Chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức cho sinh viên sư phạm

Kinh nghiệm sốngThứ Hai, 12/07/2021 10:14:00 +07:00
(VTC News) -

Trường Đại học Giáo dục luôn chú trọng phát triển bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên theo học các chương trình đào tạo bậc cử nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã dạy “Người cán bộ nói chung, trong ngành giáo dục nói riêng: có tài phải có đức, có tài mà không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho đất nước, có đức mà không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Trong nhà trường, nếu giáo viên thiếu đi nhân cách, đạo đức thì hậu quả thật nguy hại. Do vậy, giáo dục phẩm chất đạo đức của nhà giáo tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một yêu cầu quan trọng.

Người thầy không chỉ đơn giản tham gia vào việc rèn luyện các cá nhân, mà người thầy còn tham gia vào việc hình thành đời sống xã hội. Nhà giáo, với vai trò và trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ, chuẩn bị lực lượng lao động, đào tạo nhân tài cho đất nước. Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, nhưng giáo viên là những người có vai trò vô cùng quan trọng, tham gia vào sự nghiệp đó bằng nghề nghiệp chuyên môn của mình; là những người giúp đỡ gia đình, xã hội và các đoàn thể quần chúng làm công tác giáo dục thế hệ trẻ.

Nghề dạy học là nghề cao quý và sáng tạo. Để hoạt động sư phạm có kết quả, giáo viên phải có phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của nhà giáo, chuyên môn khoa học và nghiệp vụ sư phạm. Vì vậy, việc xây dựng và bồi đắp chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên các trường sư phạm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một yêu cầu không thể thiếu.

Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội với triết lý giáo dục nhân bản và khai phóng, hướng đến mục tiêu giáo dục: đào tạo người học có nhân cách trưởng thành, vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp; có tinh thần, thái độ tận tâm và sự sáng tạo trong công việc.

Năm học 2019 - 2020, nhà trường chính thức đưa học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục vào chương trình đào tạo bậc cử nhân. Thông qua học phần sinh viên sẽ hiểu và nắm vững các hệ giá trị, văn hóa, đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục; hệ thống hóa các văn bản luật, chuẩn, hướng dẫn liên quan đến đạo đức nghề nghiệp đối với nhà giáo dục (giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ tham vấn và nghiên cứu giáo dục); thực hành và làm mẫu được cách thức xử lý các tình huống thực tiễn cũng như giả định trong các điều kiện hoàn cảnh khác nhau trong hoạt động nghề nghiệp; yêu, tôn trọng và hạnh phúc với nghề nghiệp; trách nhiệm, khoan dung với người học; trung thực và hợp tác với đồng nghiệp, phụ huynh học sinh.

Từ đó sinh viên – những nhà “giáo dục” tương lai nhận thức được trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội.

Trong học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, các chuẩn đầu ra được cụ thể hóa thành 18 KPI (Key Performance Indicator – các hành vi xác định mà người học cần thực hiện trong một thời gian, bối cảnh, điều kiện nhất định), thuộc 4 lĩnh vực: (1) ý thức chấp hành nội quy, quy chế và tham gia các hoạt động chính trị xã hội, đoàn thể; (2) ý thức và kết quả học tập; (3) lối sống tác phong; (4) mối quan hệ với các đối tượng.

Chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức cho sinh viên sư phạm  - 1

Học phần được triển khai trong suốt 4 năm học (tương ứng với 8 học kỳ) của sinh viên và được tổ chức theo hình thức học tập kết hợp (Blended Learning), với mô hình lớp học đảo ngược (Flipped Classroom), được quản lý trên nền tảng quản lý hoạt động học tập LMS (Learning Management System) Moodle của trường Đại học Giáo dục.

Với mỗi học kỳ, sinh viên sẽ hoàn thành một số KPI nhất định, tương ứng với đặc điểm nhận thức và chương trình học tập. Sinh viên được có cơ hội được rèn luyện các giá trị và kỹ năng sống, hướng tới hình thành phẩm chất chuẩn mực của nhà gáo dục.

Một điểm mới trong cách thức kiểm tra đánh giá học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục là sự phối kết hợp giữa đánh giá định mức (hoàn thành các đầu mục KPI) và đánh giá định tính – ranking (là sự phối kết hợp giữa các hình thức tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng - ranking và đánh giá của giảng viên), đảm bảo được sự công bằng, minh bạch cho quá trình đánh giá.

Cách thức đánh giá định mức và định tính – ranking của học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục

Chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức cho sinh viên sư phạm  - 2

Tài liệu tham khảo phong phú, đa dạng của học phần Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực Giáo dục.

Giáo dục và tự giáo dục bản thân về phẩm chất đạo đức nói chung và phẩm chất đạo đức đối với nhà giáo nói riêng là nhiệm vụ cấp thiết trong đào tạo sư phạm, đáp ứng bối cảnh và yêu cầu đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 29 (11/2013). Hiệu quả của công tác này phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng là công tác giáo dục và đào tạo của Nhà trường và hoạt động tự giáo dục, tự rèn luyện của sinh viên. Trong đó, tự giáo dục, tự rèn luyện là nội lực giữ vai trò quyết định. Sự tôi rèn đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và kiến thức chuyên môn hôm nay sẽ là nhân tố hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực cho các nhà giáo mai sau.

Năm 2021, trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (mã trường: QHS) tuyển sinh 1000 chỉ tiêu cho 15 ngành/chương trình đào tạo. Trường tuyển sinh thông qua 5 phương thức, gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021; Xét tuyển theo kết quả bài thi Đánh giá năng lực năm 2021 của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trường đào tạo các nhóm ngành Sư phạm Toán và Khoa học tự nhiên (mã nhóm ngành: GD1), gồm các ngành: Sư phạm Toán học; Sư phạm Vật lý; Sư phạm Hóa học; Sư phạm Sinh học; Sư phạm Khoa học tự nhiên.

Nhóm ngành Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Lịch sử và Địa lý (mã nhóm ngành: GD2), gồm các ngành: Sư phạm Ngữ văn; Sư phạm Lịch sử; Sư phạm Lịch sử và Địa lý.

Nhóm ngành Khoa học giáo dục và khác (mã nhóm ngành: GD3), gồm các ngành: Quản trị trường học; Quản trị chất lượng giáo dục; Khoa học giáo dục; Quản trị công nghệ giáo dục; Tham vấn học đường.

Ngành Giáo dục Tiểu học (mã nhóm ngành: GD4).

Ngành Giáo dục Mầm non (mã nhóm ngành: GD5).

Nhi Nhi
Bình luận
vtcnews.vn