Xuân Bắc: gỡ rối cùng nông dân

Tổng hợpThứ Năm, 28/03/2013 10:36:00 +07:00

Vẫn phong cách thời trang quen thuộc: áo hoa đỏ trắng, quần kaki giản dị, giày vàng nổi bật, chàng nghệ sĩ hài đã có buổi ghi hình khá thành công...

Lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình truyền hình trực tiếp "Hãy hỏi để biết" của kênh VTC16 với vai trò MC, Xuân Bắc đến từ rất sớm. Vẫn phong cách thời trang quen thuộc: áo hoa đỏ trắng, quần kaki giản dị, giày vàng nổi bật, chàng nghệ sĩ hài đã có buổi ghi hình khá thành công.

 

Đằng sau nụ cười của một nghệ sĩ hài

20h30 phút mới bắt đầu ghi hình, nhưng ngay khi ekip thực hiện chương trình "Hãy hỏi để biết" tới trường quay, nghệ sĩ Xuân Bắc cũng có mặt. Gương mặt hóm hỉnh, tác phong nhanh nhẹn, anh ngay lập tức bắt chuyện với mọi người. Cả trường quay chốc chốc lại rộ tiếng cười. Tới sớm trước giờ phát sóng hẳn một tiếng, Xuân Bắc tận dụng thời gian xem lại kịch bản, trao đổi với khách mời và không quên tranh thủ tút lại "nhan sắc" trước lúc lên hình.

Chỉ vào túi đồ vừa xách vào trường quay, anh thật thà: "Mình mang theo cả giầy và áo để thay nếu lên hình không hợp đấy".  Không nhận mình là người cầu toàn trong công việc, nhưng Xuân Bắc rất nghiêm túc và kĩ càng trong mọi tình huống. Theo anh, đối với bất cứ vấn đề nào, muốn hoàn thành tốt thì phải có sự chuẩn bị thật kĩ. Trên truyền hình là Xuân Bắc hài hước, vui vẻ, tếu táo, trẻ trung, nhưng ngoài đời, anh nhận mình là người có chút cổ điển và khó tính trong công việc.

Mối duyên lớn nhất đưa Xuân Bắc đến với "Hãy hỏi để biết" hay một loạt những chương trình dành cho người nông dân chính là tấm lòng: "Mình luôn muốn đồng hành cùng người nông dân. Lý do rất đơn giản: người nông dân trực tiếp làm ra lúa gạo, họ cần được trân trọng và quan tâm đặc biệt”. Sinh ra và lớn lên tại quê hương Phú Thọ, việc gần gũi, chia sẻ với người nông dân ở anh như một lẽ tự nhiên.

Kể về những kỉ niệm tuổi thơ, Xuân Bắc cười hỉ hả: “Ngày còn bé mình cũng nhiều trò lắm, bắt cua, bắt cá, chạy nhảy suốt ngày ngoài đồng. Mình thấy tiếc cho trẻ con thành phố bây giờ, suốt ngày chỉ có học, giải trí cũng quẩn quanh với tivi, máy tính điện thoại, trong đó có cả con mình. Chúng làm sao biết đến hương vị đồng quê dân dã như mình đã từng có”. Bởi thế nên mỗi lần có cơ hội cho con về quê chơi, Xuân Bắc chẳng ngần ngại dừng xe trên đường, chỉ để con được thỏa thuê nhìn ngắm cánh đồng lúa bát ngát, kể cho con vài trò chơi hồi mình còn bé. Anh tâm sự: "Hạnh phúc lớn nhất của tôi là có chốn quê hương để về".

 
Bận rộn giờ lên sóng

Vì là chương trình phát sóng trực tiếp, trả lời những thắc mắc của bà con nông dân thông qua hệ thống tổng đài và internet nên khâu chuẩn bị trường quay vô cùng quan trọng. Ðể 1 tiếng đồng hồ chương trình lên sóng thuận lợi, ekip gần 20 người phải làm việc hết công suất và vô cùng căng thẳng.

Từ việc dọn dẹp trường quay, đặt máy quay, cắt khung hình cho đến chuẩn bị câu hỏi phía hậu trường, xử lí kĩ thuật, sự cố đều đỏi hỏi tỉ mỉ, chính xác cao độ và khả năng ứng biến nhanh. Không chỉ ekip hậu trường, mà cả MC cũng hồi hộp trong thời gian lên sóng. Xuân Bắc gần như dán mắt vào kịch bản, xem lại thôi chưa đủ, anh còn điều chỉnh, thêm bớt nhiều chỗ cho hợp lý, thống nhất với chuyên gia của chương trình để có những phút lên hình ăn ý nhất.

Người bạn diễn ăn ý với Xuân Bắc trong các tiểu phẩm hài – Tự Long, người đã có kinh nghiệm dẫn Hãy hỏi để biết – cũng được Xuân Bắc vời đến qua điện thoại để tham khảo ý kiến. Anh bảo: Bà con nông dân đang căng thẳng vì vật nuôi mắc bệnh, cố chờ đến giờ được tư vấn, chậm thôi có thể sự việc chuyển sang hướng khác ngay, mình không được phép “tán” nhiều.

8h30 phút, chương trình chính thức lên hình. Tưởng như có thể nghe thấy cả tiếng thở của anh quay phim trong trường quay khi người phụ trách kĩ thuật đếm những giây cuối cùng cho đến thời điểm lên sóng. Cả trường quay không một tiếng động, giọng MC vang lên theo đúng kịch bản ban đầu. Mặc dù đã quá quen thuộc với những chương trình phát sóng trực tiếp, nhưng không ai giấu nổi sự hồi hộp. Mọi người dõi theo từng cử chỉ, từng câu nói của MC.

Với sự có mặt của các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, 15 phút đầu tiên của chương trình diễn ra khá suôn sẻ, giải đáp thắc mắc nhiều câu hỏi của bà con. Trong đó, ấn tượng nhất là câu hỏi của khán giả Bùi Văn Phước - Tiền Giang. Chuồn chuồn chắc hẳn ai cũng quen thuộc, nhưng không phải ai cũng biết ấu trùng chuồn chuồn là ấu trùng có hại, chuyên ăn cá giống.

Cách diệt loại ấu trùng này bằng phương pháp quây chúng thành vòng tròn đã được tiến sĩ Bùi Quang Tề - chuyên gia thủy sản giải thích rất rõ ràng. Xuân Bắc - với cái duyên hài hóm hỉnh khiến mọi người cười ồ: “Thế mình quây thành hình vuông hay hình chữ nhật có được không?”. Nhiều câu hỏi thú vị và bổ ích khiến chàng MC không giấu nổi sự hào hứng: "Ðúng là hãy hỏi để biết, bà con nông dân càng hỏi, tôi lại càng biết được nhiều thứ".

 

 
Nỗi niềm phía sau màn ảnh

Nếu có một món quà dành tặng cho người làm việc vất vả nhất, thì món quà ấy chắc chắn được trao cho những nhân vật thầm lặng phía hậu trường. Khác với trường quay, nơi mọi thứ đã được chuẩn bị rất kĩ trong kịch bản từ trước, những người làm việc sau màn ảnh phải tùy cơ ứng biến, tất bật ngược xuôi cho từng phút lên sóng của chương trình. Sự bận rộn, khẩn trương và hồi hộp đã trở thành không khí quen thuộc. Những câu hỏi, những cuộc điện thoại của người dân liên tiếp đổ về trong suốt thời lượng chương trình lên sóng. Thư ký nhanh chóng hoàn thiện nội dung và tổng hợp lại, bộ phận kỹ thuật căn đến từng giây để chèn, cắt nội dung, chỉnh từng chi tiết hình ảnh, âm thanh.

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh - tổ chức sản xuất là người chạy đi chạy lại nhiều nhất để phối hợp ăn ý với MC. Vô cùng cẩn thận trong từng câu hỏi và mỗi tình huống, chị tâm sự: "Nhiều lúc "đau tim" lắm, đó là khi kịch bản bị sai hoặc có sự cố về kĩ thuật. Lúc ấy phải “chữa cháy” bằng các clip về phương pháp chăn nuôi hoặc clip giới thiệu chương trình kỳ sau. Nhưng đã trót đam mê với nghề rồi. Cứ nghĩ bà con nông dân mong chờ chương trình lên sóng mỗi tối, mình có động lực lắm". Với mỗi câu hỏi thú vị hay những tình huống hài hước trong trường quay, ekip bên ngoài cũng thảo luận sôi nổi không kém. Những tiếng cười thỉnh thoảng vang lên xua tan căng thẳng giờ phát sóng.

Cùng với chương trình "Hỏi đáp trong ngày", chương trình "Hãy hỏi để biết" thu hút sự chú ý của đông đảo bà con nông dân. Trung bình một ngày có khoảng 200 câu hỏi được gửi về bộ phận biên tập. "Có những khán giả muốn tư vấn trực tiếp trong ngày, nhưng vì số lượng câu hỏi quá lớn nên không thể trả lời hết được tất cả thắc mắc của bà con." - chị Dương Thị Thu - biên tập chương trình chia sẻ.

Kể về những kỉ niệm hài hước xung quanh công việc của mình, chị bật cười: "Nhiều khi bọn mình nhận được những câu hỏi rất thú vị, ví dụ như: que thử thai của người có dùng được cho lợn không?” hay “Tôi là một người yêu chó, rất mong chương trình chỉ giúp tôi cách nuôi chó để nhanh lấy thịt?”. Những niềm vui nho nhỏ như thế là sức mạnh để ekip chương trình có thêm hứng thú làm việc.

 

“Chương trình nào cũng cần đến tình yêu”

Ðó là khẳng định của Xuân Bắc ngay khi nhận lời tham gia chương trình. Quả thực, thật khó để thực hiện tốt mọi việc nếu như ekip sản xuất và những người tham gia không dành cho chương trình tình yêu, tâm huyết, không biết lắng nghe, thông cảm với những lo lắng của người nông dân. Lần đầu tiên tham gia “Hãy hỏi để biết” với vai trò MC, Xuân Bắc không tránh khỏi những sơ suất nhỏ. Những sơ suất ấy đến từ lo lắng trả lời được nhiều câu hỏi cho bà con nông dân. Có điều, anh "chữa" rất khéo, rất cảm tình.

Có những lời "thú thật" của Xuân Bắc làm mọi người không chỉ dễ dàng thông cảm mà còn cười thú vị và sảng khoái. Ví như việc đọc nhầm kịch bản, chàng MC thật thà trước khán giả: "Thực ra đoạn này tôi nhầm đấy, chưa đến clip mấy con vịt kia đâu, nhưng vì là lần đầu dẫn chương trình này nên có lẽ tôi hơi run". Những ứng biến dí dỏm ngoài kịch bản ấy vừa là lời xin lỗi, thanh minh, lại vừa là gia vị cho chương trình thêm hấp dẫn. Xuân Bắc luôn có cách riêng để tiếp cận khán giả và truyền tải thông điệp của chương trình. Ðó là cách nhìn nhận vấn đề dưới con mắt của một nghệ sĩ hài chân thành, gần gũi.

Chỉ đến khi những giây cuối cùng của chương trình kết thúc, tiếng thở phào mới vang lên nhẹ nhõm. Lại một số nữa với nhiều kiến thức bổ ích đến với bà con nông dân. Công việc thì quen thuộc, nhưng mỗi chương trình lại có những diễn biến riêng, những câu chuyện thú vị đằng sau, không câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Buổi ghi hình diễn ra khá suôn sẻ, song Xuân Bắc không coi đây là buổi ghi hình thành công của mình, bởi anh thấy mình chưa thực sự chủ động. Tuy nhiên, lối dẫn mộc mạc, chân thành, hài hước đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên thương hiệu của “Hãy hỏi để biết”.

Thời gian chương trình phát sóng không nhiều, vẫn còn đó rất nhiều câu hỏi của bà con đang chờ giải đáp. Với mong muốn chương trình thiết thực hơn, Xuân Bắc đưa ra khá nhiều ý tưởng với ekip sản xuất trong việc hỗ trợ người nông dân, như: trao quà, phối hợp với các ngân hàng để giúp người nông dân xóa nợ. Gương mặt sáng, giọng nói nhiệt tình, người nghệ sĩ ấy còn hào hứng chia sẻ những dự định, những tình huống mà chương trình có thể mở rộng trong tương lai.

Bài: Phạm Thủy  

Ảnh: Quang Minh – Dương Triều


Bình luận
vtcnews.vn