Ý tưởng 'giải cứu' V.League: Chết từ trong trứng nước?

Thể thaoChủ Nhật, 09/12/2012 10:15:00 +07:00

Thông tin "hot" trong cuộc họp HĐQT VPF sáng qua là quyết định đưa ĐT U.22 Việt Nam tham dự V.League 2013 dưới sự quản lý của VFF.

Thông tin ''hot'' trong cuộc họp HĐQT VPF sáng qua là quyết định đưa ĐT U.22 Việt Nam tham dự V.League 2013 dưới sự quản lý của VFF.


Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể vấp phải rất nhiều trở ngại, đầu tiên là sự phê chuẩn của VFF và Tổng cục TDTT,  tiếp đến là sự ủng hộ của các CLB cùng chính các cầu thủ.

Chỉ mượn cầu thủ từ các CLB trong 1 năm

Không rõ khi đưa ra ý tưởng này, HĐQT VPF đã bàn kỹ tất cả tình huống phát sinh hay chưa nhưng rõ ràng phương án thành lập 1 đội bóng dưới sự quản lý của VFF tham dự giải VĐQG sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề gây tranh cãi.

Theo một thành viên HĐQT VPF tiết lộ sau cuộc họp này thì giải pháp này chỉ được đưa ra trong năm 2013 để củng cố ĐT U.22 Quốc gia, vốn bị xem là khá yếu so với các lứa đàn anh. Sau khi kết thúc SEA Games 27, các cầu thủ sẽ được trả về CLB để tiếp tục thi đấu.

Đưa U.22 Quốc gia lên đá V.League 2013là chuyện không d

Tuy nhiên, ở đây sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề không dễ giải quyết. Đầu tiên là hầu hết các cầu thủ U.22 Quốc gia đều đang còn ràng buộc hợp đồng với các CLB. Việc xử lý trường hợp này thế nào cần có sự đồng ý của cả hai bên tham gia vào hợp đồng, tức là chỉ cần một bên không thống nhất thì việc đưa cầu thủ lên đội bóng của VFF dự giải sẽ gặp trắc trở.

Trước đó, các CLB đã phải trả tiền lót tay không nhỏ cho các cầu thủ này để ký hợp đồng trong thời gian vài năm. Nay nếu VFF mượn tạm những cầu thủ này 1 năm thì ai sẽ là người trả lại khoản tiền này cho các CLB (ví dụ mức lót tay là 3 tỷ đồng/3 năm thì phải trả lại 1 tỷ đồng/năm)?

VFF thì chắc chắn không đủ kinh phí để trả số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng khi mà ngân sách đang khá eo hẹp. Các cầu thủ lại càng không, bởi số tiền nhận lót tay đã được sử dụng và không phải ai cũng có sẵn tiền tỷ trong tay. Chẳng lẽ, VFF lại kêu gọi các CLB chịu thiệt trong bối cảnh chính họ cũng đang ''thập phần nguy hiểm'' trong bài toán sinh tồn.

Vấn đề lương trả cho cầu thủ và BHL ĐT U.22 Quốc gia dễ giải quyết hơn nhưng cũng không đơn giản. Theo hợp đồng đã ký giữa các cầu thủ này với CLB, rất nhiều người có mức lương cao hơn nhiều mức lương chuyên nghiệp tối thiếu. Thế nhưng, khi về với VFF thì chắc chắn ngân sách của VFF không thể chi trả vài chục triệu đồng cho một cầu thủ. Thậm chí, không loại trừ khả năng số tiền mỗi cầu thủ nhận được chỉ vài ba triệu đồng như những đợt tập huấn trước đây. Khi đối diện với tương lai như thế, liệu các cầu thủ có chấp nhận tự giảm lương vài lần không?

Và chi phí cho U.22 Việt Nam trong cả một mùa bóng lên đến vài chục tỷ sẽ kiếm ở đâu ra và ai sẽ lo?

Lại máy móc học theo người Mã

Thực ra, cách làm này không phải là mới mà đã được Singapore, Malaysia áp dụng thành công từ cả chục năm nay. Nhờ việc gom các cầu thủ trẻ lại 1 đội bóng mà Singapore đã 3 lần lên ngôi vô địch AFF Cup, trong đó 2 chức vô địch năm 2004 và 2007 có đóng góp của rất nhiều cầu thủ trong lứa Young Lions.

Còn với Malaysia, chu kỳ thành công suốt 3-4 năm qua cũng xuất phát từ lứa trẻ do HLV Rajagobal đào tạo. Cách làm này là tốt nhưng để lập được một đội bóng như thế, cả Malaysia và Singapore đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước chứ không phải là ngẫu hứng quyết định chỉ trong một buổi họp như BĐ Việt Nam.

 Ý tưởng cần phải có sự chuẩn bị chứ không thể bùng phát

HLV Mai Đức Chung cho rằng, trong điều kiện hiện tại của BĐ Việt Nam, nếu áp dụng cách làm trên sẽ có rất nhiều cái khó và thời điểm phù hợp nhất để làm điều này là khi VFF tự xây dựng được các tuyến trẻ trong Trung tâm đào tạo BĐ trẻ quốc gia như cách Malaysia đã làm rồi mới gom quân tham dự các giải quốc gia.

Thêm nữa, việc đưa ngay U.22 Quốc gia lên tham dự V.League cũng khiến nhiều người lo ngại rằng chất lượng của đội bóng chưa đủ để ganh đua với các đội bóng khác của V.League, vốn vừa có cầu thủ nội giàu kinh nghiệm lại được bổ sung thêm ngoại binh cùng cầu thủ nhập tịch. Nếu cứ phải gồng mình ganh đua trong 1 mùa giải kéo dài thì có thể dẫn đến nguy cơ nhiều cầu thủ trẻ “chột”.

Ở đây, VPF đã loại bỏ áp lực thành tích cho U.22 Quốc gia bằng quy định không có đội xuống hạng ở mùa tới nhưng điều này có thể dẫn đến cái hại lớn là ảnh hưởng đến chất lượng chung của cả V.League. Bởi lẽ, nếu không có áp lực từ việc xuống hạng thì rất nhiều đội ở nhóm cuối sẽ không còn động lực thi đấu ở nửa sau mùa giải. Khi đó, chắc chắn hình ảnh chung của cả giải đấu sẽ bị ảnh hưởng, dẫn tới nhiều thiệt hại khó lường khác.

VFF từng thất bại khi học theo thành công của Malaysia trong việc dùng HLV nội dẫn dắt ĐT Quốc gia và giờ đây VPF lại có tiếp tục con đường này bằng việc cử đội trẻ dự giải quốc gia nhưng có mấy khi ''hàng nhái" lại qua mặt được ''hàng xịn''. Việc áp dụng máy móc phương pháp thành công của người khác với những điều kiện khác biệt thường chỉ dẫn đến thất bại.

- 12 đội tham dự V.League 2013 và không có đội xuống hạng.
- 10 đội tham dự giải hạng Nhất, không có đội xuống hạng.
- Thi đấu vòng tròn 2 lượt, vô địch V.League nhận 10 tỷ tiền thưởng còn đội đứng đầu hạng Nhất lên dự V.League 2014.


Hồng Vân(Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn