Xử phạt 5 doanh nghiệp hơn 1 tỉ đồng vì 'biến sông thành kênh xả thải'

Sức khỏeThứ Tư, 01/03/2017 07:00:00 +07:00

Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Ðông (Hà Nội) vừa phối hợp với Ðội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và UBND phường Dương Nội kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất dệt, nhuộm, in hoa vải...

Ðáng chú ý, cả 5/5 cơ sở kiểm tra đều vi phạm xả thải và bị xử phạt với tổng số tiền lên đến trên 1 tỷ đồng. Ðiều này cho thấy, nguy cơ ô nhiễm từ ngành dệt, nhuộm là rất lớn và việc dung hòa giữa phát triển kinh tế - bảo vệ môi trường luôn còn những bất ổn...

Kiểm tra đến đâu, sai phạm đến đó

Khu vực cầu La Khê có 5 cơ sở dệt, nhuộm, in hoa trên vải thuộc tổ dân phố Thắng Lợi (Dương Nội, Hà Đông). Trong quá trình sản xuất, các cơ sở bắc vòi xả nước thải thẳng ra kênh La Khê mà không qua một hệ thống xử lý nào khiến nước sông trở thành nước thải đến mức người dân khu vực không thể chịu đựng nổi.

Nhieu_co_so_det_nhuom_ang_tich_cc_bin_con_song_khu_vc_thanh_b_nc_thi_khng_l_resize

 Nhiều cơ sở dệt, nhuộm đang biến các con sông trong khu vực thành bể nước thải khổng lồ.

Qua việc phân tích mẫu nước thải tại các cơ sở trên, 5/5 cơ sở đều vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Ngày 23/1/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 5 cơ sở trên với tổng số tiền nộp phạt lên đến trên 1 tỷ đồng.

Ngoài xử phạt hành chính, các cơ sở sản xuất bị đình chỉ hoạt động dệt nhuộm, in hoa trên vải 6 tháng và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.

Quận Hà Đông hiện nay là trung tâm tỉnh Hà Tây xưa, vùng đất có nhiều làng nghề thủ công cổ truyền nổi tiếng như dệt lụa Vạn Phúc, rèn Đa Sỹ (Kiến Hưng), mỹ nghệ Huyền Kỳ (Phú Lãm), dệt len Dương Nội. Giá trị sản xuất của các làng nghề của Hà Đông những năm gần đây đạt trung bình 55 tỷ đồng/năm.

Mặc dù sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề góp phần gìn giữ nét văn hóa nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân khu vực, song đồng thời cũng là thủ phạm chính khiến môi trường rác thải, khí thải, nước thải ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng do công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ.

Rủi ro môi trường cao từ dệt, nhuộm

Làng nghề dệt nhuộm Vạn Phúc và Dương Nội của quận Hà Đông chuyên sản xuất lụa tơ tằm, vải các loại và in hoa. Sản xuất của các làng nghề ở quy mô hộ gia đình với các thiết bị máy móc thô sơ, lạc hậu chủ yếu sản xuất trong nước.

Các thiết bị đã lạc hậu, cải tiến và nâng cấp theo kiểu chắp vá, không theo một trình tự nào do ghép nhiều công nghệ khác nhau nên khí thải, nước thải, rác thải sau quá trình sản xuất không được xử lý gây ô nhiễm môi trường.

Xã Dương Nội nay là phường có 16.500 nhân khẩu, trong đó hơn 2.000 người tham gia nghề dệt nhuộm tại 29 cơ sở sản xuất tập trung ở hai thôn Ỷ La, La Nội. Làng lụa Vạn Phúc có 9.420 nhân khẩu, trong đó có gần 3.000 người tham gia nghề dệt và 35 cơ sở chuyên tẩy, nhuộm.

Nước thải dịch nhuộm sau các công đoạn sản xuất không qua xử lý đổ thẳng ra cống rãnh và xả xuống sông Nhuệ gây ô nhiễm nghiêm trọng tầng nước mặt. Các chỉ tiêu của nước thải cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn, chưa được xử lý thải trực tiếp ra hệ thống ao, sông. Ngoài ô nhiễm do nước thải còn ô nhiễm khí thải, rác thải và tiếng ồn.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường về nguy cơ ô nhiễm của hoạt động dệt, nhuộm thì ngành này sử dụng một lượng nước thải lớn để sản xuất và đồng thời thải ra một lượng nước thải đáng kể cho môi trường, trong đó đặc biệt là những loại nước thải ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất hữu cơ cao, khó phân hủy do thành phần các chất tẩy.

Các chất này thường có chứa các ion kim loại hòa tan hay kim loại nặng rất khó phân hủy trong môi trường, có thể gây ô nhiễm môi trường trầm trọng trong thời gian dài. Nếu chưa được xử lý mà thải ra ngoài thì các hóa chất này có thể giết chết vi sinh vật xung quanh, làm chết cá và các loại động vật sống dưới nước, các chất độc này còn có thể thấm vào đất, tồn tại lâu dài và ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến đời sống của con người

Video: Ô nhiễm môi trường khiến con người càng ngày ngửi càng kém

(Nguồn: Sức khỏe đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn