Chuyện xưa chép lại

Chuyện từ kho báu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Hồng

Thứ Bảy, 07/05/2022 07:18:00 +07:00

(VTC News) - Căn phòng của Đại tá, nhà báo, NSNA Trần Hồng đầy chật những bức ảnh, ông nói mình yêu cái không gian nhỏ bé, nhưng ăm ắp kỷ niệm ùa về qua những bức ảnh.

Nhưng, kỷ niệm của Trần Hồng không hề tĩnh lặng mà sống động qua phong cách cởi mở, giọng nói sang sảng, tiếng cười sảng khoái và đặc biệt là linh động như ánh nắng đầu hè xuyên qua tán cây - thứ ánh sáng mà ông luôn xuýt xoa là sẽ chụp được những tấm chân dung với ánh sáng ven tuyệt vời mà ông thường kỳ công tận dụng để ghi lại hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những bà mẹ Việt Nam.

Chuyện từ kho báu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Hồng - 1

 

Tay di chuột, bật lên những tấm ảnh trên màn hình máy tính, giọng kể của Trần Hồng thật hào sảng khiến câu chuyện cách đây 18 năm cứ như vừa diễn ra.

“…Tháng 4/2004 Đại tướng về thăm lại Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - Nơi ra đời của Quân đội Nhân dân Việt Nam - nằm dưới chân núi Sam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và chiến trường Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ở tỉnh Điện Biên.

Những chuyến như thế, bao giờ cũng được bố trí đi cùng Đại tướng, nhưng mình thường đi trước về sau để xem xét địa hình, tìm góc chụp đẹp nhất có thể, những khoảnh khắc đắt giá mà nếu đi cùng đoàn công tác thì khó mà lưu giữ được.

Chính vì thế mà mình được chứng kiến những cảnh tượng thật hào hùng, đầy xúc động. Các cậu có hình dung được cảnh tượng những ánh mắt của cựu chiến binh, của bà con dân tộc địa phương sáng rực lên khi thấy chiếc máy bay chở Đại tướng từ từ hạ thấp dần và như bùng cháy khi vị tướng mái tóc bạc phơ hiện ra trên khung cửa. Mọi người đều mừng vui vỗ tay và reo lên: Đại tướng! Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm!

Hay những ánh mắt ngấn lệ dõi theo chiếc máy bay chở Đại tướng vút lên trên trời xanh. Mọi người nói với nhau đầy luyến tiếc: “Ông nội đã về trời! Ông nội về trời mất rồi!”. Ông nội là danh xưng tôn kính nhất của đồng bào dân tộc địa phương đã được dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu của chúng ta.

Thật sự, ông về lại chốn cũ, nơi xưa như trở về nhà và các cựu chiến binh, đồng bào địa phương đón ông như người đồng đội, người anh, người cha, người ông đã lâu mới trở lại quê.

Đứng cùng cựu chiến binh, đồng bào và được chứng kiến niềm vui tột cùng, tình yêu thương tột cùng dành cho vị Đại tướng của nhân dân, những giây phút ấy thực sự khiến mình trào dâng cảm xúc, có những rung động lạ kỳ khiến cho từng tấm ảnh có một bản sắc riêng, chiều sâu riêng”.

Rất hóm hỉnh, Trần Hồng kể lại lời phê bình đầy chất uy-mua (humour) sâu sắc của Đại tướng thể hiện lòng biết ơn, sự quan tâm sâu sắc của ông với người dân: “Vào hội trường, khi được mời lên phát biểu, sau nhiều lời chia sẻ Đại tướng nói: “Lúc trên máy bay, tôi nhìn xuống Điện Biên Phủ, tôi thấy như một bức tranh”. Lúc này các vị đại biểu vui lắm, nghĩ rằng sẽ được nghe một lời khen của Tướng Giáp.

Đại tướng nói tiếp: “Bức tranh này rất đa sắc. Xin lỗi, rất nhiều màu. Nơi này đen, nơi kia khói đang bay lên và lốm đốm màu nâu. Như một bức tranh, nhưng đây là bức tranh buồn. Ngày xưa rừng che bộ đội, rừng vây quân thù. Ngày nay, các đồng chí đang đốt gần hết rừng rồi”.

Chuyện từ kho báu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Hồng - 2

 

Chuyến đi ấy Đại tá, nhà báo, NSNA Trần Hồng chụp được nhiều bức ảnh để đời góp vào kho báu ảnh Đại tướng ông đã chụp trong nhiều năm trước.

Chuyện từ kho báu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Hồng - 3

 

“Người lính trong tôi luôn cảm nhận được chất lính trong con người vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người anh Cả của Bộ đội Cụ Hồ” - Ông chia sẻ.

Ông dừng lại trước những tấm ảnh Đại tướng đi thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo và kể: “Hôm ấy trời mưa tầm tã, mọi người lo cho sức khỏe của Đại tướng. Anh Nguyễn Huyên - Đại tá, Trợ lý - gàn: “Anh Văn ạ, hôm này thời tiết xấu, dừng lại thôi”. Đại tướng bảo: “Không. Khắc đi khắc đến. Mưa thì ta tránh, hết mưa thì ta đi”. Tôi có chụp được bức ảnh Đại tướng đi trong bùn đất lấm lem, có những lúc ông phải bám cây mà đi, cảm động lắm”.

Chuyện từ kho báu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Hồng - 4

 

Khi trở lại chiến trường xưa, vị Đại tướng lúc đó ở tuổi 93 như trẻ ra, khỏe lại. Tại Khu di tích Mường Phăng - từng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và cán bộ, chiến sĩ Sở chỉ huy năm xưa - ông đã xuống tận căn hầm đơn sơ năm xưa.

Tại đây, ông đã cầm bút dõi theo tấm bản đồ chiến dịch Điện Biên Phủ như cách đây 40 năm trước ông đã vạch ra các phương án cho bộ đội ta kéo pháo vào, kéo pháo ra, vây, lấn, tấn, diệt.

Bên căn hầm của Tướng de Castries, ông đã có những bước đi dài, đầy hào sảng, khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt tinh anh gợi nhớ niềm vui bất tận của buổi chiều ngày 7/5/1954 lá cờ Quyết chiến Quyết thắng được bộ đội ta phất tung bay phấp phới trên nóc hầm.

Chuyện từ kho báu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Hồng - 5

 

Tuy vậy, nhiều cán bộ chiến sĩ năm xưa khi báo công với Đại tướng, sau khi nghe ông có hỏi: “Phía bên kia, bao nhiêu binh lính chết và bị thương? Các chú nên chăm lo cho họ”. Phải là người có tấm lòng nhân văn cao cả lắm mới có được sự bao dung để hỏi han, chia sẻ với những mất mát của bên thua trận.

Tất nhiên, vị Đại tướng đầu bạc đầy chất nhân văn ấy không bao giờ quên những người lính của ông đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đât nước, vì nền độc lập của dân tộc. Ông không hề quản ngại đến các nghĩa trang thắp hương cho hương linh những người đồng đội đã hy sinh.

Ở những nơi đó, tôi thấy ông mang nét trầm buồn. Chiến thắng nào cũng phải đổi bằng mồ hôi, xương máu - Đó là lẽ tất nhiên. Mọi người đều hiểu và chấp nhận điều đó. Nhưng đối với Đại tướng, một người lính ngã xuống là một nỗi đau đè nặng lên ông” -  NSNA, Đại tá Trần Hồng trầm giọng.

Tôi được nghe những người phục vụ Đại tướng trong những năm 1968 - 1972, đặc biệt là 81 ngày đêm ở chiến trường Quảng Trị (năm 1972) kể lại: “Sáng sớm nào cũng phải thay áo gối cho Đại tướng vì tối nào Đại tướng cũng khóc. Đại tướng đau lòng lắm”.

Cho đến bây giờ, khi so sánh với các vị tướng lĩnh nổi tiếng trên toàn thế giới, tôi cho rằng Võ Nguyên Giáp là vị tướng trọn vẹn nhất về gia đình, sự nghiệp, trong tất cả các lĩnh vực ông đều là bậc thầy, có nhiều đóng góp to lớn.

Trên thế giới có nhiều tướng tài nhưng họ thiên về mặt quân sự và khó ai có thể sánh với Võ Nguyên Giáp bởi chất nhân văn của ông. Vậy nên từ lúc bước vào con đường binh nghiệp cho đến khi ông trở về với đất mẹ, lòng dân luôn hướng về Tướng Giáp. Và, tôi rất muốn khai thác điều đó.

Chuyện từ kho báu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Hồng - 6

 

“Trong gần 20 năm gần gũi với Đại tướng và tập thể những người giúp việc cho ông, anh có cảm nhận được những trăn trở, suy tư của Đại tướng” - Tôi hỏi.

Đại tá Trần Hồng trầm ngâm một chút rồi trả lời: “Có những chuyện nói ra không có lợi cho công việc chung nên tôi xin không nói. Nhưng anh phải biết và nên nhớ: Bà mẹ Việt Nam yêu đứa con vì chiến tranh không trở về bao nhiêu thì Đại tướng cũng đau đớn bấy nhiêu khi những người lính của ông ngã xuống.

Mỗi bà mẹ có nỗi đau mất một, hay thậm chí một vài đứa con, mà thôi. Còn Đại tướng gánh chịu tất cả những nỗi đau xé ruột ấy qua chiều dài lịch sử chiến tranh của đời ông cộng lại. Theo tôi, đấy mới là trăn trở, suy tư lớn nhất của Đại tướng, những thiệt thòi khác - với ông - không là gì hết”.

Chuyện từ kho báu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Hồng - 7

 

Câu chuyện về vị Đại tướng kính yêu với NSNA, Đại tá Trần Hồng dường như không bao giờ chấm dứt, nó như sóng biển lúc ào lên bọt tung trắng xóa lúc lại trầm lắng như gợn sóng ngoài khơi xa. Ông tiếp nối mạch chuyện:

“Anh biết đấy trước khi là Đại tướng, ông là một trí thức lớn, một nhà văn hóa lớn, một thầy giáo Lịch sử đáng kính… nên tâm hồn nghệ sĩ của ông được hun đúc, tinh cất từ đó. Có lẽ, nếu không có chiến tranh thì ông sẽ là một nhà văn hóa nổi tiếng chứ không phải là một vị Đại tướng.

Lịch sử giữ nước đã trao thêm cho ông sứ mệnh binh nghiệp và ông đã hoàn thành cực kỳ xuất sắc trọng trách ấy. Nhưng sâu thẳm trong ông tôi vẫn thấy một tâm hồn nghệ sĩ lớn”.

Chuyện từ kho báu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Hồng - 8

 

Chuyện từ kho báu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Hồng - 9

 

Một nét nghệ sĩ chấm phá tâm hồn nghệ sĩ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ông rất yêu nghệ thuật nhiếp ảnh và sẵn sàng chia sẻ với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đại tá, nhà báo, NSNA Trần Hồng đọc lại rõ ràng từng lời của vị Đại tướng kính yêu:

"... Khi nhìn lại những bức ảnh về chiến tranh và cách mạng của dân tộc ta, nhìn lại những con người làm nên lịch sử, trong đó có chúng ta, tôi như sống lại từng ngày, từng giờ của quá trình gian khổ nhưng rất kỳ diệu và vẻ vang đó. Nhiếp ảnh sao mà chân thực, ghi nhớ chính xác và gợi cảm lạ lùng đến như vậy. 

Có những chuyện do thời gian chúng ta có thể quên đi, nhưng nhìn vào ảnh là nhớ từng chiến sĩ, từng trận đánh, từng ý tứ chỉ đạo của Trung ương và Bác Hồ... Thay mặt những chiến sĩ trong chiến tranh, tôi chân thành cảm ơn các nhà nhiếp ảnh".

Đại tá, nhà báo, NSNA Trần Hồng kể lại một kỷ niệm của ông với Đại tướng: “Tháng 12/1995, tôi triển lãm cuộc thứ hai về chân dung người mẹ Việt Nam tại số 45 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Rất may mắn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến xem. Ông chọn thời điểm 17 giờ để đến xem. Ông có nói với tôi rằng: “Hồng ơi, tớ chọn giờ này là lúc tan tầm, chắc sẽ vắng”.

Nhưng không ngờ, khi ông vừa đặt chân đến 45 Tràng Tiền thì mọi người vây kín, tràn hết cả vào phòng, cả Tây lẫn ta. Đại tướng xem say sưa lắm, xem đến cả tiếng đồng hồ.

Đứng giữa phòng triển lãm Đại tướng nói: “Đồng chí Trung tá, phóng viên báo Quân đội nhân dân Trần Hồng nói cho tôi 86 bức ảnh này, đồng chí thích nhất tấm ảnh nào?”.

Tôi đáp: “Thưa Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, 86 tấm ảnh này tôi thích tất cả vì đều là những tấm ảnh của tôi và tôi chịu trách nhiệm đến tận cùng về từng tấm ảnh”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vỗ vào đùi một cái. Tôi thấy nụ cười thỏa mãn của ông và đối với tôi đó là sự khen ngợi, không có một cái giấy khen nào như nụ cười ông đã dành cho tôi lúc đó.

Chuyện từ kho báu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo Trần Hồng - 10

 

Video: Bước đầu vào nghề báo

 

Nội dung: PHƯƠNG ĐÔNG - ANH VĂN

Ảnh: Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh TRẦN HỒNG

Trình bày: HÀ LONG

Bình luận
vtcnews.vn