Xử phúc thẩm Huyền Như: Navibank cho nhân viên vay tiền để... gửi tiền

Pháp luậtThứ Năm, 18/12/2014 03:00:00 +07:00

phiên xét xử phúc thẩm Huyền Như lừa đảo tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nam Việt (Navibank) về các nội dung kháng cáo.

(VTC News) - Sáng 18/12, phiên xét xử phúc thẩm Huyền Như lừa đảo tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nam Việt (Navibank) về các nội dung kháng cáo.

Từ phần thẩm vấn này, đường đi lắt léo của dòng tiền từ Navibank đến VietinBank được cắt lát, làm rõ: Navibank cho 4 nhân viên vay tiền, rồi sau đó 4 nhân viên này lại mang số tiền đó đi gửi.

Có điều gì mờ ám không tiện nói ra?


Bắt đầu phần thẩm vấn, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho phép đại diện Navibank gồm ông Nguyễn Ngọc Khánh và Lâm Nguyễn Thiện Nhơn đọc đơn kháng cáo với nội dung chính là Navibank yêu cầu VietinBank trả số tiền gốc 200 tỷ đồng.

Đại diện này cũng cho biết có tổng số 18 hợp đồng tiền gửi, trong đó 12 hợp đồng đã tất toán, tương ứng với 300 tỷ đồng. Còn lại 6 hợp đồng liên quan đến 200 tỷ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt.

Cũng theo đại diện này thì 6 hợp đồng đứng tên 4 cá nhân là nhân viên của Navibank gồm: Huỳnh Linh Chi, Nguyễn Cao Thùy Anh, Lương Thị Thủy Tiên, Lê Thị Thu Hương.

Đến đây, HĐXX cho mời đại diện của 4 nhân viên Navibank. Sau đây là phần thẩm vấn làm rõ vấn đề: Tòa hỏi: Kháng cáo yêu cầu đòi lại thế nào? Đại diện 4 nhân viên cho biết: Yêu cầu VietinBank phải trả số tiền 200 tỷ đồng tiền gốc và lãi phát sinh cho Navibank hoặc cho 4 nhân viên này.

Đại diện HĐXX nói: Sao thiệt hại lại trả hoặc cho người này hoặc cho người kia, trong này có bao nhiêu mối quan hệ phát sinh? Người đại diện này trả lời: Nhân viên chúng tôi không đánh giá được, nhờ HĐXX đánh giá.

Vậy Navibank có ký hợp đồng với VietinBank không?- Tòa hỏi. Đại diện 4 nhân viên Navibank trả lời: 4 nhân viên ký. Như vậy là chỉ có 4 nhân viên ký, Navibank không hề có giao dịch nào với VietinBank? Người đại diện này trả lời: Vâng.

Tòa hỏi: Nếu như sở hữu của riêng anh, sao không đòi cho cá nhân mà lại đòi cho người khác, phải chăng có điều gì mờ ám mà anh không tiện nói ra? Đại diện nhân viên Navibank ấp úng đáp: Theo tôi không có vấn đề gì trái pháp luật.

Navibank đòi VietinBank với tư cách gì?

Đến 9 giờ sáng, HĐXX thẩm vấn đại diện Navibank. Tại phần thẩm vấn này, đại diện Navibank cho biết hồ sơ 12 hợp đồng đã tất toán là giữa VietinBank với nhân viên của Navibank. Đồng thời 6 hợp đồng tương ứng với 200 tỷ đồng còn lại cũng là của 4 nhân viên Navibank. Đến đây HĐXX vặn: Vậy Navibank với tư cách gì mà đòi VietinBank trả lại cho mình? Đại diện Navibank đáp: Số tiền nhân viên Navibank gửi tại VietinBank là họ vay tại Navibank.

Đại diện HĐXX đưa ra nhận định: Vay là quan hệ dân sự khác, anh có quyền khởi kiện đòi họ. Đề nghị anh cung cấp hồ sơ vay và hồ sơ tất toán của Navibank với nhân viên Navibank. Cụ thể là vay từ thời gian nào, trả lãi thế nào và bảng sao kê chứng thực.

Đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục hỏi đại diện Navibank với yêu cầu “Trả lời chính xác vào nội dung câu hỏi”: Cho biết vì sao Navibank lại ký hợp đồng cho các nhân viên của mình vay tiền? Đại diện Navibank một lần nữa thừa nhận: Mục đích để nhân viên dùng số tiền này gửi tại VietinBank.

Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh: Tức là lý do Navibank ký các hợp đồng cho các nhân viên của mình vay tiền là để nhân viên này gửi tiền tại VietinBank? Đại diện Navibank đáp: Đúng ạ.

Tòa chuyển sang thẩm vấn Huyền Như. Trong phần này, Huyền Như khai nhận đã đặt quan hệ giao dịch với nhân viên Đoàn Đăng Luật - Phòng Nguồn vốn của Navibank.

Theo đó, Huyền Như thỏa thuận (với Đoàn Đăng Luật) về khoản tiền gửi thông qua cá nhân có lãi suất và lãi suất chênh lệch bên ngoài hợp đồng. Sau khi các nhân viên của Navibank chuyển tiền, Huyền Như đã chiếm đoạt bằng 2 cách: Cách thứ nhất là trích chuyển từ tài khoản khách hàng để trả nợ thông qua ký giả lệnh chi; cách thức hai là làm sổ tiết kiệm bằng chữ ký giả để vay tiền.

Ấp úng và né tránh

Phần thẩm vấn sau đây đã liên tục bị đại diện Navibank né tránh: Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát hỏi: Việc ký hợp đồng cho các nhân viên của mình vay tiền đem đi gửi tại VietinBank là theo chủ trương của ai? Đáp: Xin phép không trả lời.

Trong quá trình điều tra hồ sơ đã thể hiện, tôi (đại diện Viện Kiểm sát) hỏi ông công khai thôi. Ông có thể trả lời câu hỏi này được không? Đáp: Không. Vậy ai đứng ra giải quyết cho các nhân viên này vay tiền, nếu không có chủ trương? Đại diện Navibank… im lặng.

Đến đây đại diện Viện Kiểm sát buộc lòng trao đổi rõ: Trong quá trình điều tra, các thành viên HĐQT Navibank đã có văn bản trả lời chính thức việc gửi tiền tại VietinBank là theo chủ trương của HĐQT Navibank.

Đại diện Viện Kiểm sát nói tiếp: Sao ông lại né tránh? Đáp: Tôi chưa xem chủ trương đó. Sao ông bảo vệ quyền lợi được cho Navibank nếu không nắm được hồ sơ. Việc Navibank cho nhân viên vay tiền thông qua chi nhánh nào của Navibank? Đáp: Chưa thể trả lời được. Việc Navibank cho nhân viên đứng tên trên các hợp đồng vay tiền có thực hiện theo đúng quy định pháp luật? Tôi xin phép không đánh giá.

Liên tiếp sau đó với những câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát về hợp đồng gửi tiền; hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng lại thế chấp bằng chính hợp đồng gửi tiền đó, có hay không hợp đồng giả tạo; lãi suất… đều bị đại diện Navibank từ chối trả lời. Điều đó khiến cho đại diện Viện Kiểm sát phải thốt ra rằng: Tôi rất ngạc nhiên với phần trả lời hôm nay của ông (đại diện Navibank).

“Muốn bảo vệ được quyền lợi của Navibank thì người đại diện phải hiểu vấn đề, nắm rõ quy định về tiền tệ. Nếu ông không nắm được thì đề nghị HĐXX thay đổi không tham gia nữa”, VKS kết thúc thẩm vấn đại diện Navibank.

PV
Bình luận
vtcnews.vn