Ý nghĩa của bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền

Giáo dụcThứ Bảy, 28/01/2017 07:50:00 +07:00

Câu chuyện bánh chưng ngày Tết không hề xa lạ với bất kể một người Việt Nam nào nhưng bánh chưng từ đâu mà ra, câu chuyện truyền thuyết về loại bánh này là thế nào thì không phải ai cũng biết tường tận.

Tương truyền, vua Hùng Vương thứ sáu muốn tìm người tài kế vị, đã cho vời các hoàng tử lại và truyền rằng: “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay đem cao lương mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi”.

banh-chung

 Bánh chưng, bánh giày là hai loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền

Các hoàng tử đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp nơi. Duy chỉ có hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu, do mẹ mất sớm, không có người giúp đỡ nên không biết xoay sở ra sao.

Một hôm Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng hạt gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành."

Khi dâng lên, hai loại bánh ấy được vua Hùng rất ưng ý nên đã quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu, đồng thời đặt tên bánh hình tròn tượng trưng cho trời là bánh giày, bánh hình vuông tượng trưng cho đất là bánh chưng.

Từ đó, mỗi khi Tết đến xuân về, trên mâm cỗ cúng tổ tiên, dân gian thường làm hai thứ bánh này để tạ ơn trời đất. Đây cũng là hai thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

Ý nghĩa của hai loại bánh đặc biệt trong ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Ý nghĩa nhân sinh:

Thời điểm bánh chưng, bánh dày ra đời là từ thời các vua Hùng. Khi đó, với nhận thức còn hạn hẹp, người Việt chỉ có thể rút ra nhận xét từ những quan sát hàng ngày. Bầu trời mùa đông trắng đục, tròn như chiếc vung nồi úp lên trên đất hình vuông.

Trời tròn, trắng đục và có vẻ như trong suốt, bên trong không chứa bất cứ thứ gì. Vì vậy, bánh dày, tượng trưng cho trời sẽ trong suốt và không có nhân.

Mặt đất gần gũi, với tầm nhìn thấp, người Việt thấy dường như là hình vuông. Mỗi lần xới đất trồng cây, họ thấy từng lớp đất với các mầu sắc và đặc điểm khác nhau. Như vậy, bánh chưng cần có nhiều lớp, vuông vức, vững chãi.

Như vậy, theo dân gian, bánh chưng hình vuông, có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc âm, tượng trưng cho đất. Bánh dày hình tròn không có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc dương, tượng trưng cho trời nên phải màu trắng, không nhân vị.

Còn theo tín ngưỡng phồn thực dân gian và triết lý nõ - nường, thì bánh chưng, bánh dầy còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi, nảy nở.

Bánh chưng âm dành cho mẹ, bánh dầy dương dành cho cha. Trên mâm lễ dâng cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bánh chưng biểu tượng cho cha Rồng, bánh dày biểu tượng cho mẹ Tiên, mà theo truyền thuyết, đó là khởi thủy cho cộng đồng dân tộc Lạc Việt sau này

Ý nghĩa văn hóa:

Câu chuyện Lang Liêu dâng bánh nhận ngai vàng đã thể hiện niềm ước mong bao đời của người dân: Cho dù không có tiền bạc, quyền thế, chỉ có sự chăm chỉ, chịu khó và tấm lòng thơm thảo cũng sẽ nhận được đáp đền lớn như ngai vàng. 

Mong ước vượt qua hoàn cảnh khó khăn để một ngày thái lai, nhận được phần thưởng lớn ghi nhận công sức cố gắng đã tồn tại từ ngàn đời nay.

Câu chuyện Lang Liêu dâng bánh còn bày tỏ sự trân trọng với hạt gạo, hạt đỗ, những món lương thực quan trọng bao đời nay nuôi sống người Việt.

Vốn là đất phải gánh chịu nhiều thiên tai, địch họa, người dân Việt bao đời nay mong ngóng, lo lắng cho bữa cơm gia đình. Tuy cái đói không phải kéo dài triền miên, nhưng mỗi năm trôi qua với hạn hán, lũ lụt, ngấm cái đói thỉnh thoảng ập đến, người Việt nào cũng lo lắng đến miếng ăn. Hạnh phúc của người Việt là cơm no áo ấm.

Vì thế, hầu như ngày lễ Tết nào cũng đi kèm một loại món ăn đặc trưng. Tết là ngày lễ được mong chờ nhất trong năm sẽ là thời khắc hiện diện của hai loại bánh trang trọng nhất. Hai loại bánh tượng trưng cho trời và đất.

Bánh chưng bánh dày ngàn đời nay vẫn song hành đón Tết cùng người Việt.

Việc kể lại cho con cháu nghe câu chuyện Lang Liêu dâng bánh nhận ngai vàng chính là chúng ta đang truyền lại niềm tự hào dân tộc Lạc Việt ngàn năm.

TS Vũ Thu Hương
Bình luận
vtcnews.vn