Chuyên gia quốc tế: 'Giá dầu sẽ sớm bật tăng'

Thị trườngThứ Bảy, 16/04/2022 07:40:37 +07:00

Giá dầu điều chỉnh giảm nhẹ sau nhiều ngày tăng mạnh, nhưng các chuyên gia chỉ ra nhiều yếu tố khiến giá dầu sẽ sớm bật tăng.

Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu điều chỉnh giảm nhẹ sau khi tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu thô WTI giảm 0,38% so với 24 giờ trước đó xuống còn 106 USD/thùng, còn dầu thô Brent được giao dịch ở mức 111 USD/thùng.

"Giá dầu điều chỉnh giảm nhẹ sau những ngày tăng mạnh, khi Trung Quốc vẫn chật vật với làn sóng COVID-19 mới. Cùng với đó là việc đồng USD phục hồi mạnh mẽ nhờ thái độ kiên quyết của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA (có trụ sở ở Mỹ) - giải thích với Zing.

Cụ thể, Thống đốc FED Christopher Waller vừa khẳng định ngân hàng trung ương cần nâng lãi suất với tốc độ nhanh hơn bình thường để kiểm soát lạm phát. Do vậy, ông không loại trừ khả năng nâng lãi suất 50 điểm cơ bản nhiều lần trong năm nay.

Chuyên gia quốc tế: 'Giá dầu sẽ sớm bật tăng' - 1

Giá dầu tăng cao lên mức kỷ lục do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine và các đòn trừng phạt mà phương Tây giáng vào Nga. Ảnh: Reuters.

Nhu cầu dầu chịu sức ép

Điều đó có nghĩa là FED có thể sẽ tăng lãi suất ngắn hạn thêm 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) tại cuộc họp tháng 5. Cơ quan này có thể tiếp tục thực hiện động thái tương tự trong vài tháng tới. Thông thường, FED chỉ tăng lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có kế hoạch chấm dứt việc mua trái phiếu - thường được gọi là chương trình "nới lỏng định lượng" - vào quý III. Đợt nâng lãi suất đầu tiên sẽ được tiến hành một thời gian sau đó.

Lãi suất thấp đồng nghĩa với việc chi phí cơ hội của các loại tài sản rủi ro giảm đi, thúc đẩy giới đầu tư mua vào. Nhưng việc FED và các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến chi phí cơ hội tăng cao, làm giảm lợi nhuận của những hàng hóa như dầu.

Chuyên gia quốc tế: 'Giá dầu sẽ sớm bật tăng' - 2

Giá dầu WTI điều chỉnh giảm nhẹ sau những ngày tăng mạnh. Ảnh: Trading Economics.

Ngoài ra, theo ông Moya, trước kỳ nghỉ cuối tuần dài, dầu cũng rất dễ bị chốt lời, nhất là sau những ngày tăng giá mạnh.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022, sau khi Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát làn sóng COVID-19 mới.

Giá dầu tăng cao lên mức kỷ lục do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine và các đòn trừng phạt mà phương Tây giáng vào Nga. Tuy nhiên, IEA cho rằng khoảng cách cung - cầu trên thị trường dầu đang được thu hẹp. Triển vọng nhu cầu suy yếu, trong khi các quốc gia thành viên IEA nhất trí xả kho dầu.

IEA đã hạ dự báo tiêu thụ nhiên liệu trên toàn cầu trong năm nay 260.000 thùng/ngày. Cơ quan này thậm chí còn hạ dự báo tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc trong tháng 4 tới 925.000 thùng/ngày.

Sẽ sớm bật tăng

"Các nhà kinh tế đang tiếp tục hạ thấp triển vọng của kinh tế thế giới. Rõ ràng điều này sẽ tác động tới nhu cầu dầu", ông Toril Bosoni - Trưởng bộ phận Thị trường và Công nghiệp của IEA - giải thích.

"Tuy nhiên, giá dầu vẫn sẽ nhanh chóng trở lại đà tăng bởi nguồn cung eo hẹp, và việc nhu cầu sụt giảm vì kinh tế giảm tốc tăng trưởng cũng còn lâu mới diễn ra", chuyên gia Moya giải thích.

Do đó, theo ông, dầu thô WTI vẫn sẽ được giao dịch trên ngưỡng 100 USD/thùng vì tình trạng thâm hụt nguồn cung toàn cầu.

Ngoài ra, theo IEA, Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) đã từ chối nâng sản lượng dầu. Họ tin rằng nguồn cung không thực sự thiếu hụt. Thêm vào đó, Nga cũng là một trong số các thành viên quan trọng của OPEC+ (OPEC và đồng minh). Các nước OPEC+ chỉ đóng góp khoảng 10% mức tăng sản lượng dự kiến vào tháng 3.

Theo ước tính của IEA, sản lượng trong tháng 4 có thể thấp hơn tháng trước 1,5 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân là việc Nga đổ quân vào Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Moscow.

Trước đó, mức giảm được IEA dự báo lên tới 3 triệu thùng dầu/ngày. Tuy vậy, cơ quan này cảnh báo lượng dầu Nga bị mất đi có thể tăng gấp đôi vào tháng 5.

IEA cho rằng giá dầu vẫn ở mức cao và có thể đe dọa tới triển vọng kinh tế toàn cầu. "Nhu cầu dầu đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19", ông Bosoni nhận xét.

"Thị trường dầu vẫn đứng trước nhiều rủi ro. Viễn cảnh Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ khiến căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang, điều này có thể lan sang thị trường dầu mỏ", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.

Ông dự báo giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 100-120 USD/thùng, còn dầu WTI có thể được giao dịch quanh vùng 95-115 USD/thùng.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp