Nhìn vào mối quan hệ phức tạp giữa tiền bạc và hạnh phúc, dữ liệu năm 2021 cho thấy mức độ hạnh phúc thật sự tăng lên khi thu nhập của một người tăng cao hơn. Nghiên cứu nêu ra quan điểm rằng, chúng ta càng kiếm được nhiều tiền thì càng trở nên hạnh phúc hơn (hay nói đúng hơn là chúng ta có đủ phương tiện để mua những thứ vật chất hoặc trải nghiệm khiến bản thân hạnh phúc và mãn nguyện).

Một cuộc khảo sát với hơn 33.000 người trưởng thành ở Mỹ có việc làm và hơn 1,7 triệu báo cáo đã phát hiện ra mối liên hệ trực tiếp giữa thu nhập cao hơn, cảm thấy tốt hơn từng ngày và hài lòng hơn với cuộc sống nói chung.

 Nhưng điều gì định nghĩa được hạnh phúc? Định nghĩa về hạnh phúc khác nhau ở mỗi người. "Mặc dù hạnh phúc của một người thường phụ thuộc vào cảm giác an toàn và hài lòng tổng thể về mức lương của họ - nhưng nó cũng phụ thuộc vào giá trị của bản thân họ nữa", nhà trị liệu sức khỏe tâm thần Billy Roberts, cho biết.

Tất nhiên, mỗi người được định hướng bởi các giá trị khác nhau. Đối với một số người, giá trị nằm ở quyền lực, những người khác tìm thấy giá trị trong sự tự chăm sóc bản thân.

"Một người được thúc đẩy bởi quyền lực có thể có nhu cầu tài chính khác với một người được thúc đẩy bởi sự an toàn. Những yếu tố này ảnh hưởng đến hạnh phúc hoặc nhận thức của một người về hạnh phúc, làm thay đổi số tiền mà họ thật sự cần để cảm thấy thỏa mãn về mặt cảm xúc", Roberts giải thích.

"Cuối cùng, mức thu nhập sẽ hỗ trợ lối sống được định hướng theo giá trị của từng người. Vì vậy con số này bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là nó có đủ để giúp một người đi đúng lối sống mà mình đã chọn hay không".

Nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư tâm lý học Margaret Sala khẳng định: Nghèo đói có thể khuếch đại trải nghiệm của những bất hạnh và những tác nhân gây căng thẳng. Nói cách khác, mức thu nhập thấp hơn có thể làm tăng nhận thức về sự bất hạnh hoặc những cảm xúc tiêu cực khác.

"Bệnh tật có thể tồi tệ hơn nhiều đối với những người nghèo và không thể đi khám bệnh", Sala đưa ra ví dụ về những điều ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc. "Không nhận được sự giúp đỡ trong những việc khó khăn - thứ mà những người có thu nhập thoải mái hơn thường không phải lo lắng - chẳng hạn như chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa...".

 Mặt khác, Sala cho rằng một số cá nhân có mức lương cao lại không tận hưởng được những thú vui nho nhỏ trong cuộc sống do công việc căng thẳng và đòi hỏi nhiều thời gian. Một nghiên cứu gần đây của LinkedIn cho thấy rằng những nhân viên tại Mỹ kiếm được nhiều tiền hơn phải chịu mức độ căng thẳng cao hơn đáng kể. Tỉ lệ nhiều hơn đến 68% đối với những người có thu nhập hơn 200.000 USD mỗi năm (khoảng 4,5 tỷ đồng).

Trong khi thu nhập cao hơn này có thể giúp họ mua được những kỳ nghỉ sang trọng và bữa ăn ngon tại nhà hàng, nhưng sự căng thẳng mệt mỏi có thể đóng một yếu tố quan trọng quyết định mức độ hạnh phúc và hài lòng tổng thể của một người.

Mặt khác, mối liên hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc không chỉ là cảm giác hay nhận thức: Có một lý thuyết khoa học đằng sau hiện tượng này.

3 triết lý sống của người Nhật giúp bạn chi tiêu một cách khôn ngoan, làm được 1 điều cũng đủ khiến cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn"Từ góc độ khoa học thần kinh, sự khan hiếm tiền bạc báo hiệu cho não bộ rằng có một mối đe dọa đối với sự tồn tại của chúng ta", Renetta Weaver, tiến sĩ siêu hình học và nhân viên xã hội lâm sàng cho biết. Trên thực tế, nghèo đói có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của một người, làm thay đổi cách họ suy nghĩ và giảm hiệu suất ghi nhớ từ ngữ và tốc độ xử lý.

Trong trường hợp tiền thực sự không thể mua được hạnh phúc, thì làm sao người ta có thể hạnh phúc với những gì mình đang có, bất kể mức thu nhập như thế nào?

Weaver nói: "Nếu không đánh đồng tiền bạc và vật chất với giá trị của bản thân, chúng ta sẽ tìm thấy được hạnh phúc trong những điều mà tiền không thể mua được, như khoảng thời gian vui vẻ và trải nghiệm có ý nghĩa với bản thân hay những người xung quanh".

Milana Perepyolkina, tác giả bán chạy nhất thế giới của hai cuốn sách nói về hạnh phúc, cho biết thêm rằng mọi người thường nhầm lẫn giữa niềm vui và hạnh phúc. Có nghĩa là mối tương quan giữa thu nhập và hạnh phúc tình cảm có thể là không chính xác.

Bà nói: "Nếu bạn ăn một miếng bánh, bạn sẽ cảm thấy rất vui nhưng ngay sau khi bạn ăn xong, niềm vui sẽ biến mất. Khi bạn tiêu tiền, bạn sẽ trải nghiệm niềm vui nhưng chỉ vài giờ sau, niềm vui này cũng biến mất".

 Một bộ phim tài liệu năm 2011 có tên "Happy" đã giúp khán giả khám phá hiện tượng tương tự mà Perepyolkina đề cập: Hạnh phúc là thứ thuộc về bản chất. Đó là câu chuyện của những người sống trong nghèo khó nhưng họ lại vô cùng hạnh phúc với cuộc sống. Bộ phim cho rằng không phải lúc nào hạnh phúc cũng có thể mua được bằng tiền.

Perepyolkina cho biết, ngay cả một số người "sống trong điều kiện rất tồi tệ, chẳng hạn như ở trong túp lều tạm bợ với tất cả tài sản chỉ để trong một chiếc túi, bạn cũng sẽ nhận thấy trên gương mặt họ luôn có nụ cười rạng rỡ đầy mãn nguyện".

"Làm thế nào một người hầu như không có gì lại có thể hạnh phúc đến vậy? Đó là bởi vì họ biết ơn những gì họ có: cuộc sống của họ, gia đình của họ và cộng đồng của họ".

Tiền có mua được hạnh phúc không? Đôi khi, hoặc có thể không bao giờ chúng ta có một câu trả lời chắc chắn. Mức độ hạnh phúc có thể tăng hoặc giảm theo mức thu nhập, nhưng cảm giác hạnh phúc thật sự của một người cuối cùng sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, giá trị và nhu cầu cá nhân của họ.

(Nguồn: Sức khỏe đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp