Xử phạt vi phạm thuế: Phần nổi của tảng băng

Kinh tếThứ Ba, 29/10/2013 09:48:00 +07:00

(VTC News) - Ở Việt Nam, tiền đóng thuế chiếm hơn 70% ngân sách nhà nước, trốn thuế càng nhiều càng gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế đất nước.

(VTC News) - Ở Việt Nam, tiền đóng thuế chiếm hơn 70% ngân sách nhà nước, nếu trốn thuế càng nhiều thì nguồn ngân sách giảm càng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế đất nước.

Phát hiện vi phạm còn ít

Trong 5 năm (2007-2013), ngành Thuế và Công an đã phối hợp trao đổi 27.516 công văn, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế. Kết quả, cơ quan Công an đã khám phá và phối hợp với cơ quan Thuế xử lý hình sự 218 vụ; xử lý hành chính 10.155 vụ vi phạm trong lĩnh vực thuế. Hai đơn vị đã xử lý, thu hồi nộp ngân sách 782,6 tỷ đồng tiền thuế trốn, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, con số phát hiện ra vi phạm về thuế mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực trạng vi phạm trong lĩnh vực thuế và hải quan rất cao, nhiều lĩnh vực, bộ phận khá nghiêm trọng. 
Thực tế hiện nay, trong tổng số 460 nghìn doanh nghiệp cấp phép đăng ký kinh doanh nhưng cũng có trên dưới 50 nghìn doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh nhưng không có kê khai thuế, đây cũng là nhóm có nhiều rủi ro.

Còn qua công tác thanh, kiểm tra của ngành Thuế cho thấy, trung bình 1 năm ngành Thuế thanh tra khoảng 18 đến 20% doanh nghiệp (tương đương 11 đến 12 nghìn doanh nghiệp) nhưng có đến 92% doanh nghiệp có vi phạm về thuế. Và mỗi năm qua công tác thanh tra đã góp phần làm tăng thu ngân sách 12.600 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2013 đã thu được 8.500 tỷ đồng.

Xử phạt vi phạm thuế
 

Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì thời gian qua, lực lượng Thuế và Công an mới tập trung đấu tranh vào lĩnh vực thuế giá trị gia tăng, còn các lĩnh vực khác chưa đề cập sâu như thuế xuất nhập khẩu, thuế nhà đất. 
Ví dụ, các thủ đoạn lợi dụng tạm nhập tái xuất, buôn bán tiểu ngạch qua biên giới; tội phạm lợi dụng việc giao dịch điện tử hoặc thanh toán qua ngân hàng để thanh toán, khấu trừ, hoàn thuế; đặc biệt, hiện tượng chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ thực tế trên đẫn dẫn tới hệ quả là số vụ việc được khởi tố, điều tra không nhiều và tiến độ điều tra chậm làm giảm tác dụng răn đe và giảm hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế. Đặc biệt các vụ dây dưa nợ thuế là hành vi vi phạm pháp luật phổ biến hiện nay của các doanh nghiệp nhưng chưa được xử lý triệt để.

Nhiều rào cản

Liên quan về vấn đề này, tại Hội nghị  sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực thuế vừa diễn ra tại Hà Nội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã chỉ ra những rào cản gây khó khăn cho công tác đấu tranh ngăn chặn các vi phạm chính sách thuế như: Tình hình chính sách pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung.  
Hành vi trốn thuế, gian lận ngày càng tinh vi phức tạp. Hiện nay, tội phạm về thuế hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều địa phương, trong khi đó sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ nên việc điều tra, xử lý rất khó khăn.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục cảnh sát kinh tế - Bộ Công an, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực thuế. 
Một phần là do tình trạng này đang diễn ra hết sức đa dạng, tăng mạnh, xảy ra trên các tỉnh, thành phố, cơ quan, doanh nghiệp, các lĩnh vực với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả xấu đến tình hình kinh tế. 
Mặt khác, đã có một số ít cán bộ thoái hóa, biến chất, suy thoái về đạo đức, sách nhiễu, tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc hoạt động dưới dạng bảo kê cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, chính sách thuế trong điều kiện hội nhập có độ nhạy cảm cao về kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia. Trong điều kiện của Việt Nam, nền kinh tế chuyển đổi và đẩy mạnh hội nhập quốc tế,  thực hiện cam kết với WTO về thuế đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. 
Các mâu thuẫn thường xuyên nảy sinh trong xử lý các lợi ích khác nhau trong nền kinh tế. Trong khi đó, các văn bản pháp luật về thuế còn thiếu đồng bộ, có những sơ hở, thiếu sót, cơ chế quản lý thu thuế còn nhiều bất cập...

Mặt khác, chính sách pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung; hành vi trốn thuế, gian lận ngày càng tinh vi, phức tạp, đòi hỏi phải tập trung nhiều lực lượng, nhiều thời gian. Trong khi đó, kinh phí phục vụ cho công tác xác minh, điều tra không được bố trí cũng là rào cản lớn đối với việc tiến hành xử phạt những hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Minh Loan
Bình luận
vtcnews.vn