4 cô gái của loạt blog văn học đình đám 'hút hồn' Gen Z

Kinh nghiệm sốngThứ Sáu, 07/01/2022 09:00:00 +07:00

Cùng là những người có niềm yêu thích đặc biệt với văn chương, các bạn trẻ này đã lập nên những cộng đồng học văn với mục tiêu có thể chia sẻ kiến thức bổ ích.

Blog Chuyên Văn

Từng là cựu học sinh chuyên Văn của trường Trung học Thực Hành, Đại học Sư phạm TP.HCM và đoạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia năm 2020, Nguyễn Đức Lam Thảo (hiện là sinh viên ngành Văn học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) mong muốn không để hoài phí những kiến thức văn học mà mình đã được tiếp cận khi còn ở trong đội tuyển.

Tình cờ, Lam Thảo biết tới Blog Chuyên Văn – đứa con tinh thần do chính thầy giáo chủ nhiệm năm lớp 11 của mình lập nên với mục tiêu sáng tạo không gian học thuật cởi mở, lành mạnh cho cộng đồng người học, người dạy và người yêu văn chương. Sau một số bài đăng, Thảo trở thành một thành viên chính thức của Blog.

4 cô gái của loạt blog văn học đình đám 'hút hồn' Gen Z - 1

Nguyễn Đức Lam Thảo, sinh viên ngành Văn học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Sau hơn 5 năm hoạt động, hiện Blog Chuyên Văn đã đạt đến con số hơn 110.000 lượt theo dõi. Thảo cho biết, đội ngũ Blog Chuyên Văn rất mong muốn fanpage sẽ là nơi kết nối, lan tỏa niềm đam mê và truyền cảm hứng cho các bạn học sinh, sinh viên yêu văn chương.

Không dừng lại ở những nội dung về kiến thức, Blog còn chú trọng đến việc chia sẻ về phương pháp dạy và học nhằm “góp phần kiến tạo nên giờ văn hạnh phúc”.

“Có một số hiểu lầm rằng Blog Chuyên Văn chỉ dành cho giáo viên, học sinh chuyên Văn, nhưng thật ra đây là một kênh dành cho tất cả mọi người. “Chuyên Văn” chỉ đơn giản là “chuyên viết về Văn”, tức người đọc có thể tìm thấy mọi những nội dung về văn chương khi truy cập vào Blog. Đôi khi, đó là những nội dung có phần học thuật, nhưng cũng có khi, Blog sẽ đăng tải những bài viết, góc nhìn mới lạ về cuộc sống hay giới thiệu những trang sách hay...”, Lam Thảo bày tỏ.

Đến thời điểm hiện tại, Thảo cho biết, Blog Chuyên Văn vẫn cố gắng chia sẻ thật nhiều thông tin, kinh nghiệm hữu ích cho cả người dạy và học văn. Không chỉ lan tỏa tri thức bằng những bài viết, Blog cũng đang tập trung phát triển kênh Youtube - nơi các thầy cô, các bạn học sinh có thể tiếp cận các bài giảng văn học bằng cả hình ảnh, âm thanh để tăng cao hiệu quả.

“Mình hy vọng, Blog Chuyên Văn sẽ trở thành một cầu nối giữa những người yêu văn. Và, không chỉ đội ngũ điều hành Blog mới có thể xây dựng nội dung mà bất kỳ ai có khả năng, yêu thích và muốn chia sẻ những kiến thức văn học bổ ích tới cộng đồng đều có thể tìm đến Blog để cùng trao đổi và sẻ chia với mọi người”, Lam Thảo cho biết.

Phố cũ văn chương

Phố cũ văn chương là một dự án chia sẻ kiến thức văn học do Hồ Huyền Nga, sinh viên năm thứ Nhất, ngành Truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí & Tuyên truyền thực hiện. Từng đoạt giải Nhì trong kỳ thi HSG quốc gia môn Ngữ văn khi còn theo học tại trường THPT Chuyên Thái Nguyên, Huyền Nga mong muốn có thể chia sẻ và lan tỏa những kiến thức mình đã tiếp thu được trong suốt quãng thời gian đi học tới nhiều người hơn, đồng thời có thể giúp đỡ cho những bạn học sinh có chung niềm đam mê văn chương trong quá trình tìm hiểu môn học này.

Đầu tháng 2/2021, Phố cũ văn chương chính thức ra đời. Huyền Nga chia sẻ: “Cái tên Phố cũ văn chương đến với mình cũng rất tình cờ. Khi ấy, mình bất chợt nghĩ đến một nơi mà ở đó, con người được sống trong những khoảnh khắc bình yên, thư thái nhất. Và thế là mình nghĩ tới “phố cũ”, mang dáng dấp của những con phố nhỏ nơi mình đang ở. Mình mong khi tìm đến Phố cũ văn chương, các bạn có thể vừa học, vừa chơi, vừa tiếp thu kiến thức vừa thư giãn và tìm lại cảm hứng học tập cho mình, từ đó thêm yêu văn chương hơn nhiều lần”.

4 cô gái của loạt blog văn học đình đám 'hút hồn' Gen Z - 2

Hồ Huyền Nga, sinh viên năm Nhất, ngành Truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Mặc dù tự xây dựng fanpage từ con số 0, nhưng hiện tại, Phố cũ văn chương đã có gần 6.000 người theo dõi. 

“Ngay từ những ngày đầu khi làm quen với văn học, mình đã biết mình thuộc về thế giới đầy màu sắc này. Tuy trong quá trình học còn nhiều những khó khăn nhưng chưa một ngày nào tình yêu với chữ trong mình mất đi. Và mình hy vọng, những người bạn của mình cũng vậy. Họ sẽ duy trì tình yêu với văn chương, tiếp tục nhen nhóm ngọn lửa đam mê của mình và lan tỏa hơi ấm đến những người xung quanh”, Huyền Nga bày tỏ.

Rubik Văn Chương

Rubik Văn Chương là một fanpage có gần 60.000 người theo dõi, do Nguyễn Thị Huyền Trang và Nguyễn Hải Thủy – hai cựu học sinh chuyên Văn, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) lập nên. Quen biết nhau từ những năm lớp 10, sau đó cùng tham gia vào đội tuyển Ngữ văn, cả hai nhanh chóng trở nên thân thiết.

Hải Thủy từng đạt giải Nhất quốc gia môn Ngữ văn, còn Huyền Trang từng giành được giải Ba. Ngoài ra, cả hai từng đạt nhiều giải thưởng khác trong các kỳ thi Olympic môn Văn.

Sau khi lên đại học, dù học ở hai ngôi trường khác nhau là Học viện Báo chí & Tuyên truyền và Đại học Kinh tế Quốc dân, nhưng cả Thủy và Trang đều mong muốn có thể làm một điều gì đó cùng nhau.

“Chúng em đều rất yêu thích và có niềm đam mê với văn học. Không muốn kiến thức đã học bị lãng phí, cả hai quyết định lập kênh để giới thiệu và lan tỏa kiến thức đến với mọi người. Điều chúng em mong muốn là tạo ra một cộng đồng để mọi người có thể giao lưu, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về văn học. Với sự gần gũi về độ tuổi, chúng em sẽ biết những khó khăn các bạn đang gặp phải, từ đó xây dựng các bài đăng phù hợp hơn”, Hải Thủy nói.

4 cô gái của loạt blog văn học đình đám 'hút hồn' Gen Z - 3

Hiện tại, Hải Thủy (bên trái) là sinh viên năm của Học viện Báo chí & Tuyên truyền, còn Huyền Trang (bên phải) là sinh viên năm hai của Đại học Kinh tế Quốc dân.

Dù được thành lập từ tháng 11/2020, nhưng đến nay, những bài đăng của Rubik Văn Chương đều thu hút rất đông bạn trẻ theo dõi. Bên cạnh việc giúp các bạn học sinh có thể chia sẻ, học hỏi kiến thức và tìm ra định hướng trước sự hoang mang của những lời định kiến về “học văn không có tương lai”, Rubik Văn Chương còn tổ chức và hợp tác tổ chức với các nhà sách để tạo ra các sự kiện, tọa đàm văn chương, kết nối các bạn học sinh và những chuyên gia, văn nhân nghệ sĩ. Ngoài ra, Rubik Văn chương cũng mở các lớp học online và đi đến đội tuyển quốc gia ở các tỉnh để chia sẻ thêm kinh nghiệm của chính mình.

“Đúng như tên gọi của fanpage, điều chúng em muốn đem đến một góc nhìn mới hơn về văn học. Khối rubik đa diện, nhiều màu cũng tương tự như thế giới của văn học, đa dạng và phong phú chứ không hề giản đơn. Và hơn hết, khi xoay cục rubik sẽ tạo ra sự phối hợp các màu sắc khác nhau. Chúng em hy vọng mỗi bạn học sinh có thể tìm thấy và tạo ra cho mình màu sắc riêng, chất văn riêng”, Huyền Trang chia sẻ.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn